Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
SOI SÁNG LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT [P19] KINH SONG TẦM (DVEDHĀVITAKKA SUTTA) - Trung bộ 19
Thưa quý vị Tăng Ni, quý Phật tử các giới! Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bài kinh có tên gọi là kinh Song Tầm, bài kinh số 19 trong Trung Bộ kinh. Khi tìm hiểu thì chúng tôi dựa vào bản dịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu và có đối chiếu bản Pāḷi của công trình nghiên cứu để ấn tống Tam tạng song ngữ Pāḷi - Việt. Giới thiệu bài kinh Địa điểm: bài kinh được thuyết tại địa điểm quen thuộc mà chúng ta thường gặp, đó là tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), ở tại thành phố Sāvatthī, thuộc nước Kosala.
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:3471

Các tên gọi khác

Thưa quý vị Tăng Ni, quý Phật tử các giới! Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bài kinh có tên gọi là kinh Song Tầm, bài kinh số 19 trong Trung Bộ kinh. Khi tìm hiểu thì chúng tôi dựa vào bản dịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu và có đối chiếu bản Pāḷi của công trình nghiên cứu để ấn tống Tam tạng song ngữ Pāḷi - Việt. Giới thiệu bài kinh Địa điểm: bài kinh được thuyết tại địa điểm quen thuộc mà chúng ta thường gặp, đó là tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), ở tại thành phố Sāvatthī, thuộc nước Kosala.

General Information

Danh sách : Liên quan
:
SOI SÁNG LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT [P19] KINH SONG TẦM (DVEDHĀVITAKKA SUTTA) - Trung bộ 19

KINH SONG TẦM

(DVEDHĀVITAKKA SUTTA)

Trung Bộ kinh, bài số 19

 
   
 

 

 

Thưa quý vị Tăng Ni, quý Phật tử các giới! Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bài kinh có tên gọi là kinh Song Tầm, bài kinh số 19 trong Trung Bộ kinh. Khi tìm hiểu thì chúng tôi dựa vào bản dịch của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu và có đối chiếu bản Pāḷi của công trình nghiên cứu để ấn tống Tam tạng song ngữ Pāḷi - Việt.

Giới thiệu bài kinh

  • Địa điểm: bài kinh được thuyết tại địa điểm quen thuộc mà chúng ta thường gặp, đó là tại tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana), ở tại thành phố Sāvatthī, thuộc nước Kosala.
  • Người giảng bài kinh này chính là đức Phật.
  • Người nghe là đại chúng tỳ-khưu.
  • Duyên khởi: bài kinh này do đức Phật tự thuyết cho chúng tỳ-khưu, không phải có ai thỉnh cầu.

Bây giờ chúng ta đi vào nội dung của bài kinh.

 

Nội dung kinh văn và giảng giải

  1. Như vậy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các tỳ-khưu: “Này các tỳ-khưu!” - “Bạch Thế Tôn”, những tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
  2. - Chư tỳ-khưu, trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác và còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tầm”. Chư tỳ-khưu, phàm có dục tầm nào, sân tầm nào, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, vô hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai.

Trong đoạn kinh này, có hai vấn đề cần làm rõ, như sau:

  • Thứ nhất là từ Bồ-tát, Pāḷi là Bodhisatta.

Bodhi nghĩa là trí tuệ, còn sattva là chúng sinh. Cho nên được dịch là “giác hữu tình”, nghĩa là một chúng sinh có trí tuệ. Khi chưa thành đạo, mọi người đều đồng tình với nhau đó là thời kỳ đang còn là Bồ- tát. Nhưng chính phần thứ hai của bài kinh này bộc lộ một điểm cho thấy dịch như vậy là không ổn. Vì khi nói chúng sinh có trí tuệ hoặc người có trí thì chúng ta chưa khẳng định được trí tuệ đó loại gì? Nếu là trí tuệ

 

để giải thoát thì đến bậc giải thoát mới có được, mới có thể thành tựu được. Còn đang luân hồi sanh tử thì không thể có trí tuệ giải thoát, mà chỉ có thể là những kiến thức, những hiểu biết, những trải nghiệm.

Cho nên, dựa vào mạch văn “trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác và còn là Bồ-tát” mà đức Phật trình bày, chúng tôi nghĩ rằng nên hiểu từ này như là một người đang tìm kiếm giải thoát, tìm đạo giác ngộ vì nó phù hợp với tình huống này, trong giai đoạn một người đang tầm cầu giác ngộ. Hiểu như vậy thì đúng hơn với hoàn cảnh và ý nghĩa của từ Bồ-tát.

  • Thứ hai, là câu“sống suy tư và chia hai suy tầm”, câu này được hiểu là sự tìm hiểu của đức Phật trong quá trình tầm đạo chính là suy tư. Đức Phật chia sẻ trải nghiệm của Ngài trong thời gian tầm cầu giác ngộ. Ngài sống suy tư và phân biệt rõ về hai loại tư duy tìm kiếm là:
  1. Tìm kiếm những thứ liên hệ đến dục: dục lạc, sân hận và làm hại (dục, sân và hại).
  2. Tìm kiếm những thứ ly dục: buông bỏ dục, buông bỏ sân, buông bỏ hại (ly dục, vô sân và vô hại).

Trong tiến trình làm rõ hai cái tìm kiếm này, Đức Phật đã trình bày ở những đoạn kinh tiếp sau.

  1. Chư tỳ-khưu, rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri:

 

“Dục tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”. Chư tỳ-khưu, khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến tự hại”, dục tầm được biến mất. Chư tỳ- khưu, khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Chư tỳ-khưu, khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Chư tỳ-khưu, khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết- bàn”, dục tầm được biến mất. Chư tỳ-khưu, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm.

Đoạn này ý nghĩa là thế sau: Trong thời gian đang suy tư, tìm kiếm giác ngộ thì Bồ-tát sống không buông lung, tràn đầy nhiệt huyết, siêng năng, chăm chỉ. Nhiều từ được dùng ở đây để diễn đạt một trạng thái tích cực, nỗ lực chứ không thụ động, buông xuôi. Và như vậy, trong khoảng thời gian đó, khi một tầm cầu nào khởi lên trong tâm trí của Ngài thuộc về dục thì Ngài lập tức tuệ tri, biết cái dục, cái tìm kiếm dục đó khởi lên nơi mình. Biết dục tầm này đưa đến hại cho chính bản thân mình, hại người và hại cả hai; biết nó hủy hoại sáng suốt, làm đầu óc rối rắm; không đưa đến vắng lặng, an tịnh, Niết-bàn.

Ví dụ về khởi lên dục tầm là khi sáu căn gặp sáu trần (mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi,…). Khi có những đối tượng vừa ý, hợp lòng thì chúng ta

 

thường bị cuốn vào đối tượng đó, suy nghĩ về nó, tưởng tượng về nó, khởi lên những ý muốn này, ý muốn nọ về nó,… Chúng ta bị vây khổn, bị cột trói, bị lửa của dục vọng thiêu đốt cho nên phiền não. Và như vậy thì làm sao có được sự an tịnh, vắng lặng!

Khi Ngài suy nghĩ dục tầm này có hại cho bản thân, có hại cho người khác, có hại cho cả hai thì dục tầm liền biến mất. Và khi Ngài suy tư dục tầm này hủy hoại sáng suốt, làm đầu óc rối rắm, không đưa đến vắng lặng, an tịnh, dục tầm liền biến mất. Cũng bằng cách như thế Ngài tiếp tục trừ khử, buông bỏ, cắt đứt các tìm kiếm dục lạc. Đây là tiến trình mà Bồ-tát từ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm, một tiến trình tư duy hết sức hợp lý nếu chúng ta từng trải qua hoặc ứng dụng vào thực tế.

Ví dụ khi dục khởi lên, khi sân khởi lên, khi hại khởi lên, bất kỳ một tư duy, một niệm nào khởi lên mà mình nhận ra được bản chất của nó không có lợi cho mình và người, ngược lại còn hại mình và hại người, đem đến phiền não, rắc rối, khuấy đảo tâm thanh tịnh của mình, làm cho rối ren,… Khi đã thấy rõ bản chất của nó và không nắm giữ thì thực tế những dục, sân, hại đó đã lắng xuống dịu và biến mất. Vì trong tâm không thể hiện diện một lúc hai ý nghĩ, hai trạng thái, mà nó sinh diệt liên tục; hết trạng thái, ý nghĩ này thì lại xuất hiện trạng thái, ý nghĩ khác.

 

Tương tự như thế đối với tìm kiếm sân hận (sân tầm) và tìm kiếm làm hại (hại tầm).

  1. Chư tỳ-khưu, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, sân tầm khởi lên…; hại tầm khởi lên. Ta tuệ tri: “Hại tầm này khởi lên nơi Ta, và hại tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”. Chư tỳ-khưu, khi Ta suy tư: “Hại tầm này đưa đến tự hại”, hại tầm được biến mất. Chư tỳ-khưu, khi Ta suy tư: “Hại tầm đưa đến hại người”, hại tầm được biến mất. Chư tỳ-khưu, khi Ta suy tư: “Hại tầm đưa đến hại cả hai”, hại tầm được biến mất. Chư tỳ-khưu, khi Ta suy tư: “Hại tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”, hại tầm được biến mất. Chư tỳ-khưu, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận hại tầm.

Tiến trình này, diễn tiến này cũng y hệt như diễn tiến đối với dục tầm ở trên. Khi một dục tầm, một sân tầm, một hại tầm khởi lên trong tâm, nếu chúng ta nhận ra ảnh hưởng tai hại của nó đối với mình hoặc người khác, và đối với cả hai, nhưng lại tiếp tục nuôi dưỡng nó hoặc để nó chi phối thì trí tuệ không phát triển được. Phiền não sẽ tăng lên và những an ổn, vắng lặng trong ta sẽ biến mất. Tuy nhiên, ta cũng không cố diệt nó đi vì đó là chuyện vô ích, giống như việc đuổi theo gió, quá là vô ích! Khi có một niệm khởi lên nghĩa là nó sinh và sẽ diệt. Ở đây cách diễn

 

đạt thì có trước, có sau. Nhưng quả thật khi có một dục tầm nào, một sân tầm nào, một hại tầm nào, một tìm kiếm nào thuộc về ba đối tượng này xuất hiện trong tâm của một người đang tìm kiếm giác ngộ, thì một khi nhận ra được bản chất của nó, tác hại của nó và không nắm giữ thì cũng có nghĩa là khi vừa nhận diện ra nó, nó sẽ biến mất. Đức Phật gọi là tiến trình từ bỏ, xả ly và đoạn tận dục, sân và hại tầm.

  1. Chư tỳ-khưu, tỳ-khưu suy tư, quán sát nhiều vấn đề gì, thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Chư tỳ-khưu, nếu tỳ-khưu suy tư, quán sát nhiều về dục tầm, vị ấy từ bỏ ly dục tầm. Khi tâm đã nặng về dục tầm, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về dục tầm. Chư tỳ-khưu, nếu tỳ-khưu suy tư quán sát nhiều về sân tầm…; nếu tỳ-khưu suy tư quán sát nhiều về hại tầm, vị ấy từ bỏ vô hại tầm. Khi tâm đã đặt nặng về hại tầm thời tâm vị ấy có khuynh hướng về hại tầm.
  2. Chư tỳ-khưu, ví như vào cuối tháng mùa mưa, về mùa thu, khi lúa đã trổ hạt, một người mục đồng chăn giữ bò, cầm roi đánh các con bò bên này, đánh bên kia, chế ngự chúng, ngăn chận chúng. Vì sao vậy? Chư tỳ-khưu, vì người mục đồng thấy do nhân duyên này, đưa đến sự chết, sự tù tội, sự đánh đập hay sự trách móc. Chư tỳ-khưu, cũng vậy, Ta đã thấy sự nguy hại, sự hạ liệt, sự uế nhiễm của các pháp bất thiện, và thấy sự viễn ly, sự lợi ích, sự thanh tịnh của các thiện pháp.

 

Điều này quá đúng! Bất kỳ ai suy tư, nghĩ nhiều về vấn đề gì thì tâm duyên vấn đề ấy mà phát triển. Nếu vị tu hành suy tư, nghĩ nhiều về dục, vị ấy tất tham đắm trong dục, không muốn rời xa dục lạc. Cũng vậy đối với sân tầm và hại tầm. Khi chúng ta bị lôi cuốn vào một vấn đề gì thì thường nó sẽ nhấn chìm chúng ta trong vũng lầy, trong đám bùn của những suy tư, tưởng tượng liên hệ với đối tượng đó. Trong khuynh hướng đó thì chúng ta không suy nghĩ về ly dục, không suy nghĩ về vô hại, không suy nghĩ về vô sân.

Đức Phật đưa ra ví dụ người chăn bò và đàn bò vào thời điểm cây lúa đã ra hạt. Vào thời điểm ấy, khi đưa bò đi ngang cánh đồng lúa này, chúng rất dễ ùa xuống ăn lúa. Như vậy chúng có thể bị chủ nhân ruộng lúa đánh chết, hoặc chủ đàn bò có thể bị kiện tụng, bồi thường cho chủ ruộng,... Cho nên người mục đồng có tầm nhìn, có trải nghiệm, khôn khéo thì khi đưa đàn bò ra cánh đồng phải hết sức cẩn thận, phải tận lực ngăn đàn bò, quản lý chúng chặt chẽ, không để chúng chạy lung tung.

Tương tự như thế, Bồ-tát thấy rõ sự nguy hại, thấp kém, vấy bẩn của các khởi niệm xấu độc và thấy rõ sự xa lánh, lợi ích, vắng lặng của các khởi niệm tốt lành. Đức Phật muốn nhắc nhở, cảnh giác các vị tỳ- khưu không nên có những hành động hoặc suy nghĩ không phù hợp, có thể nguy hại cho bản thân mình.

 

Những hành động bất thiện đó Ngài gọi là hạ liệt, uế nhiễm. Vì vậy, cần phải viễn ly mới có được lợi ích và thanh tịnh của các thiện pháp.

Chúng ta đi tiếp.

  1. - Chư tỳ-khưu, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi ly dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri như vầy: “Ly dục tầm này khởi lên nơi ta và ly dục tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết- bàn”. Chư tỳ-khưu, nếu ban đêm Ta suy tư, quán sát (về ly dục tầm), không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Chư tỳ-khưu, nếu ban ngày Ta suy tư, quán sát (về ly dục tầm), không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Chư tỳ-khưu, nếu ban đêm, ban ngày, Ta suy tư, quán sát (về ly dục tầm), không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Và Ta suy tư, quán sát quá lâu, thân Ta có thể mệt mỏi; khi thân mệt mỏi thì tâm bị dao động; khi tâm bị dao động thì tâm rất khó được định tĩnh. Chư tỳ-khưu, rồi tự nội thân Ta trấn an tâm, trấn tịnh tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tĩnh. Vì sao vậy? Vì để tâm Ta khỏi dao động.
  2. Chư tỳ-khưu, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khi vô sân tầm khởi lên…; vô hại tầm khởi lên. Ta tuệ tri như vậy: “Vô hại tầm này khởi lên nơi Ta và vô hại tầm này không

 

đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết-bàn”. Chư tỳ-khưu, nếu ban đêm Ta suy tư, quán sát (về bất hại tầm), không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Chư tỳ-khưu, nếu ban ngày Ta suy tư, quán sát (về bất hại tầm), không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Chư tỳ- khưu, nếu ban đêm, ban ngày, Ta suy tư, quán sát (về bất hại tầm), không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Và nếu ta suy tư, quán sát quá lâu, thân Ta có thể mệt mỏi; khi thân mệt mỏi thì tâm bị dao động, khi tâm bị dao động, tâm rất khó được định tĩnh. Chư tỳ- khưu, rồi tự nội thân Ta trấn an tâm, trấn tịnh tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tĩnh. Vì sao vậy? Vì để tâm ta khỏi dao động.

Đức Phật chia sẻ về quá trình tư duy, tinh cần, nhiệt tâm, suy nghĩ tìm kiếm ly dục, ly sân, ly hại và ly các ác bất thiện pháp. Ngài biết rõ những suy nghĩ về ly các ác pháp này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; và nó làm tăng trưởng, làm phong phú thêm trí tuệ, nuôi dưỡng trí tuệ, không đem đến phiền não; đưa đến an tịnh, vắng lặng, Niết-bàn.

Ngài xác định cả ban ngày lẫn ban đêm khi suy tư về ly dục, ly sân, ly hại thì Ngài không hề thấy sợ hãi. Nhưng khi suy tư, quán xét quá lâu, cả ngày và

 

đêm thì rõ ràng thân thể có thể sẽ bị mệt mỏi. Khi thân mệt mỏi thì tâm dễ bị dao động. Đây là sự tác động qua lại nhất định. Giống như một người khi bị bệnh thì tâm thường trở nên yếu đuối, nhất là khi bệnh nặng, bệnh dài ngày. Và khi tâm bị dao động thì rất khó định tĩnh. Tuy nhiên, với nỗ lực mới thì Ngài đã trấn an tâm, trấn định tâm để nó được nhất tâm và định tĩnh trở lại.

Mục đích là gì? Khi tâm dao động thì nó dễ bị đi lệch hướng. Nó có thể tìm về các pháp bất thiện, dục, sân, hại hoặc sợ hãi,... Tất cả tình huống đều có thể xảy ra. Cho nên khi tâm bị dao động thì phải ngay lập tức trấn an tâm mình, làm nó định tĩnh trở lại nhằm tránh những hậu quả khôn lường do tâm bị thất niệm.

  1. Chư tỳ-khưu, nếu vị tỳ-khưu suy tư, quán sát nhiều về vấn đề gì thời tâm sanh khuynh hướng đối với vấn đề ấy. Chư tỳ-khưu, nếu tỳ-khưu suy tư, quán sát nhiều về ly dục tầm, vị ấy từ bỏ dục tầm. Khi tâm đã đặt nặng về ly dục tầm, tâm vị ấy có khuynh hướng về ly dục tầm. Chư tỳ-khưu, nếu tỳ-khưu suy tư, quán sát nhiều về vô sân tầm…; nếu tỳ-khưu suy tư, quán sát nhiều về bất hại tầm, vị ấy từ bỏ hại tầm. Khi tâm đã đặt nặng về bất hại tầm, thời tâm vị ấy có khuynh hướng về bất hại tầm.
  2. Chư tỳ-khưu, ví như vào cuối tháng hè, khi tất cả lúa gạo đã cất vào kho thóc, một người mục

 

đồng chăn giữ các con bò. Khi người mục đồng ở dưới gốc cây hay ở ngoài trời, người ấy có thể nghĩ đến có việc cần phải làm, và người ấy nghĩ: “Ðây là những con bò”. Chư tỳ-khưu, cũng vậy ở đây, có việc cần phải làm, và Ta nghĩ: “Ðây là những pháp”.

Đây cũng là một sự thật. Khi chúng ta suy nghĩ nhiều về vấn đề gì, ngoài việc vấn đề đó được phát triển, thì ngược lại, ngày càng xa lìa, càng ít để ý đến vấn đề đối lập của nó. Ở đây khi một vị tâm trú trong ly dục, vô sân, vô hại thì vị ấy có khuynh hướng từ bỏ các dục, từ bỏ các sân uế, từ bỏ hại mình, hại người,… và có khuynh hướng càng ngày càng ly dục, vô sân, vô hại.

Đức Phật đưa ra hình ảnh về người chăn bò vào thời gian đã thu hoạch xong vụ mùa, lúa gạo đã cất vào kho, liền nghĩ đến việc chăm sóc bò. Với với người chăn bò có trí thì ngay cả khi dường như không còn việc gì để làm, người ấy cũng nhìn trước sự việc, như cần phải chăm sóc cho đàn bò để chúng có đầy đủ sức khỏe và phát triển tốt. Cũng vậy, Bồ-tát khởi tâm nghĩ đến những việc cần làm là loại bỏ trạng thái thụ động, tiêu cực, biếng nhác, uể oải, và tinh cần an trú tâm, khiến tâm được an tĩnh, thanh thản và ổn định.

  1. Chư tỳ-khưu, Ta phát tâm dõng mãnh, tinh tấn, không có tiêu cực, niệm không tán loạn được an

 

trú, thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm.

Chư tỳ-khưu, Ta ly dục, ly ác, bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, Ta chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, Ta chứng và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, Ta chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Bồ-tát từ bỏ các dục, từ bỏ các điều xấu độc, chứng và trú Thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ tư. Đoạn này đức Phật hoàn toàn nói về tiến trình tâm trải qua bốn cấp độ của thiền Samatha-bhāvanā. Trong bài học hôm trước (Lớp Phật học cho tất cả mọi người trên trang facebook Chùa Huyền Không và được phát lại trên YouTube), chúng tôi có giảng cho mọi người nghe về bốn cấp độ của thiền Sắc giới và thiền Vô sắc giới, nhấn mạnh đến từng nội dung của từng cấp độ thiền, gọi chung là Tứ thiền Bát định. Tuy nhiên trong đoạn kinh này, đức Phật đã mô tả về bốn bậc thiền Sắc giới (như chúng ta thường gọi) không giống như xưa nay chúng ta thường hiểu là thiền nào cũng định theo lối bình thường.

 

Đối với trạng thái Sơ thiền (thiền thứ nhất) thì Ngài gọi đó là Ta ly dục, ly ác, bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Ở đây không đề cập gì đến định như xưa nay người ta vẫn nói.

Tiếp theo, thiền thứ hai thì phải diệt tầm và tứ. Lần này là một trạng thái hỷ lạc do định sinh, tâm hoàn toàn vắng lặng, không bị dao động, chỉ duy nhất trọn vẹn với chính đối tượng.

Thiền thứ ba thì ly hỷ và trú xả. Ly hỷ là từ bỏ các niềm vui trong tâm. Trú xả là buông tất cả mọi tâm bất quân bình trước đó, không có thiên vị, chao đảo. Khi tâm đã buông bỏ, không còn bám víu vào các đối tượng trước kia và chánh niệm tỉnh giác, thì thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú; đó là một cảm giác thoải mái của thân.

Thiền thứ tư thì xả lạc và xả khổ. Hai cảm giác của thân này không còn tác động đến vị chứng thiền thứ tư. Và hai cảm thọ hỷ và ưu này cũng được diệt trừ, cho nên vị chứng thiền thứ tư là vị tạm thời hoàn toàn không còn khổ, không còn lạc, xả niệm thanh tịnh.

Và sau đây là bước tiếp theo sau khi đã vượt qua được bốn cấp độ thiền để chứng đạt các năng lực siêu việt và giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.

 

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng trí. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ này. Tại chỗ này, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ này, Ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Chư tỳ-khưu, trong đêm canh đầu Ta chứng được minh thứ nhất, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Trong đoạn này và các đoạn dưới, chúng ta sẽ bắt gặp hai từ “trí” và “minh”, như là Túc mạng trí và Túc mạng minh, Sinh tử trí và Sinh tử minh,... Với khả năng, năng lực để biết về vấn đề gì đó thì gọi là

 

trí. Nhưng khi thành tựu về nó, đạt kết quả sau khi sử dụng khả năng ấy thì gọi là minh. Cho nên năng lực thì gọi là trí, sau khi thành tựu trọn vẹn gọi là minh. Đó là sự sai biệt của hai từ này.

Với tâm thuần tịnh, vững chắc, không một chút bợn nhơ nào của định Tứ thiền, Ngài hướng tâm đến Túc mạng trí. Túc mạng trí là khả năng nhìn thấy các kiếp quá khứ của bản thân. Bằng năng lực này, Ngài nhớ đến các đời sống quá khứ của mình từ một hai đời đến vô số đời, có đầy đủ các nét đại cương và chi tiết. Trong canh đầu, Ngài chứng được minh thứ nhất là Túc mạng minh.

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Sanh tử trí về chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta tuệ tri rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về lời nói, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về

 

ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

Chư tỳ-khưu, trong đêm canh giữa, Ta chứng được minh thứ hai, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Đầu tiên, Ngài tìm hiểu quá khứ của chính mình, gọi là Túc mạng trí. Bây giờ, với tâm thuần tịnh, vững chắc, không một chút bợn nhơ nào của định Tứ thiền, Ngài hướng tâm đến Sinh tử trí. Sinh tử trí là cái trí để tìm hiểu, biết về nguyên nhân sinh tử, lý do sinh tử, hoàn cảnh sinh tử của mỗi chúng sinh. Bằng năng lực này thì Ngài thấy sự sống và sự chết của chúng sinh, người thấp kém, cao sang, đẹp đẽ, thô xấu, may mắn, bất hạnh,… đều do hạnh nghiệp của họ. Tức là do đời sống và hành vi của họ trong quá khứ, cứ như vậy trổ quả, từ quả ấy lại tiếp tục là nhân, kế tục nhau liên tục, liên tục,… từ đời này qua đời khác, kiếp này tới kiếp khác. Và trong canh giữa, Ngài chứng được minh thứ hai là Sinh tử minh.

 

  1. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta thắng tri như thật: “Ðây là khổ”, thắng tri như thật: “Ðây là nguyên nhân của khổ”, thắng tri như thật: “Ðây là khổ diệt”, thắng tri như thật: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”, thắng tri như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, thắng tri như thật: “Ðây là nguyên nhân các lậu hoặc”, thắng tri như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, thắng tri như thật: “Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”. Nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: Ta đã giải thoát. Ta thắng tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Chư tỳ-khưu, trong đêm canh ba, Ta chứng được minh thứ ba, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật nhiệt tâm tinh cần.

Từ “thắng tri” (abhijānāti) trong đoạn này không phải theo nghĩa thắng tri trong phân loại năm cái biết. Thắng tri trong năm cái biết là các loại thần thông ở trong ngũ thông. Còn thắng tri ở đây là cái biết vượt lên tất cả cái biết của tri kiến bình thường. Đây là cái biết về Tứ đế (sự thật về Khổ, nhân sinh Khổ, thoát

 

Khổ và con đường thoát Khổ), mà chỉ những vị giác ngộ mới có được cái biết này, cho nên nó vượt lên tất cả cái biết bình thường của chúng ta.

Có ba loại lậu, đó là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Lậu ở đây là những chất dơ bẩn, ô nhiễm. Từng loại lậu này nhấn chìm chúng sanh trong các vũng lầy của nó. Dục lậu là tầm cầu dục để rồi bị nó chi phối, sai sử. Hữu lậu là những ham muốn tồn tại, kéo dài mãi, không muốn chấm dứt,… Và vô minh lậu là do không hiểu biết, do mê mờ cho nên chúng sanh cứ tạo vô số nghiệp thiện, ác và trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Vô minh lậu chi phối cả dục lậu và hữu lậu.

Với tâm thuần tịnh, vững chắc, không một chút bợn nhơ nào của định Tứ thiền, Ngài hướng tâm đến Lậu tận trí. Bằng năng lực này, Ngài biết rõ, biết đúng, biết không sai lầm về các hiện tượng Khổ, nguyên nhân sinh Khổ, chấm dứt Khổ và con đường đưa đến chấm dứt Khổ. Nhờ biết đúng như vậy, thấy đúng như vậy tâm của Ngài thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, Ngài tự biết mình đã giải thoát, việc cần làm đã làm, không trở lại trạng thái trước kia nữa. Trong canh ba (theo lịch pháp của Ấn Độ), Ngài chứng được minh thứ ba là Lậu tận minh, tức minh cuối cùng trong Tam minh.

  1. Chư tỳ-khưu, giống như trong khu rừng rậm rạp có một hồ nước lớn thâm sâu, và một đoàn nai

 

lớn sống gần một bên. Có một người đến, không muốn chúng được lợi ích, không muốn chúng được hạnh phúc, không muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn. Nếu có con đường nào được yên ổn, được an toàn, đưa đến hoan hỷ, người ấy sẽ chận đóng con đường này lại, sẽ mở con đường nguy hiểm, sẽ đặt con mồi đực, sẽ đặt con mồi cái. Chư tỳ-khưu, như vậy, sau một thời gian đoàn nai lớn ấy gặp ách nạn và hao mòn dần. Chư tỳ-khưu, có một người đến, muốn đoàn nai ấy được lợi ích, muốn chúng được hạnh phúc, muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn. Nếu có con đường nào được yên ổn, được an toàn, người ấy sẽ mở con đường này, sẽ đóng con đường nguy hiểm lại, sẽ đem con mồi đực đi, sẽ hủy bỏ con mồi cái. Chư tỳ-khưu, như vậy đoàn nai lớn ấy sau một thời gian sẽ được tăng trưởng, hưng thịnh, thành mãn.

Chư tỳ-khưu, Ta nói ví dụ ấy để giải thích ý nghĩa như sau: Chư tỳ-khưu, hồ nước lớn, thâm sâu chỉ cho các dục. Chư tỳ-khưu, đoàn nai lớn chỉ cho các loài hữu tình. Chư tỳ-khưu, con người không muốn chúng được lợi ích, không muốn chúng được hạnh phúc, không muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn chỉ cho ác ma. Chư tỳ-khưu, con đường nguy hiểm chỉ cho con đường tà đạo có tám ngành, tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Chư tỳ-khưu, con mồi đực

 

chỉ cho hỷ và tham. Chư tỳ-khưu, con mồi cái chỉ cho vô minh. Chư tỳ-khưu, còn người muốn chúng được lợi ích, muốn chúng được hạnh phúc, muốn chúng được an ổn khỏi các ách nạn chỉ cho Như Lai, bậc A- la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ chỉ cho con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

  1. Chư tỳ-khưu, như vậy Ta mở con đường yên ổn, an toàn, đưa đến hoan hỷ, Ta đóng con đường nguy hiểm, ta mang đi con mồi đực, Ta hủy bỏ con mồi cái. Chư tỳ-khưu, những gì vị đạo sư cần phải làm cho các đệ tử vì lòng thương tưởng họ, những điều ấy Ta đã làm, vì lòng thương tưởng các người. Chư tỳ-khưu, đây là các gốc cây, đây là các chỗ trống. Hãy thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Đức Phật đưa ra một ví dụ với nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ. Hồ nước lớn, sâu thẳm, chỉ cho các dục. Đàn nai lớn chỉ cho các loại chúng sinh. Người không muốn lợi cho đàn nai, không muốn đàn nai sống hạnh phúc, muốn chúng bị tàn hại chỉ cho ác ma. Con đường nguy hiểm chỉ cho tà đạo tám ngành, tức

 

là: tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Con mồi đực chỉ cho hỷ và tham. Con mồi cái chỉ cho vô minh. Và người muốn đàn nai có lợi ích, muốn đàn nai sống hạnh phúc, muốn chúng được an ổn, thoát khỏi các ác nạn chỉ cho đức Phật. Con đường an toàn đưa đến hoan hỷ chỉ cho Thánh đạo có tám Thánh tố, gồm: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Như vậy đức Phật tự mình xác định Ngài là người mở ra con đường yên ổn, an toàn đưa đến hoan hỷ và đóng con đường nguy hiểm. Ngài cắt đứt các hỷ tham mà chúng sanh thường bị trói buộc và diệt trừ vô minh, mang đến ánh sáng để bóng tối vô minh bị hủy diệt. Và như Thế Tôn đã nói, những gì bậc Thầy cần làm cho đệ tử vì lòng thương tưởng họ thì Ngài đều đã làm vì lòng thương tưởng các môn đệ. Ngài cũng không quên nhắc nhở chư tỳ-khưu hãy hành thiền, lựa chọn không gian và nơi chốn phù hợp để tu tập, chớ có phóng dật, chớ để hối hận về sau.

Đó là lời giáo huấn của Ngài cho các môn đệ. Thời giảng hôm nay xin được chấm dứt tại đây.

Xin chào tất cả quý vị Tăng Ni, Phật tử.

 

Soi sáng lời dạy của đức Phật số 12, năm 2020

 

 

.

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications