Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Tìm kiếm nhanh

Kho tàng pháp học : Một Pháp || Hai Pháp || Ba Pháp || Bốn Pháp|| Năm Pháp|| Sáu Pháp|| Bảy Pháp|| Tám Pháp|| Chín Pháp|| Mười Pháp|| Trên 10 Pháp

# Nội dung Tài liệu
KTPH [194] Bốn giai cấp xã hội (Vaṇṇa), sự phân biệt giai cấp ở Ấn Độ thời xưa theo chủ trương của giai cấp thống trị:

[194] Bốn giai cấp xã hội (Vaṇṇa), sự phân biệt giai cấp ở Ấn Độ thời xưa theo chủ trương của giai cấp thống trị:

 

1. Giai cấp Sát đế lỵ (Khattiya), giai cấp vua chúa, giai cấp thống trị.

 

2. Giai cấp Bà la môn (Brahmaṇa), giai cấp trí thức, tôn giáo.

 

3. Giai cấp thương gia (Vessa), giai cấp hào phú, chủ thương, chủ điền.

 

4. Giai cấp nô lệ (Sudda), giai cấp của những kẻ nghèo khổ, làm thuê, làm tôi tớ. M. II. 128.

- 4phap
KTPH [195] Bốn vô sở úy (Vesārajja) hay bốn vô ngại trí (Vesārajjañāṇa) của Đức Phật:

[195] Bốn vô sở úy (Vesārajja) hay bốn vô ngại trí (Vesārajjañāṇa) của Đức Phật:

 

 

1. Ngài tự nhận là bậc Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddhapatiññā), Ngài không sợ ai bắt bẻ buộc tội, vì Ngài đã thật sự chứng đạt quả vị Chánh Đẳng Giác.

 

2. Ngài tự nhận là bậc đoạn lậu (Khīṇāsavapatiññā), Ngài không sợ ai bắt bẻ chỉ trích, vì Ngài đã thật sự đoạn trừ các lậu hoặc.

 

3. Ngài tuyên bố pháp chướng ngại (Anta-rāyikadhammavāda), Ngài không sợ ai phản bác lời Ngài nói là sai, vì Ngài đã thật sự biết rõ pháp chướng ngại là chướng ngại.

 

4. Ngài thuyết pháp hướng thượng (Niyyānika-dhammadesanā), Ngài không sợ ai chỉ trích pháp Ngài thuyết là vô ích, vì thật sự Ngài đã thể nhập các pháp hướng thượng.

 

Bốn vô sở úy này là điều song song với thập lực Như Lai trí, là cơ sở để Ngài tự nhận địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống sư tử giữa các hội chúng vận Chuyển Pháp Luân. M.I.71; A.11.8.

- 4phap
KTPH [196] Bốn pháp dẫn đến lợi ích hiện tại (Diṭṭhadhammikatthasaṃvattanikadhamma):

[196] Bốn pháp dẫn đến lợi ích hiện tại (Diṭṭhadhammikatthasaṃvattanikadhamma):

 

 

1. Có sự nỗ lực (Uṭṭhānasampadā), là đủ sự siêng năng tháo vát trong nghề nghiệp, thành thạo cách làm việc cho có hiệu quả cao.

 

2. Có sựbảo quản (Ārakkhasampadā), là đủ sức bảo vệ tài sản đã có, biết cách gìn giữ những gì thu hoạch được, không để mất mát hư hại.

 

3. Có bạn tốt (Kalyānamittatā), là thường giao du thân cận bạn lành, những người bạn hiền thiện, đạo đức.

 

4. Có cuộc sống thăng bằng (Samajīvitā), là biết sống chừng mực thích ứng với tài sản mình có; không sống tiêu xa phung phí, cũng không keo kiết bón rít. A.IV.281. 

- 4phap
KTPH [197] Bốn pháp dẫn đến lợi ích tương lai (Samparāyikatthasaṃvattanikadhamma):

[197] Bốn pháp dẫn đến lợi ích tương lai (Samparāyikatthasaṃvattanikadhamma):

 

1. Đầy đủ niềm tin (Saddhāsampadā), làthành tựu chánh tín đối với thiện pháp, tin tam bảo, tin nghiệp báo.

 

2. Đầy đủ giới hạnh (Sīlasampadā), làthành tựu hạng nghiệp tốt đẹp, nghiêm trì giới luật, có sở hành đạo đức.

 

3. Đầy đủ thí xả (Cāgasampadā), làthành tựu hạnh bố thí, có tâm vui thích phân chia lợi lộc, hoan hỷ bố thí cúng dường.

 

4. Đầy đủ trí tuệ (Paññāsampadā), làthành tựu lý trí, có sự hiểu biết chơn chánh, có trí biết rõ thiện ác, biết rõ điều lợi hại, biết rõ điều nên hoặc không nên làm. A. IV. 284. 

- 4phap
KTPH [198] Bốn ngõ suy sụp (Apāyamukha), con đường dẫn đến tán gia bại sản:

[198] Bốn ngõ suy sụp (Apāyamukha), con đường dẫn đến tán gia bại sản:

 

1. Mê nữ sắc điếm đàng (Itthīdhutta),

 

2. Nghiện rượu (Surādhutta) .

 

3. Đam mê cờ bạc (Akkhadhutta) .

 

4. Kết bạn xấu (Pāpamittatā).

 

Để có được cuộc sống thăng bằng, một trong bốn pháp lợi ích hiện tại, người cư sĩ nên tránh xa bốn ngõ suy sụp tài sản này, vì đây là sự tiêu xa phung phí. A.IV. 283. 

- 4phap
KTPH [199] Bốn sự bại hoại (Vipatti), nói theo luật:

[199] Bốn sự bại hoại (Vipatti), nói theo luật:

 

1. Bại hoại giới đức (Sīlavipatti), tức là sự hư hỏng giới, như là phạm tội bất cộng trụ hay tăng tàn.

 

2. Bại hoại hạnh kiểm (Ācāravipatti), tức là hư hỏng uy nghi tế hạnh, như là sự phạm tội thô, tội tác ác, tội ác khẩu v.v…

 

3. Bại hoại tri kiến (Diṭṭhivipatti), tức là hư hỏng về kiến thức, hiểu biết sai lầm, có tà kiến.

 

4. Bại hoại sanh kế (Ājīvavipatti), là hư hỏng việc nuôi mạng, sinh sống bằng cách bất chánh, tà mạng. Vin.II.87.

- 4phap
KTPH [200] Bốn sự thành tựu (Sampadā, sampadāguṇa), điều kiện cho kết quả ngay hiện tại việc bố thí:

[200] Bốn sự thành tựu (Sampadā, sampadāguṇa), điều kiện cho kết quả ngay hiện tại việc bố thí:

 

 

1. Thành tựu đối tượng (Vatthusampadā), là gặp được bậc thánh nhân A-la-hán hay Bất lai, để cúng dường đến vị ấy.

 

2. Thành tựu vật thí (Paccayasampadā), là đang có lễ phẩm để bố thí cúng dường, tức là hiện có thực phẩm, hương hoa v.v…

 

3. Thành tựu tư tưởng (Cetanāsampadā), là có tư niệm mạnh mẽ, hoan hỷ và hợp trí trong ba thời: trước khi làm, đang khi làm và sau khi làm.

 

4. Thành tựu đặc hạnh (Guṇātirekasampadā), là nhằm lúc đối tượng thí, như vị thánh Tứ quả hay Tam quả vừa mới nhập và xả thiền diệt (Nirodhasamāpatti). Dh.A.III.93

- 4phap
KTPH [201] Bốn khuyết điểm (Vipatti), điều bất lợi cho thiện nghiệp trổ quả:

[201] Bốn khuyết điểm (Vipatti), điều bất lợi cho thiện nghiệp trổ quả:

 

 

1. Khuyết điểm sanh thú (Gativipatti), là sự tái sanh vào cõi khổ, nơi không có môi trường tiến hóa, chỗ khó tạo được thiện nghiệp.

 

2. Khuyết điểm sanh y (Upadhivipatti), là sanh ra với thân dị tật, hoặc yếu đuối bệnh hoạn.

 

3. Khuyết điểm thời kỳ (Kālavipatti), là sanh nhằm thời đạo đức suy bại, loạn lạc, thời mà chúng sanh phần nhiều là thiểu trí thiếu phước.

 

4. Khuyết điểm sở hành (Payogavipatti), là trong đời sống thường có hành vi bất thiện, tạo nghiệp ác, làm các việc phi pháp.

 

Bốn khuyết điểm này là điều bất lợi cho thiện nghiệp quá khứ trổ quả; nhưng lại là điều thuận lợi cho ác nghiệp sanh quả dị thục. Vbh. 338. 

- 4phap
KTPH [202] Bốn lợi điểm (Sampatti), điều kiện thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả:

[202] Bốn lợi điểm (Sampatti), điều kiện thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả:

 

1. Lợi điểm sanh thú (Gatisampatti), là tái sanh trong cõi vui như cõi trời, cõi người, là chỗ thích hợp, có điều kiện tiến hóa, có môi trường dễ sốn, hiền thiện, thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả.

 

2. Lợi điểm sanh y (Upadhisampatti), là sanh ra với thân tướng tráng kiện khỏe mạnh, thiểu bệnh khinh an, thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả.

 

3. Lợi điểm thời kỳ (Kālasampatti), là sanh nhằm thời đạo đức hưng thịnh, chúng sanh đa trí đa phước, thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả.

 

4. Lợi điểm sở hành (Payogasampatti), là sống thường có hành vi tốt đẹp, thiện hạnh, có nhiệt tâm và hợp trí, thuận lợi cho thiện nghiệp trổ quả.

 

Bốn lợi điểm này là điều thuận lợi cho quả phúc trổ sanh, nhưng lại là điều bất lợi, trở ngại cho quả ác trổ sanh . Vbh. 339.

- 4phap
KTPH [203] Bốn nỗi sợ hãi (Bhaya) của người xuống nước lội sông, được Đức Phật ví dụ, bốn nạn tân sư:

[203] Bốn nỗi sợ hãi (Bhaya) của người xuống nước lội sông, được Đức Phật ví dụ, bốn nạn tân sư:

 

 

1. Sợ sóng to (Ūmibhaya), tỷ dụ vị tân sư không kham nhẫn, khởi tâm phẫn nộ đối với lời quở trách.

 

2. Sợ cá sấu (Kumbhīlabhaya), tỷ dụ vị tân sư không kham nhẫn sự thiếu thốn, đói khát.

 

3. Sợ nước xoáy (Āvaṭabhaya), tỷ dụ vị tân sư không kham nhẫn phiền não dục, bị nhiễm đắm ngũ trần.

 

4. Sợ cá mập (Susukābhaya), tỷ dụ vị tân sư không kham nổi sự sa ngã, bị phụ nữ quyến rũ. M.I.460; A.II.123. 

- 4phap
KTPH [204] Bốn tranh sự (Adhikaraṇa), sự kiện tố tụng, sự họp bàn:

[204] Bốn tranh sự (Adhikaraṇa), sự kiện tố tụng, sự họp bàn:

 

1. Lý luận tranh sự (Vivādādhikaraṇa), tranh tụng vì ẩu đả nhau bằng binh khí miệng lưỡi.

 

2. Phê phán tranh sự (Anuvādādhikaraṇa), vụ tranh tụng diễn ra để quở trách kiểm thảo những người cần được giáo dục.

 

3. Xử lý tranh sự (Kiccādhikaraṇa), vụ tranh tụng để giải quyết vấn đề luật lệ, cách thức thực hiện.

 

4. Tội phạm tranh sự (Āpattādhikaraṇa), vụ tranh tụng để xử phạt những kẻ phạm tội hay bị kết tội.

 

Đối với tranh sự thứ tư, phải áp dụng bảy pháp diệt tranh (Adhikaraṇasamatha) để giải quyết. Xem [395]. M.III.247 (Sāmagāmasutta). 

- 4phap
KTPH [205] Bốn điều bất khả tư nghì (Acinteyya), bốn điều không thể suy nghĩ đối với kẻ phàm phu:

[205] Bốn điều bất khả tư nghì (Acinteyya), bốn điều không thể suy nghĩ đối với kẻ phàm phu:

 

1. Phật vức (Buddhavisayo), cảnh giới trí tuệ của Đức Phật, lãnh vực nhất thiết chủng trí của Đức Phật. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu.

 

2. Thiền vức (Jhānavisayo), năng lực thiền định thần thông. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu.

 

3. Nghiệp quả (Kammavipāko), quả dị thục của nghiệp dị thời. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu.

 

4. Vũ trụ quan hay thế giới tư duy (Lokacintā), các hiện tượng về vũ trụ như tinh tú, mặt trăng, mặt trời… tại sao có? Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu.

 

Bốn điều này, khả năng tư duy của phàm phu không thể hiểu thấu đáo, nếu cố gắng suy nghĩ sẽ sanh ra loạn trí. A.II.80 

- 4phap
KTPH [206] Bốn điều không cần giữ gìn (Arakkheyya) đối với Đức Phật, vì Ngài đã hoàn toàn thanh tịnh, pháp tánh tự nhiên:

[206] Bốn điều không cần giữ gìn (Arakkheyya) đối với Đức Phật, vì Ngài đã hoàn toàn thanh tịnh, pháp tánh tự nhiên:

 

1. Sở hành về thân (Kāyasamācāro), đức Như Lai có thân hành thanh tịnh, nên không cần giữ gìn rèn luyện.

 

2. Sở hành về khẩu (Vacīsamācāro), đức Như Lai có khẩu hành thanh tịnh, nên không cần luyện tập giữ lời.

 

3. Sở hành về ý (Manosamācāro), đức Như Lai không cần tu tập gìn giữ ý tứ, vì ngài đã thanh tịnh ý hành.

 

4. Sự nuôi mạng (Ājīvo), đức Như Lai không cần gìn giữ chế ngự việc nuôi mạng bất chánh, vì ngài đã thanh tịnh chánh mạng. A.IV.82

- 4phap
KTPH [207] Bốn cách thuyết pháp của Đức Phật (Desanāvidhī):

[207] Bốn cách thuyết pháp của Đức Phật (Desanāvidhī):

 

1. Giải thích (Sandassanā), là khi thuyết pháp Ngài đều định nghĩa và phân tích rõ ràng. Điều này giúp người nghe cởi bỏ si mê lầm lạc.

 

2. Thuyết phục (Samādapanā), là khi thuyết pháp Ngài luôn lập luận hợp lý, chặc chẽ, có tính thuyết phục. Điều này giúp người nghe bỏ tâm dể duôi.

 

3. Sách tấn (Samuttejanā), là khi thuyết pháp Ngài khuyên bảo, cổ vũ tinh thần, động viên tu tập, bằng lời lẽ xác thực. Điều này giúp người nghe bỏ tâm lười biếng tiêu cực.

 

4. Khích lệ (Sampahaṃsanā), là khi thuyết pháp Ngài an ủi, làm cho tâm thính chúng hân hoan, phấn khích. Điều này giúp người nghe thành tựu việc thực hành pháp.

 

Bốn cách thuyết này được nói đến nhiều trong chánh tạng, về phần ý nghĩa lý giải tác dụng bốn thuyết như thế nào thì được các tập sớ giải thích. D.I.126 v.v…
D.A.II.473; UdA. 242, 361, 384.

- 4phap
KTPH [208] Bốn tánh hạnh của vị Chuyển Luân Vương (Cakkavattivatta):

[208] Bốn tánh hạnh của vị Chuyển Luân Vương (Cakkavattivatta):

 

 

1. Lấy pháp làm trọng điểm (Dhammādhipa-teyya). Vị Chuyển Luân Vương luôn luôn dùng hảo pháp để trị dân, lấy lẽ phải làm căn bản trị nước, không cư xử thiên vị phân biệt.

 

2. Ngăn chặn phi pháp (Mā adhammakāra). Vị Chuyển Luân Vương luôn luôn dạy dỗ thần dân trong quốc độ đừng làm điều sai quấy.

 

3. Bố thí chẩn bần (Dhanānuppadāna). Vị Chuyển Luân Vương luôn luôn xả tài, ban tặng tài sản, giúp đỡ tiền của đến toàn dân để không có người nào đói nghèo.

 

4. Học hỏi với các vị Sa-môn, Bà-la-môn (Samaṇabrahmaṇaparipucchā). Vị Chuyển Luân Vương luôn luôn kính trọng các bậc tu hành thiện trí thức, năng thăm viếng và học hỏi với các bậc ấy về những điều thực hành tốt đẹp cho đời sống tinh thần. D.III.61

 

Bốn phận sự này xuất xứ trong chánh tạng kinh Chuyển Luân Vương (Cakkavattisutta). Theo bản chú giải của bài kinh này đã trình bày rộng rãi như sau:

 

a) Quan tâm giúp đỡ người nội cung và quân đội (Antojanasmiṃ balakāyasmiṃ).
b) Quan tâm giúp đỡ các tiểu vương (Khattiyesu).
c) Quan tâm giúp đỡ các hoàng thân và tùy tùng (Anuyantesu).
d) Bảo vệ các gia chủ Bà la môn (Brahmaṇagahapatikesu).
e) Bảo vệ toàn thể dân chúng các quốc độ (Negamajānapadesu).
f) Bảo vệ các Sa môn, Bà la môn (Samaṇabrah-maṇesu).
g) Bảo vệ mọi loài cầm thú (Migapakkhīsu).
h) Ngăn chặn các hành vi phi pháp (Adhammakārapaṭikkhepo).
i) Cứu tế chẩn bần những người nghèo khổ Adhanānaṃ dhanānuppadānaṃ).
j) Thăm viếng học hỏi ở các Sa môn, Bà la môn (Samaṇabrahmaṇe upasaṅkamitvā pañhapucchanaṃ).
k) Từ bỏ tham phi pháp (Adhammarāgassa pahānaṃ.
l) Từ bỏ sự ham muốn thái quá (Visamalobhassa pahānaṃ). D.A.3.46. 

- 4phap
KTPH [209] Bốn nhiếp pháp của vị vua (Rājasaṅgahavatthu), bốn pháp của vị vua thu phục nhân tâm:

[209] Bốn nhiếp pháp của vị vua (Rājasaṅgahavatthu), bốn pháp của vị vua thu phục nhân tâm:

 

1. Thông hiểu thời vụ (Sassamedha). Vị vua phải hiểu biết môi trường đất đai, hoàn cảnh tiết, mùa màng, để có chủ trương thích hợp làm phát triển đất nước.

 

2. Thông hiểu nhân tâm (Purisamedha). Vị vua phải biết rõ dân tình trong nước, người sở trường sở đoản thế nào, để dùng nhân tài và đào tạo quan chức.

 

3. Có sách lược quốc phòng (Sammāpāsa). Vị vua phải có đường lối cai trị dân, luật lệ nghiêm minh nhưng không hà khắc, chính sách khoan nhượng nhưng không nhu nhược, biết quan tâm nâng đỡ đời sống người dân.

 

4. Ngôn ngữ ôn hòa (Vācāpeyya). Vị vua phải có lời nói tốt đẹp mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, nói hòa nhã, khiêm tốn, nói điều hữu ích, nói có tính thuyết phục.

 

Bốn nhiếp pháp này Phật giáo đã chủ trương nhằm dạy các hàng vua chúa tín đồ Phật giáo; những điều này đối lập lại với những chủ trương vương pháp của Bà-la-môn giáo. Đó là vua phải biết:

 

a) Assamedha, giết ngựa cúng tế.
b) Purisamedha, giết người cúng tế.
c) Sammāpāsa, làm lễ cầu đảo.
d) Vajāpeya, lễ uống nước mừng thắng trận.
e) Sabbamedha, lễ tế càn khôn.

 

Vì chủ trương vương pháp của Bà-la-môn có khuynh hướng vô nhân đạo và tà kiến nên Phật giáo không chấp nhận. S.I.76; A.II.42; A.IV.151;It.21;
Su. 303; SA.I.145; SnA. 321. 

- 4phap
KTPH [210] Bốn nhiếp pháp (Saṅgahavatthu), bốn pháp nhiếp phục nhân tâm, bốn pháp cảm hóa người khác:

[210] Bốn nhiếp pháp (Saṅgahavatthu), bốn pháp nhiếp phục nhân tâm, bốn pháp cảm hóa người khác:

 

1. Bố thí (Dāna). Tâm rộng rãi xả tài, thích chia sẻ tài sản vật chất của mình lẫn đến người khác, không keo kiết bỏn xẻn.

 

2. Ái ngữ (Piyavācā hay peyyavajja). Có lời nói dịu ngọt, nói lời hòa nhã êm ái, làm thông cảm đến tâm, người nghe có ấn tượng thiện cảm.

 

3. Lợi hành (Atthacariyā). Có tâm vị tha phục vụ, làm lợi ích cho người khác, như giúp ích đến mọi người hoặc dẫn dắt mọi người an trú trong thiện pháp.

 

4. Bình đẳng (Samānattatā). Đối xử hòa đồng, hòa hợp với mọi người; xử sự đồng đẳng, cộng vui cổng khổ; sống với mọi người biết nhìn điểm tương đồng. D.III.152,232; A.II.32,248;A.IV.218.363.

- 4phap
KTPH [211] Bốn pháp tiến hóa (Vuḍḍhidhamma), pháp làm cho tăng trưởng trí tuệ (nên còn gọi là Paññāvuḍḍhi).

[211] Bốn pháp tiến hóa (Vuḍḍhidhamma), pháp làm cho tăng trưởng trí tuệ (nên còn gọi là Paññāvuḍḍhi).

 

 

1. Thân cận bậc chân nhân (Sappurisasaṃseva), gần gũi giao du với bậc thiện trí thức đạo đức.

 

2. Thính văn chánh pháp (Saddhammassavana), siêng học hỏi, nghe pháp chân chánh.

 

3. Khéo tác ý (Yonisomanasikāra), biết dùng trí tuệ suy luận, nhận xét một cách khôn khéo.

 

4. Hành tuần tự pháp (Dhammānudhammapatipatti), kiên trì thực hành pháp, thực hành liên tục đều đặn, thọ trì những gì đã được nghe và hiểu rõ. A.II.245. 

- 4phap
KTPH [212] Bốn phạm trú (Brahmavihāra), pháp an trú cao thượng; pháp trú của phạm thiên.

[212] Bốn phạm trú (Brahmavihāra), pháp an trú cao thượng; pháp trú của phạm thiên.

 

Đây còn gọi là bốn vô lượng tâm (Appamaññā) vì tâm tu tập bốn pháp này biến mãn cùng khắp chúng sanh giới, không hạn lượng phân biệt:

 

1. Từ tâm (Mettā), trạng thái vô sân, không nóng nảy, không bực phiền; tâm mát mẻ, thiện cảm với tất cả chúng sanh, mong cho tất cả được an lạc.

 

2. Bi tâm (Karuṇā), trạng thái bất hại, không mong làm khổ chúng sanh; động lòng trước sự đau khổ của chúng sanh, thương xót và mong muốn chúng sanh thoát khổ đau.

 

3. Hỷ tâm (Muditā), trạng thái bằng lòng với sự chúng sanh được thạnh lợi, vui theo sự hạnh phúc của chúng sanh, không ganh tỵ, không đố kỵ, hằng mong cho tất cả chúng sanh được thành tựu lợi lạc.

 

4. Xả tâm (Upekkhā), trạng thái cân bằng cảm tính, tâm quân bình tự tại, không chi phối bởi đau khổ hay hạnh phúc, luôn nghĩ rằng tất cả chúng sanh vui khổ đều do duyên nghiệp. D.II.196; D.III.220; Dhs. 262; Vism.320 

- 4phap
KTPH [213] Bốn sự tu tập (Bhāvanā):

[213] Bốn sự tu tập (Bhāvanā):

 

1. Tu thân (Kāyabhāvanā), sự tu tập về thân như thân hành tốt đẹp, oai nghi tế hạnh, cử chỉ không đáng bị khiển trách.

 

2. Tu giới (Sīlabhāvanā), sự tu tập giới luật, thu thúc trong giới bổn, không vi phạm điều học đã thọ trì, biết sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt.

 

3. Tu tâm (Cittabhāvanā), sự tu tập về tâm, phòng hộ nội tâm, phát triển tâm được tốt đẹp như là an trú vô lượng tâm, tinh tấn, nhẫn nại, thực hành thiền chỉ tịnh…

 

4. Tu tuệ (Paññābhāvanā), sự tu tiến trí tuệ, phát triển làm tăng trưởng chánh tri kiến, tu tập trạch pháp, thẩm sát danh sắc theo tam tướng để nhàm chán xả ly, ly tham để giải thoát.

 

Một vị tỳ-kheo nếu không tu tập về thân, không tu tập về giới, không tu tập về tâm, không tu tập về tuệ, sẽ là hiểm họa cho chánh pháp, làm cho ô nhiễm luật pháp này. A.III.106. 

- 4phap
KTPH [214] Bốn sự thọ trì pháp (Dhammasamādāna):

[214] Bốn sự thọ trì pháp (Dhammasamādāna):

 

1. Sự thọ trì pháp hiện tại lạc, tương lai kết quả khổ (Dhammasamādānaṃ paccuppannasukhaṃ āya-tiṃ dukkhavipākaṃ), như có các vị Sa-môn Bà-la-môn chủ trương lợi dưỡng, sống đắm mình hưởng thụ trong các dục, sau khi mạng chung họ phải sanh vào cõi dữ, đọa xứ.

 

2. Sự thọ trì pháp hiện tại khổ, tương lai kết quả cũng khổ (Dhammasamādānaṃ paccuppannaduk-khañc’eva āyatiñca dukkhavipākaṃ), như có những vị tu sĩ sống khổ hạnh ép xác dưới nhiều hình thức vô ích, kiến chấp sai lạc, sau khi mệnh chung phải sanh vào cõi dữ, đọa xứ.

 

3. Sự thọ trì pháp hiện tại khổ, tương lai kết quả lạc (Dhammasamādānaṃ paccuppannadukkhaṃ āyatiṃ sukhavipākaṃ), như có những người bản tính phiền não, đau khổ nhiều vì phiền não, người ấy nhận thức và sống theo phạm hạnh thanh tịnh, nhờ vậy khi mạng chung được sanh vào thiện thú thiên giới.

 

4. Sự thọ trì pháp hiện tại lạc, tương lai kết quả cũng lạc (Dhammasamādānaṃ paccuppannasukhañ-c’eva āyatiñca sukhavipākaṃ), như có người ở đời này sanh ra ít phiền não, không quá nặng phiền não, người ấy ly dục ly bất thiện pháp chứng và trú với các thiền, sống bằng hỷ lạc của thiền, nhờ vậy sau khi mạng chung được sanh thiện thú thiên giới. D.III.229;M.I.305.316. 

- 4phap
KTPH [215] Bốn sự hành đạo (Paṭipadā):

[215] Bốn sự hành đạo (Paṭipadā):

 

1. Hành đạo khó, chứng đắc chậm (Dukkhā paṭipadā dandhābhiññā), “Hành nan đắc trì”, tức là có hành giả vì nặng phiền não nên việc tu tiến gặp nhiều khó khăn, phải vất vả khổ cực; lại do ngũ quyền của vị ấy như tín, tấn, niệm, định, tuệ yếu nên đắc chứng đạo quả chậm.

 

2. Hành đạo khó, chứng đắc mau (Dukkhā paṭipadā khippābhiññā), “Hành nan đắc cấp”, tức có hành giả vì nặng phiền não nên việc tu tiến gặp nhiều khó khăn, phải vất vả, khổ nhọc; nhưng nhờ ngũ quyền của vị ấy mạnh nên mau chứng đắc đạo quả.

 

3. Hành đạo dễ, chứng đắc chậm (Sukhā paṭipadā dandhābhiññā), “Hành dị đắc trì”, tức là có hành giả bản tính ít phiền não, nên ít bị trở ngại khó khăn trong việc hành pháp, nhưng vì ngũ quyền yếu nên chứng đắc đạo quả chậm.

 

4. Hành đạo dễ, chứng đắc mau (Sukhā paṭipadā khippābhiññā), “Hành dị đắc cấp”, tức là có hành giả bản tính ít phiền não, ít bị trở ngại khó khăn trong việc hành pháp, lại có ngũ quyền mạnh nên chứng đắc đạo quả cũng mau. A.II.149-154 

- 4phap
KTPH [216] Bốn sự tu tiến định (Samādhibhāvanā):

[216] Bốn sự tu tiến định (Samādhibhāvanā):

 

1. Có sự tu tiến định dẫn đến hiện tại lạc trú (Diṭṭhadhammasukhavihārāya), tức là chứng trú các thiền đáo đại, hay thiền hiệp thế.

 

2. Có sự tu tiến định dẫn đến tri kiến đắc (Ñāṇadassanapaṭilābhāya), tức là tu tập tác ý tưởng ánh sáng với tâm mở rộng ngày cũng như đêm.

 

3. Có sự tu tiến định dẫn đến chánh niệm tỉnh giác (Satisampajaññāya), tức là tu tập biết rõ thọ, tưởng, tầm đang khởi, đang trú, đang diệt.

 

4. Có sự tu tiến định dẫn đến đoạn tận lậu hoặc (Āsavānaṃ khayāya), tức là tu tập quán tánh sanh diệt trên năm thủ uẩn. D.III.222; A.II.44 

- 4phap
KTPH [217] Bốn như ý túc (Idhipāda), nền tảng để thành tựu, yếu tố để đạt đến thiền định đạo quả:

[217] Bốn như ý túc (Idhipāda), nền tảng để thành tựu, yếu tố để đạt đến thiền định đạo quả:

 

1. Dục như ý túc (Chandiddhipāda), lòng mong mỏi, ước muốn, hoài bão.

 

2. Cần như ý túc (Viriyiddhipāda), sự siêng năng, sự cố gắng, sự nỗ lực, không nản chí.

 

3. Tâm như ý túc (Cittiddhipāda), sự chú ý, quyết định, gắn bó với mục đích.

 

4. Thẩm như ý túc (Vimaṃsiddhipāda), tức là trí tuệ sáng suốt, tỉnh giác, trạch pháp, hiểu cặn kẽ chính xác.

 

Tứ như ý túc nên hiểu theo hai khía cạnh: khía cạnh thực chứng, là dục cần tâm thẩm khởi lên trong tâm đạo, thuộc về pháp siêu thế; khía cạnh tu tập, là dục cần tâm thẩm khởi lên trong tâm thiện dục giới, thuộc pháp đảng giác (Bodhipakkhiya). D.III.221; Vh.216 

- 4phap
KTPH [218] Bốn tuệ đạt thông (Paṭisambhidā), tuệ phân tích, tuệ vô ngại giải:

[218] Bốn tuệ đạt thông (Paṭisambhidā), tuệ phân tích, tuệ vô ngại giải:

 

1. Nghĩa đạt thông (Atthapaṭisambhidā), là trí hiểu thấu đáo nghĩa lý của pháp đế; trí có khả năng phân giải chi tiết những điều được nói tóm tắt.

 

2. Pháp đạt thông (Dhammapaṭisambhidā), là trí hiểu rõ pháp, biết rõ các nguyên lý của ý nghĩa; tuệ có khả năng tổng trì pháp đề.

 

3. Ngữ đạt thông (Niruttipaṭisambhidā), là trí biết ngôn ngữ, dùng để trình bày pháp và nghĩa pháp.

 

4. Biện đạt thông (Paṭibhānapaṭisambhidā), là trí thiện xảo ứng đối, biết rõ cách lý luận, phân tích pháp. A.II.160; Ps. I. 119; Vbh. 294. 

- 4phap
KTPH [219] Bốn sự tinh cần hay chánh cần (Padhāna, sammappadhāna):

[219] Bốn sự tinh cần hay chánh cần (Padhāna, sammappadhāna):

 

1. Thận cần (Saṃvarapadhāna), tinh tấn về mặt phòng ngừa đối với các ác bất thiện pháp chưa sanh không cho sanh khởi.

 

2. Trừ cần (Pahānapadhāna), tinh tấn về mặt diệt trừ các ác bất thiện pháp đã sanh làm cho mất đi.

 

3. Tu cần (Bhāvanāpadhāna), tinh tấn tu tập làm cho phát sanh những thiện pháp chưa có, chưa sanh.

 

4. Bảo cần (Anurakkhanāpadhāna), tinh tấn giữ gìn những thiện pháp đã có, duy trì và phát triển thiện pháp đã sanh. D.III.221; A.II.15,74.

 

Bốn sự tinh cần này có chỗ trình bày ý nghĩa khác nữa:

 

1. Thận cần, là tinh tấn chế ngự nguyên nhân khiến tham ưu ác bất thiện sanh khởi do các căn tiếp xúc ngoại cảnh.

 

2. Trừ cần, là tinh tấn từ bỏ tẩy sạch tà tư duy: dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy.

 

3. Tu cần, là tinh tấn tu tập bảy giác chi nhờ viễn ly, ly tham, đoạn diệt.

 

4. Bảo cần, là tinh tấn gìn giữ trạng thái định tốt đẹp đã phát sanh do các đề mục tưởng v.v… A.II.16 

- 4phap
KTPH [220] Bốn sự tỉnh giác (Sampajañña), sự nhận thức, sự hiểu biết thấu đáo:

[220] Bốn sự tỉnh giác (Sampajañña), sự nhận thức, sự hiểu biết thấu đáo:

 

1. Ích sát tỉnh giác (Satthakasampajañña), tỉnh giác sự lợi ích, tức là vị hành giả phải luôn có trí nhận thức mục đích của mỗi việc làm, và mỗi hành động như đi, đứng… có an lạc hay có giúp ích gì cho việc tu tập hay không? Sau khi suy nghĩ mới làm.

 

2. Thuận lợi tỉnh giác (Sappāyasampajañña), tỉnh giácsự thích hợp, tức là vị hành giả phải luôn có trí nhận thức sự thích đáng trong mỗi sinh hoạt, xem việc đó phù hợp hay trở ngại cho việc tu tập của mình không? Sau khi suy nghĩ mới làm.

 

3. Hành xứ tỉnh giác (Gocarasampajañña), tỉnh giác lãnh vực tu tập, tức là vị hành giả luôn có trí biết rõ về cảnh giới hay tầm hoạt động của việc tu tiến, như biết thiền chỉ là thế nào, thiền quán là thế nào? biết rõ để không lạc ngoài hành xứ.

 

4.Bất mê tỉnh giác (Asammohasampajañña), tỉnh giác không ngộ nhận, tức là hành giả phải luôn có trí nhận định rõ ràng giữa giả và thật, chân đế và tục đế, phá tan ý niệm ngã chấp. D.A.I.183; Vbh A.347 

- 4phap
KTPH [221] Bốn thanh tịnh giới (Pārisuddhisīla):

[221] Bốn thanh tịnh giới (Pārisuddhisīla):

 

1. Biệt giải thoát thu thúc giới (Pāṭimokkhasaṃvarasīla), là giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa mà Đức Phật đã chế định, những giới này vị tỳ-kheo phải nghiêm trì phòng hộ. Giới bổn được thanh tịnh do nhờ đức tin (saddhā).

 

2. Quyền thu thúc giới (Indriyasaṃvarasīla), là giới thu thúc lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Vị tỳ-kheo có chánh niệm khi lục căn tiếp xúc lục trần phòng ngừa bất thiện tâm sanh khởi khi thấy, nghe… giới thu thúc này được thanh tịnh do nhờ chánh niệm (sati).

 

3. Dưỡng mạng thanh tịnh giới (Ājīvapārisuddhisīla), là giới nuôi mạng thanh tịnh. Vị tỳ-kheo tinh tấn trong việc khất thực để nuôi sống, chớ không tìm cách thu lợi lộc bằng sự tà mạng phi pháp. Giới nuôi mạng này được thanh tịnh nhờ tinh tấn (viriya).

 

4. Vật dụng quán tưởng giới (Paccayasannissitasīla), giới quán tưởng bốn món vật dụng. Vị tỳ-kheo khi thọ dụng y phục, vật thực, sàng tọa và thuốc trị bệnh, dùng trí tuệ quán tưởng để ngăn lòng tham muốn. Giới này được thanh tịnh do nhờ trí tuệ (paññā). Vism.16; Comp.212. 

- 4phap
KTPH [222] Bốn sức mạnh (Bala), sức mạnh tinh thần, nội lực để thắng phục nỗi sợ hãi:

[222] Bốn sức mạnh (Bala), sức mạnh tinh thần, nội lực để thắng phục nỗi sợ hãi:

 

1. Sức mạnh trí tuệ (Paññābala), trí sáng suốt thông hiểu mọi việc, từ cách ứng xử đến sự tu tập, đó là sức mạnh.

 

2. Sức mạnh chuyên cần (Viriyabala), sự nỗ lực cố gắng, kiên cường bất thối trước mọi hoàn cảnh, không tắc trách phận sự, đó là sức mạnh.

 

3. Sức mạnh vô tội (Anavajjabala), có thân hành, khẩu hành, ý hành trong sạch, không mắc lỗi lầm, không bị khuyết điểm, đó là sức mạnh.

 

4. Sức mạnh nhiếp pháp (Saṅgahabala), có đủ bốn đức: bố thí, ái ngữ, lợi hành, bình đẳng, để nhiếp phục nhân tâm, đó là sức mạnh.

 

Trong kinh giải rằng: người có bốn sức mạnh này sẽ thành tựu cuộc sống an ổn, và thoát khỏi năm sự sợ hãi là sợ hãi việc nuôi mạng (ājīvitabhaya), sợ tai tiếng thị phi (asilokabhaya), sợ vì nhút nhát giữa hội chúng (parisāsārajjabhaya), sợ sự chết (maraṇabhaya), sợ sanh khổ cảnh (duggatibhaya). A.IV.363. 

- 4phap
KTPH [223] Bốn loại niềm tin (Saddhā):

[223] Bốn loại niềm tin (Saddhā):

 

1. Tin nghiệp (Kammasaddhā), tin chắc qui luật nhân tố của hành động, tin có hành động tốt xấu trở thành nghiệp thiện ác tạo hậu quả.

 

2. Tin quả (Vipākasaddhā), tin chắc sự vui khổ ở đời là hậu quả của thiện nghiệp và ác nghiệp, không phải do đấng sáng tạo nào làm ra.

 

3. Tin nghiệp riêng (Kammassakatāsaddhā), tin chắc mỗi chúng sanh ở đời thọ cảm vui khổ đều là do nghiệp riêng của chúng sanh ấy đã tạo.

 

4. Tin sự giác ngộ của Đức Như Lai (Tathāga-tabodhisaddhā), tin chắc Đức Phật là vị đã tự giác ngộ một cách chân chính, là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, giáo pháp đã được Ngài khéo thuyết giảng, và những ai khéo thực hành cũng sẽ được giác ngộ giải thoát như Ngài.

 

Bốn niềm tin này là loại niềm tin hợp lý, hữu ích, là chánh tín. A.III.3; Vbh. 328

- 4phap

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications