Theo truyền thống tôn nghiêm của các gia đình bà-la-môn cổ xưa, người con trai ưu tú của tập cấp này lúc nhỏ phải chăm lo học hành, rành thông Vệ-đà, ngữ ngôn, văn phạm, võ nghệ, binh pháp, căn bản các học nghệ... Giai đoạn hai là phải lập gia đình; nếu chưa có gia đình, chưa có con trai nối dõi thì vẫn chưa được gọi là trưởng thành; từ đây phải chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục con cái; đồng thời phục vụ xã hội theo khả năng và trí tài của mình. Giai đoạn ba của đời người, lúc đã già là rút lui, về vườn để tu tâm dưỡng tánh. Có thể có thêm giai đoạn bốn đối với một số người, là vào rừng sống đời đạo sĩ xuất thế. Thái tử thuộc giai cấp sát-đế-lỵ nhưng toàn bộ nếp sống, nếp nghĩ đều sử dụng văn hóa bà-la-môn từ nhiều đời. Bốn giai đoạn ấy, như là sản phẩm văn hóa tốt đẹp, cần thiết phải duy trì để đem đến các giá trị đạo đức tại thế, tạo nền tảng tâm linh cho thế gian nương tựa. Nhưng đối với thái tử, sự tu tập mà để dành cho tuổi già là không thích hợp. Sự tu tập, muốn thành tựu, đòi hỏi khả năng, ý chí và sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của tuổi thanh xuân. Chàng nghi ngờ bốn giai đoạn của người con trai bà-la-môn hiện nay chỉ còn là công thức, nhãn hiệu không còn sức sống.