Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Tìm kiếm nhanh

Kho tàng pháp học : Một Pháp || Hai Pháp || Ba Pháp || Bốn Pháp|| Năm Pháp|| Sáu Pháp|| Bảy Pháp|| Tám Pháp|| Chín Pháp|| Mười Pháp|| Trên 10 Pháp

# Nội dung Tài liệu
KTPH [224] Bốn niềm tin tối thượng (Aggappasādā):

[224] Bốn niềm tin tối thượng (Aggappasādā):

 

 

1. Tịnh tín nơi Đức Phật (Buddhe pasannā), vì Đức Phật là bậc tối thượng giữa chúng sanh, nên ai đặt niềm tin nơi Ngài, người ấy là có niềm tin tối thượng.

 

2. Tịnh tín với thánh đạo tám nhánh (Ariye aṭṭhaṅgike magge pasannā), vì pháp bát chánh đạo là pháp tối thượng trong các pháp hữu vi, nên ai đặt niềm tin nơi pháp này, gọi là có niềm tin tối thượng.

 

3. Tịnh tín với pháp vô nhiễm (Virāge dhamme pasannā), vì pháp ly tham níp-bàn là pháp tối thượng trong các pháp dù là hữu vi hay vô vi, nên ai đặt niềm tin nơi pháp này, gọi là có niềm tin tối thượng.

 

4. Tịnh tín tăng chúng (Saṅghe pasannā), vì tăng chúng là hội chúng tối thượng trong các hội chúng ở đời, nên ai đặt niềm tin nơi tăng chúng, gọi là có niềm tin tối thượng.

 

Những ai có niềm tin tối thượng sẽ đạt được quả dị thục tối thượng, tức là phước tối thượng, thọ mạng tối thượng, dung sắc tối thượng, lạc tối thượng, sức tối thượng, hỷ tối thượng. A.II.34 

- 4phap
KTPH [225] Bốn phương diện lượng xét (Pamāṇika hay pamāṇa):

[225] Bốn phương diện lượng xét (Pamāṇika hay pamāṇa):

 

1. Lượng xét theo sắc tướng (Rūpapamāṇikā), là thấy hình dáng bên ngoài của người khác mà khởi tâm tịnh tín. Như có người nhìn thấy tướng hảo của Đức Phật rồi phát sanh đức tin.

 

2. Lượng xét theo âm thinh (Ghosapamāṇa), là nghe tiếng nói âm điệu của người khác mà khởi tâm tịnh tín. Như có người nghe Phạm âm du dương của Đức Phật hoặc nghe tiếng đồn tốt đẹp về Ngài rồi phát sanh niềm tin.

 

3. Lượng xét theo vẻ khắc khổ (Lūkhapamāṇa), là nghĩ đến sự từ bỏ xa hoa của người khác mà khởi tâm tịnh tín. Như có người nghĩ đến Đức Phật đã khước từ đời sống đế vương để sống khổ hạnh, mặc y phấn tảo, khất thực độ nhật… người ấy phát sanh niềm tin.

 

4. Lượng xét theo pháp (Dhammapamāṇa), là hiểu được giáo pháp mà khởi tâm tịnh tín. Như có người đến nghe Đức Phật thuyết pháp, khi người ấy nhận hiểu đây là con đường thật sự dẫn đến an tịnh, hạnh phúc và giải thoát, liền phát sanh niềm tin. A. II. 71; Pug.7, 53; DhA. 114; Sn.A.242 

- 4phap
KTPH [226] Bốn hiện tượng (Nimitta), bốn ấn tướng làm động tâm đức Bồ tát kiếp chót, khiến ngài kinh cảm mà đi xuất gia tầm đạo:

[226] Bốn hiện tượng (Nimitta), bốn ấn tướng làm động tâm đức Bồ tát kiếp chót, khiến ngài kinh cảm mà đi xuất gia tầm đạo:

 

1. Người già (Jiṇṇa), đức Bồ tát thấy một người suy tàn thể xác, tóc bạc, da nhăn, lưng còm, tay chân run rẩy. Bồ tát kinh cảm sự nguy hiểm của thân này.

 

2. Người bệnh (Byādhi), đức Bồ tát thấy một người đang oằn oại rên rỉ vì bệnh tật hoành hành, Ngài kinh cảm sự nguy hại của thân này.

 

3. Người chết (Kālakata), đức Bồ tát thấy một thi hài đang bị đặt lên giàn hỏa để thiêu, ngài kinh cảm sự giả tạm của thân này.

 

4. Vị tu sĩ (Pabbajita), đức Bồ tát thấy một người xuất gia tọa thiền trầm tịnh, ngài đã nhận thức được lối thoát để chấm dứt khổ đau.

 

Ba dấu hiệu trước là thiên sứ (Devadūta), báo tin về sự khổ, hiện tượng thứ tư không phải là thiên sứ mà là hình ảnh gợi ý về con đường giải thoát. D.II. 22; Bv. XVII.14. 

- 4phap
KTPH [227] Bốn pháp trợ tu (Uttariṃ bhāvana dhammā); pháp cần tu tập để trợ lực cho vị hành giả:

[227] Bốn pháp trợ tu (Uttariṃ bhāvana dhammā); pháp cần tu tập để trợ lực cho vị hành giả:

 

1. Tu tập quán bất tịnh (Asubha bhāvanā), tức là quán thân ba mươi hai thể trược; sự tu tập này đoạn trừ tham ái.

 

2. Tu tập niệm từ tâm (Mettā bhāvanā), tức là an trú biến mãn với tâm vô sân; sự tu tập này đoạn trừ phẫn nộ.

 

3. Tu tập nhập xuất tức niệm (Anāpānassati bhāvanā), tức là niệm hơi thở, sự tu tập này chặn đứng phóng tâm nghĩ ngợi.

 

4. Tu tập tưởng vô thường (Aniccasaññā bhāvanā), tức là suy tưởng tính chất giả tạm của danh sắc; sự tu tập này để dẹp bỏ ngã mạn. Ud.128 

- 4phap
KTPH [228] Bốn sự cúng dường thanh tịnh (Dakkhiṇāvisuddhi):

[228] Bốn sự cúng dường thanh tịnh (Dakkhiṇāvisuddhi):

 

1. Có sự cúng dường thanh tịnh phía người cho, không thanh tịnh phía người nhận (Atthi dakkhiṇā dāyakato visujjhati no paṭiggāhakato), tức là người thí có giới sống thiện pháp, người thọ thí thì ác giới ác pháp.

 

2. Có sự cúng dường thanh tịnh phía người nhận, không thanh tịnh phía người cho (Atthi dak-khiṇā paṭiggāhakato visujjhati no dāyakato), tức là người thí ác giới ác pháp nhưng người thọ thí có giới, sống thiện pháp.

 

3. Có sự cúng dường không thanh tịnh phía người cho cũng không thanh tịnh phía người nhận (Atthi dakkhiṇā n’eva dāyakato visujjhati no paṭiggāhakato), tức là người thí ác giới ác pháp, mà người thọ thí cũng ác giới ác pháp.

 

4. Có sự cúng dường thanh tịnh phía người cho và cũng thanh tịnh phía người nhận (Atthi dakkhiṇā dāyakato c’ eva visujjhati paṭiggāhakato ca), tức là người thí có giới, sống thiện pháp, và người thọ thí cũng có giới, sống thiện pháp. D.III.231; M.III.256;A.II.80; Kvu.557 

- 4phap
KTPH [229] Bốn pháp bất thối của tỳ-kheo (Aparihānadhamma):

[229] Bốn pháp bất thối của tỳ-kheo (Aparihānadhamma):

 

1. Cụ túc giới (Sīlasampanno hoti), nghiêm trì giới hạnh, thành tựu đầy đủ giới bổn.

 

2. Phòng hộ các căn (Indriyesu guttadvāro hoti), chánh niệm khi lục căn tiếp xúc lục trần.

 

3. Tiết độ ẩm thực (Bhojane mattaññū hoti), biết độ lượng trong việc ăn uống.

 

4. Sống tỉnh thức (Jāgariyaṃ anuyutto hoti), chuyên cần tỉnh giác trong bốn oai nghi, ngăn chặn các ác bất thiện pháp. A.II.39 

- 4phap
KTPH [230] Bốn tư niệm (Cetanā):

[230] Bốn tư niệm (Cetanā):

 

1. Tư tiền (Pubbacetanā), suy nghĩ trước khi làm.

 

2. Tư hiện (Muñcacetanā), suy nghĩ đang khi làm.

 

3. Tư quá (Aparacetanā), suy nghĩ khi làm xong.

 

4. Tư hậu (Aparāparacetanā), suy nghĩ việc đã làm.

 

Nếu làm điều thiện, có đủ tư niệm ba thời như vậy thì có quả báo lớn, tư niệm mạnh được gọi là ukkaṭṭhacetanā; tư niệm yếu thì gọi là omakacetana. Dhs A.193

- 4phap
KTPH [231] Bốn nhân sanh tương ưng trí (Ñānasampayutta):

[231] Bốn nhân sanh tương ưng trí (Ñānasampayutta):

 

 

1. Do nghiệp (Kamma), tức là đời trước có tạo phước trí, hành động quen dùng trí, nên nay dễ phát sanh trí tuệ.

 

2. Do sanh hữu (Upatti), tức là sanh nhằm cõi không thể sanh trí như cõi khổ… hoặc sanh vào thời kỳ chúng sanh kém trí, khó phát sanh trí tuệ được.

 

3. Do quyền mạnh (Tikkhindriya), tức là người có đầy đủ tín, tấn, niệm, định, tuệ phát triển cân bằng và bén nhạy, nên dễ phát sanh trí.

 

4. Do ly phiền não (Kilesavisaṃyoga), tức là ít bị phiền não chi phối, không nặng tham, nặng sân, nặng si, nên dễ phát sanh trí. Dhs A. 112. 

- 4phap
KTPH [232] Bốn pháp xác định (Adhiṭṭhāna-dhamma)

[232] Bốn pháp xác định (Adhiṭṭhāna-dhamma), những đức tính lập nên con người đạo đức, những cơ sở để xác định là người hiền.

 

1. Trí tuệ (Paññā), có sự hiểu biết nhân quả, thông hiểu thực tính của mọi sự vật. Để có được trí tuệ, cần phải không xao lãng việc sử dụng trí (Paññaṃ nappamajjeyya).

 

2. Chân thật (Sacca), có sự thật thà trung thực, biết tôn trọng sự thật từ lời nói cho đến các sự kiện chân lý. Để có được đức tính này, cần phải bảo vệ chân lý (Saccaṃ anurakkheyya).

 

3. Xả ly (Cāga), có sự dứt bỏ xả bỏ những thói xấu, cố chấp, cố tật; từ việc xả bỏ tài vật để bố thí cho đến xả bỏ phiền não. Để có đức tính này cần phải bồi dưỡng tính hào phóng (Cāgaṃ anubrūheyya).

 

4. An tịnh (Upasama), có sự tịnh tâm, biết làm cho tâm vắng lặng phiền não. Để có được đức tính này, cần phải phải học tập yên lặng (Santiṃ sikkheyya). D. III.229; M.III.243.

- 4phap
KTPH [233] Bốn loại nghiệp quả (Kammavipāka):

[233] Bốn loại nghiệp quả (Kammavipāka):

 

 

1. Nghiệp đen quả đen (Kammaṃ kaṇhaṃ kaṇhavipākaṃ), tức là thân hành khẩu hành ý hành não hại sẽ dẫn đến cảnh giới cảm thọ khổ não.

 

2. Nghiệp trắng quả trắng, (Kammaṃ sukhaṃ sukkavipākaṃ) tức là thân hành khẩu hành ý hành bất hại sẽ dẫn đến cảnh giới cảm thọ bất khổ.

 

3. Nghiệp đen trắng quả đen trắng (Kammaṃ kaṇhasukkaṃ kaṇhasukkavipākaṃ), tức là vừa tạo thân hành khẩu hành ý hành não hại cũng vừa bất hại, sẽ dẫn đến cảnh giới cảm thọ vừa khổ não, mà cũng vừa bất khổ, cảm thọ lẫn lộn khổ vui.

 

4. Nghiệp không đen không trắng quả không đen không trắng, dẫn đến đoạn trừ nghiệp (Kammaṃ akaṇhaṃ asukkaṃ akaṇhāsukkaṃ vipākaṃ kammakkhayāya saṃvattati), tức là trường hợp tư niệm (cetanā) đoạn trừ ba loại nghiệp quả trên, nói cách khác là tư niệm không tạo nghiệp dù thiện hay ác; hành động của vị A-la-hán là trường hợp đó. M.II. Kukkuravatisutta, 389.

- 4phap
KTPH [234] Bốn quả báo thiện hành (Sucaritāni-saṃsa)

[234] Bốn quả báo thiện hành (Sucaritāni-saṃsa)

 

 

1. Được người khác suy nghĩ tốt cho mình (Jano tajjaṃ tass’ āruppaṃ kathaṃ manteti).

 

2. Được hoan hỷ tự tin vì không phạm pháp (Phāsu hoti vesārajjaṃ ahaṃ na tesu pāpadhammesu sandissamī’ ti).

 

3. Nằm ngồi ở đâu cũng thoải mái vì nghiệp lành vương vấn (Yatra tatra taṃ kalyāni kammāni olambanti ajjholambanti abhippalambanti)

 

4. Sau khi chết, sanh vào thiện thú thiên giới (Kāyassa bhedā parammaraṇā sugatiṃ saggaṃ lo-kaṃ uppajjati). M.III.170, Bālapaṇḍitasutta 

- 4phap
KTPH [235] Bốn quả báo ác hành (Duccaritānisaṃsa):

[235] Bốn quả báo ác hành (Duccaritānisaṃsa):

 

1. Bị người khác dị nghị (Jano tajjaṃ tass’ āruppaṃ kathaṃ manteti).

 

2. Lo sợ vì phạm pháp (Vihaññati ahaṃ tesu dhammesu sandissāmī’ ti).

 

3. Nằm ngồi ở đâu cũng nặng nề vì nghiệp ác ám ảnh (Yatra tatra tạṃ pāpāni kammāni olambanti ajjholambanti abhippalambanti).

 

4. Sau khi chết sanh vào đọa xứ khổ cảnh địa ngục (Kāyassa bhedā parammaraṇā apāyaṃ dugga-tiṃ vinipātaṃ nirayaṃ uppajjati). M.III.163, Bālapaṇḍitasutta.

- 4phap
KTPH [236] Bốn pháp người tại gia (Gharāvāsadhamma):

[236] Bốn pháp người tại gia (Gharāvāsadhamma):

 

 

1. Chân thật (Sacca), tức là nói và làm đều đi đôi với nhau; tâm tư chân thật.

 

2. Tự hóa (Dama), điều phục tâm, tự dạy tâm, cải tạo mình cho được tiến hóa.

 

3. Kham nhẫn (Khanti), chịu đựng, nhẫn nại với nghịch cảnh, có nghị lực để vượt qua khó khăn.

 

4. Dứt bỏ (Cāga), xả bỏ lòng ích kỷ hẹp hòi, hằng vui thích chia sẻ đến người khác, xả tài bố thí.

 

Đây là bốn pháp đạo đức căn bản của người tại gia, là pháp hỗ trợ đạo hạnh của người cư sĩ . S.I.215; Sn.189. 

- 4phap
KTPH [237] Bốn gia thịnh pháp (Kulaciraṭṭhiti), yếu tố duy trì gia đình hưng thịnh:

[237] Bốn gia thịnh pháp (Kulaciraṭṭhiti), yếu tố duy trì gia đình hưng thịnh:

 

1. Biết tìm lại cái đã mất (Naṭṭhagavesanā), tức là trong nhà khi tài sản vật chất hoặc truyền thống đạo đức của gia đình đã mất, phục hồi cho có lại.

 

2. Biết sửa chữa cái đã hư cũ (Jiṇṇapaṭisaṅkharanā), tức là cải thiện hoặc tu bổ các vật dụng tài sản trong gia đình, làm cho mới.

 

3. Biết độ lượng trong việc ăn xài (Parimitapānabhojanā), tức là biết chi tiêu trong gia đình cho hợp lý, không tiêu pha hoang phí.

 

4. Đặt người đức hạnh vào vai trò chủ chốt (Adhipaccasīlavantaṭhapanā), tức là trong gia đình có những vị trí lãnh đạo quản lý, các vị trí ấy phải do người có giới hạnh đạo đức đảm nhận.

 

Gia đình nào có bốn pháp này thì sẽ được tồn tại lâu dài, nếu ngược lại thì sẽ làm cho chóng suy tàn. A.II.249.

- 4phap
KTPH [238] Bốn điều an lạc của cư sĩ (Gihisukha):

[238] Bốn điều an lạc của cư sĩ (Gihisukha):

 

 

1. Lạc sở hữu (Atthisukha), sự an lạc vì có được tài sản thu hoạch hợp pháp, bằng sự nỗ lực làm nghề nghiệp.

 

2. Lạc hưởng thụ (Bhogasukha), sự an lạc khi thọ dụng tài sản của chính mình để nuôi mạng, nuôi gia đình, làm các công đức.

 

3. Lạc vô trái (Anaṇasukha), sự an lạc do không bị mắc nợ ai, khiến tâm tự do thoải mái.

 

4. Lạc vô tội (Anavajjasukha), sự an lạc do không làm điều ác, điều bất thiện, không lo sợ người khác chê trách về hành vi của mình.

 

Trong bốn điều an lạc này, lạc vô tội là điều an vui có giá trị cao nhất. A.II.69.

- 4phap
KTPH [239] Bốn sự thiên vị (Agati), cách xử sự không trung thực:

[239] Bốn sự thiên vị (Agati), cách xử sự không trung thực:

 

 

1. Thiên vị do thương (Chandāgati), tức là xử sự thiếu trung thực vì bị chi phối tình cảm.

 

2. Thiên vị do ghét (Dosāgati), tức là xử sự không công bằng vì có ác cảm.

 

3. Thiên vị do dốt (Mohāgati), tức là xử sự không trung thực vì thiếu hiểu biết.

 

4. Thiên vị do sợ (Bhayāgati), tức là xử sự không trung thực vì bị áp lực. D. III.182, 228; A. II.18.

- 4phap
KTPH [240] Bốn nghiệp phiền não (Kammakilesa), nghiệp ô nhiễm, nghiệp cấu uế:

[240] Bốn nghiệp phiền não (Kammakilesa), nghiệp ô nhiễm, nghiệp cấu uế:

 

 

1. Nghiệp phiền não sát sanh (Pāṇātipāto kammakileso).

 

2. Nghiệp phiền não trộm cắp (Adinnādānaṃ kammakileso).

 

3. Nghiệp phiền não tà dâm (Kāmesumicchācāro kammakileso).

 

4. Nghiệp phiền não nói dối (Musāvādo kam-makileso). D.III.181.

- 4phap
KTPH [241] Bốn sự vô minh (Avijjā), sự si mê dốt nát khiến cho không giác ngộ:

[241] Bốn sự vô minh (Avijjā), sự si mê dốt nát khiến cho không giác ngộ:

 

 

1. Bất tri khổ (Dukkhe aññāṇaṃ), tức không hiểu khổ đế là pháp cần biến tri.

 

2. Bất tri khổ tập (Dukkhasamudaye aññāṇaṃ), không hiểu tập đế là pháp cần đoạn trừ.

 

3. Bất tri khổ diệt (Dukkhanirodhe aññāṇaṃ), không hiểu diệt đế là pháp cần tác chứng.

 

4. Bất tri khổ diệt đạo lộ (Dukkhanirodhagāminīpaṭipadāya aññāṇaṃ), không hiểu đạo đế là pháp cần tu tập.

 

Nói tóm lại, vô minh là không thấu hiểu về sở dụng trong tứ đế. S.II.4;S.IV.256;Vbh.135. 

- 4phap
KTPH [242] Bốn pháp thủ (Upādāna), sự cố chấp, sự chấp thủ thuộc bất thiện:

[242] Bốn pháp thủ (Upādāna), sự cố chấp, sự chấp thủ thuộc bất thiện:

 

1. Dục thủ (Kāmupādāna), sự chấp thủ theo các dục lạc như sắc, thinh .v.v…

 

2. Kiến thủ (Diṭṭhupādāna), sự chấp thủ theo tri kiến sai lầm như thường kiến và đoạn kiến.

 

3. Giới cấm thủ (Sīlabbatupādāna), sự chấp thủ theo những giới cấm vô ích phi lý như khổ hạnh cực đoan.

 

4. Ngã chấp thủ (Attavādupādāna), sự chấp thủ bản ngã đối với ngũ uẩn, cho rằng ngũ uẩn là ta, ta là ngũ uẩn, trong ngũ uẩn có ta, trong ta có ngũ uẩn.

 

Bốn pháp thủ, Dục thủ là phiền não tham; Kiến thủ, Giới cấm thủ và Ngã chấp thủ là phiền não tà kiến. D.III.230; M.I.66; Vbh.375.

- 4phap
KTPH [243] Bốn lậu hoặc (Āsava), thứ phiền não làm chúng sanh bị trầm luân:

[243] Bốn lậu hoặc (Āsava), thứ phiền não làm chúng sanh bị trầm luân:

 

1. Dục lậu (Kāmāsava), ái tham các cảnh dục như sắc, thinh .v.v…

 

2. Hữu lậu (Bhavāsava), ái tham sự tái sanh luân hồi, hoặc ái luyến trong thiền lạc.

 

3. Kiến lậu (Diṭṭhāsava), chấp tri kiến sai lạc, chấp tà kiến như thường kiến và đoạn kiến.

 

4. Vô minh lậu (Avijjāsava), sự si mê, sự mê muội, không hiểu biết pháp đáng biết như bốn sự thật .v.v… Vbh.373.

 

Phần lớn trong kinh tạng chỉ trình bày có ba pháp lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu – Xem [105]. Sớ giải giải thích rằng trong hữu lậu đã có tà kiến, nên được kể là một (M.A. 1/93) . 

- 4phap
KTPH [244] Bốn cách trả lời câu hỏi (Pañhābyākaraṇa):

[244] Bốn cách trả lời câu hỏi (Pañhābyākaraṇa):

 

1. Có vấn đề cần trả lời dứt khoát (Atthi pañho ekaṃsabyākaraṇīyo). Như hỏi “Bốn đại là gì?”. Cần đáp ngay: “Bốn đại là đất, nước, lửa, gió”.

 

2. Có vấn đề cần trả lời bằng cách phân tích (Atthi pañho vibhajjabyākaraṇīyo). Nhưhỏi: “Phải chăng người nào còn tham thì người ấy cũng còn sân?” Cần đáp bằng cách phân tích: “Bậc A-na-hàm còn phiền não tham nhưng không còn phiền não sân, chỉ có phàm nhân và bậc hữu học thấp thì còn tham cũng còn sân”.

 

3. Có vấn đề cần trả lời bằng cách hỏi lại (Atthi pañho paṭipucchābyākaraṇīyo). Như hỏi: “Chúng sanh có linh hồn chăng?”. Cần hỏi lại để xác định “Bạn hiểu linh hồn là gì? “.

 

4. Có vấn đề cần trả lời bằng cách bỏ qua (Atthi pañho thapaṇīyo). Như họ hỏi: “Chúng sanh còn hay không còn sau khi chết?”. Vấn đề này không ích lợi, nên phải bỏ qua không cần giải thích. A.II.46

- 4phap
KTPH [245] Bốn thế nằm (Seyyā):

[245] Bốn thế nằm (Seyyā):

 

 

1. Thế nằm của ngạ quỉ, hay thế nằm của người chết (Petaseyyā), là thế nằm ngửa bụng (petā uttānā senti).

 

2. Thế nằm của người hưởng dục (Kāmabhogīseyya), là thế nằm nghiêng về phía trái (kāmabhogī vāmena passenasenti).

 

3. Thế nằm của sư tử (Sīhaseyyā), loài sư tử, chúa muông thú, có thế nằm nghiêng phía hông phải, hai chân gác lên nhau, đuôi cuộn vào giữa hai vế, (sīho migarājā dakkhiṇena passena seyyaṃ kappeti).

 

4. Thế nằm của Đức Phật (Tathāgataseyyā), đức Như Lai cũng nằm với dáng nằm của sư tử, nghiêng phía hữu, luôn tỉnh giác và an trú với tâm thiền định (tathāgato jhānaṃ viharitvā seyyaṃ kappeti). A.II.244 

- 4phap
KTPH [246] Bốn lý do nữ nhân ít thành đạt (Apayojanahetu):

[246] Bốn lý do nữ nhân ít thành đạt (Apayojanahetu):

 

1. Nữ nhân thường phẫn nộ (Kodhano mātu-gāmo).

 

2. Nữ nhân thường ganh tỵ (Issukī mātugāmo).

 

3. Nữ nhân thường bỏn xẻn (Maccharī mātugāmo).

 

4. Nữ nhân thường kém trí tuệ (Duppañño mātugāmo). A.II.82

- 4phap
KTPH [247] Bốn pháp làm duyên xứng đôi chồng vợ (Samajīvīdhamma):

[247] Bốn pháp làm duyên xứng đôi chồng vợ (Samajīvīdhamma):

 

 

1. Đồng đẳng đức tin (Samasaddhā), hai người đều có chánh tín.

 

2. Đồng đẳng giới hạnh (Samasīla), hai người đều có giữ giới.

 

3. Đồng đẳng thí xả (Samacāgā), hai người đều có hạnh bố thí.

 

4. Đồng đẳng trí tuệ (Samapaññā), hai người đều có trí tuệ hiểu biết. A.I.60

- 4phap
KTPH [248] Bốn sự chung sống gia đình (Saṃvāsā):

[248] Bốn sự chung sống gia đình (Saṃvāsā):

 

 

1. Tiện nam chung sống với tiện nữ (Chavo chavāya saddhiṃ saṃvasati), tức là một người nam xấu xa ác độc sống chung với một người nữ xấu xa ác độc.

 

2. Tiện nam chung sống với thiên nữ (Chavo deviyā saddhiṃ saṃvasati), tức là một người nam xấu xa ác độc sống chung với một người nữ hiền thiện đạo đức.

 

3. Thiên nam chung sống với tiện nữ (Devo chavāya saddhiṃ saṃvasati), tức là một người nam hiền thiện đạo đức sống chung với một người nữ xấu xa ác độc.

 

4. Thiên nam chung sống với thiên nữ (Devo deviyā saddhiṃ saṃvasati), tức là một người nam hiền thiện đạo đức sống chung với một người nữ hiền thiện đạo đức. A.II.57,59 

- 4phap
KTPH [249] Bốn danh hiệu gọi cha mẹ (Mātāpitu adhivacana):

[249] Bốn danh hiệu gọi cha mẹ (Mātāpitu adhivacana):

 

1. Cha mẹ là Phạm thiên (Brahmā). Được nói như vậy vì Phạm thiên là thần tượng kính ngưỡng theo quan niệm dân gian thời ấy, nên Đức Phật ví cha mẹ như Phạm thiên của con cái.

 

2. Cha mẹ là tiên thiên (Pubbadeva). Được nói như vậy vì chư thiên là vị thần hộ mệnh theo quan niệm dân gian thời đó, nên Đức Phật đã ví cha mẹ như chư thiên đầu đời của con cái.

 

3. Cha mẹ là tiên sư (Pubbācariya). Được nói như vậy vì cha mẹ như vị thầy đầu tiên của con cái, cha mẹ dạy dỗ con trước khi chúng vào đời học với thầy khác.

 

4. Cha mẹ là bậc ưng cúng (Āhuneyya). Được nói như vậy vì cha mẹ xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được cung phụng bởi con cái. A.II.92 

- 4phap
KTPH [250] Bốn sở hành chúng sanh, bốn hạng người (Puggala):

[250] Bốn sở hành chúng sanh, bốn hạng người (Puggala):

 

1. Người chuyên làm khổ mình (Puggalo attantapo hoti), tức là hạng người có quan niệm sai lầm, sống khắc kỷ, hành khổ hạnh gay gắt.

 

2. Người chuyên làm khổ người khác (Puggalo parantapo hoti), tức là hạng người sống ác độc với bàn tay vấy máu, làm nghề đồ tể, thợ săn, ngư phủ, đao phủ, cai ngục v.v…

 

3. Người tự làm khổ mình và làm khổ kẻ khác (Puggalo attantapo ca hoti parantapo), tức là người có uy quyền với tri kiến sai lầm, họ hành động khắc khổ, hành xác, lại khiến kẻ khác đau khổ phục vụ mệnh lệnh của họ.

 

4. Người không làm khổ mình và không làm khổ người khác (Puggalo n’ eva attantapo hoti na paran-tapo), là hạng người ly phiền não, sống tịch tịnh, an trú phạm thể, và vị ấy thuyết pháp thanh tịnh để giúp chúng sanh tiến hóa. Như Đức Phật và các vị đệ tử A-la-hán của Ngài. M.II.342 

- 4phap
KTPH [251] Bốn hạng trí giả (Ñātapuggala):

[251] Bốn hạng trí giả (Ñātapuggala):

 

1. Lược khai trí giả (Ugghaṭitaññū), người có trình độ cấp trí, chỉ nghe thuyết đầu đề là đã chứng ngộ.

 

2. Quảng diễn trí giả (Vipacitaññū),người có trình độ tương đối, trí khá bén nhạy, khi được nghe giải rộng đề tài mới tỏ ngộ.

 

3. Tiến dẫn trí giả (Neyya), người cótrình độ trí chậm, phải được hướng dẫn hành đạo từng bước, sau mới có thể giác ngộ.

 

4. Văn cú tối vi giả (Padaparama), người mà thiếu cơ trí giác ngộ trong hiện kiếp, nếu cố gắng lắm chỉ thông suốt chữ nghĩa thôi. A.II.135; Pug.41; Nett.7,125

- 4phap
KTPH [252] Bốn hạng phi bằng hữu (Mittapaṭirūpaka), là bạn giả dối, bạn trá hình, bạn xấu:

[252] Bốn hạng phi bằng hữu (Mittapaṭirūpaka), là bạn giả dối, bạn trá hình, bạn xấu:

 

 

1. Bạn vụ lợi (Aññadatthuhara), là người bạn tham của, gặp gì cũng muốn lấy, cho ít muốn nhiều, vì sợ mới làm, giao du vì mưu lợi.

 

2. Bạn môi miếng (Vacīparama), là người bạn chỉ biết nói; như tỏ thân tình việc đã qua, tỏ thân tình việc chưa đến, mua chuộc tình cảm bằng sáo ngữ, khi bạn hữu sự lại tỏ ra bất lực.

 

3. Bạn dua nịnh (Anuppiyabhāṇī), là người bạn a dua lấy lòng, người này có dấu hiệu như tán đồng việc làm xấu, bất đồng việc làm tốt, trước mặt thì ca tụng, sau lưng thì chê bai.

 

4. Bạn trụy lạc (Apāyasahāya), là người bạn xúi giục hư đốn; như bạn rượu chè say sưa, bạn ưa đi chơi đêm, bạn du hý điếm đàng, bạn mê cờ bạc. D.III.185. 

- 4phap
KTPH [253] Bốn hạng chân bằng hữu (Suhadamitta), hạng bạn chân tình, bạn tốt:

[253] Bốn hạng chân bằng hữu (Suhadamitta), hạng bạn chân tình, bạn tốt:

 

1. Bạn tán trợ (Upakārakamitta), là người bạn giúp đỡ tương trợ. Có bốn đức tính: bảo vệ nhau khi bạn bè khinh suất; giữ gìn tài sản của bạn bè khi bạn sơ ý, làm chỗ nương tựa khi có sự sợ hãi, nhiệt tình giúp đỡ khi bạn bè hữu sự.

 

2. Bạn đồng vui khổ (Samānasukhadukkhamit-ta), là người bạn thủy chung. Có bốn đặc tính: tỏ chuyện thầm kín của mình, giữ kín chuyện bí mật của bạn bè, không bỏ nhau khi bạn bè nguy khốn, dám bỏ mạng vì bạn.

 

3. Bạn khuyến lợi (Atthakkhāyīmitta), là người bạn xây dựng tiến hóa. Có bốn đức tính: ngăn bạn bè làm điều ác, khuyên bạn bè làm điều thiện, nói cho nghe điều chưa từng nghe, chỉ cho con đường thiên giới.

 

4. Bạn thân ái (Anukampakamittta), là người bạn chí tình. Có bốn đức tính: không vui khi bạn bè gặp nạn, vui mừng khi bạn bè gặp may mắn, phản đối người chê bai bạn, khích lệ người khen tụng bạn. D. III. 187.

- 4phap

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications