Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
SOI SÁNG LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT [P14] ĐẠI KINH KHỔ UẨN (MAHĀDUKKHAKKHANDHA SUTTA) (trung bộ 13)
Hôm nay, chúng ta học bài kinh thứ hai trong chương trình của khóa học này. Bài kinh có tên Mahādukkhakkhandha sutta, tiếng Việt là Đại kinh Khổ Uẩn (theo bản dịch của Trưởng lão Hòa thượng Minh Châu). “Khổ uẩn” vì do nó có chữ “Khandha” theo thuật ngữ đã phổ biến từ trước. Cái gì có tính cách số nhiều, dồn lại, chất chồng lại, vun đống lên gọi là “uẩn”. Ngôn ngữ hiện đại chúng ta có thể thay thế bằng “tổ hợp” hoặc “tập hợp”. Đây là bài kinh số 13 trong Trung Bộ kinh.
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:3466

Các tên gọi khác

Hôm nay, chúng ta học bài kinh thứ hai trong chương trình của khóa học này. Bài kinh có tên Mahādukkhakkhandha sutta, tiếng Việt là Đại kinh Khổ Uẩn (theo bản dịch của Trưởng lão Hòa thượng Minh Châu). “Khổ uẩn” vì do nó có chữ “Khandha” theo thuật ngữ đã phổ biến từ trước. Cái gì có tính cách số nhiều, dồn lại, chất chồng lại, vun đống lên gọi là “uẩn”. Ngôn ngữ hiện đại chúng ta có thể thay thế bằng “tổ hợp” hoặc “tập hợp”. Đây là bài kinh số 13 trong Trung Bộ kinh.
SOI SÁNG LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT [P14] ĐẠI KINH KHỔ UẨN (MAHĀDUKKHAKKHANDHA SUTTA) (trung bộ 13)

ĐẠI KINH KHỔ UẨN

(MAHĀDUKKHAKKHANDHA SUTTA)

Trung Bộ kinh, bài số 13

 
   
 

 

 

Hôm nay, chúng ta học bài kinh thứ hai trong chương trình của khóa học này. Bài kinh có tên Mahādukkhakkhandha sutta, tiếng Việt là Đại kinh Khổ Uẩn (theo bản dịch của Trưởng lão Hòa thượng Minh Châu).

“Khổ uẩn” vì do nó có chữ “Khandha” theo thuật ngữ đã phổ biến từ trước. Cái gì có tính cách số nhiều, dồn lại, chất chồng lại, vun đống lên gọi là “uẩn”. Ngôn ngữ hiện đại chúng ta có thể thay thế bằng “tổ hợp” hoặc “tập hợp”. Đây là bài kinh số 13 trong Trung Bộ kinh.

Giới thiệu bài kinh

Cũng như những bài kinh khác, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu khái quát về bài kinh:

  • Địa điểm: Pháp thoại này được đức Phật giảng ở Sāvatthī (thành Xá-vệ), cụ thể là ở tại Jetavana (Kỳ Viên tịnh xá của đại cư sĩ Cấp-Cô-Độc).
  • Người giảng: đức Phật.

 

  • Người nghe: đại chúng tỳ-khưu.
  • Duyên khởi: Có một nhóm tỳ-khưu, khi nghe người ta nói các về các chủ trương của các du sĩ ngoại đạo và so sánh với các chủ trương của đức Phật về nhiều mặt các vị này không phân biệt được, không hiểu được điều đó đúng hay sai, cho nên mới có thái độ im lặng. Sau đó, họ tìm gặp đức Phật và thỉnh Ngài giảng dạy. Đức Phật đã giảng giải và qua đó mở rộng các nội dung này. Ngài khẳng định một điều, cho dù có tuyên bố gì đi nữa thì rõ ràng các vị sa-môn ngoại đạo đó không đủ thẩm quyền để trả lời. Tại vì họ không thực biết, không thực thấu hiểu và không có cách gì thoát ra khỏi chúng. Chỉ có đức Phật, các môn đệ của đức Phật và những ai được nghe lời dạy từ Ngài và các môn đệ của Ngài mới hiểu.

Như vậy bố cục nội dung của bài kinh lần lượt sẽ được trình bày theo các chủ đề như thế. Bây giờ ta đi vào bài kinh.

Nội dung kinh văn và giảng giải

  1. Tôi nghe như vầy. Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthī tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), trong vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

Lúc ấy nhiều tỳ-khưu buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào thành Sāvatthī khất thực. Rồi các tỳ-khưu ấy suy nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực ở

 

Sāvatthī. Chúng ta hãy đi đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo”. Các tỳ-khưu ấy đi đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo, nói lên những lời chúc tụng, hỏi thăm xã giao rồi ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với các vị tỳ-khưu đang ngồi xuống một bên:

  1. - Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục. Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp. Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ. Chư hiền, ở đây có sự đặc thù nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi về vấn đề thuyết pháp hay về vấn đề giáo huấn?

Đoạn đầu là lời của ngài A-Nan. Theo quy ước, ngài là người đầu tiên đọc lại bài kinh này theo yêu cầu của hội chúng Tăng trong lần kết tập lần thứ nhất.

Qua hai đoạn này chúng ta biết nguyên nhân bài kinh được thuyết ra là do nhóm tỳ-khưu này, buổi sáng đúng ra vào thành phố khất thực, nhưng họ xuất phát hơi sớm cho nên mới bàn với nhau là thời gian còn rộng rãi, chúng ta ghé thăm khu vườn của các vị du sĩ ngoại đạo ở gần đấy, do khu vườn nằm trên lộ trình đi khất thực. Khi ghé thăm các vị tu sĩ trong

 

đoàn sa-môn đó, người ta cũng đón tiếp thân tình và mời xuống nói chuyện. Ở nơi đấy, các vị du sĩ ngoại đạo cắc cớ đem ra hỏi các vị tỳ-khưu này các vấn đề như:

  • Thứ nhất, họ cho rằng đức Phật là người biết rõ hoàn toàn về các dục, về sắc pháp, về các cảm thọ.
  • Thứ hai, họ cho rằng họ cũng hiểu rõ hoàn toàn về ba vấn đề này như đức Phật.

Từ đó, họ vẫn không chắc chắn được là có sự khác biệt nào giữa họ và đức Phật trong vấn đề thuyết pháp, cũng như vấn đề giáo huấn cho các môn đệ. Họ đưa ra vấn đề này để chất vấn các vị tỳ-khưu. Vì do không hiểu biết, không nắm vững kiến thức, không thể phân biệt đúng sai,… và dĩ nhiên là chưa đủ thẩm quyền để trả lời, nên các vị tỳ-khưu chọn thái độ im lặng, lắng nghe.

Qua sự kiện này cho chúng ta thấy đây có thể là nhóm tỳ-khưu trẻ hoặc là nhóm mới tu, chưa biết nhiều về giáo pháp mà mình đang tu học.

  1. Các tỳ-khưu ấy không hoan hỷ cũng không chỉ trích những lời nói của các du sĩ ngoại đạo. Không hoan hỷ, không chỉ trích, các tỳ-khưu từ chỗ ngồi đứng dậy, từ biệt với ý nghĩ: “Chúng ta sẽ học ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn”.

 

Nói nôm na là vì không hiểu và không dám trả lời cho nên các vị nghĩ rằng mình sẽ về hỏi lại đức Phật - bậc thầy của mình, để Ngài giải thích cho rõ. Ngài dạy cái gì thì sẽ hiểu rồi hành theo.

  1. Rồi các tỳ-khưu ấy, sau khi khất thực ở Sāvatthī, khi ăn xong đi khất thực trở về, liền đến chỗ Thế Tôn ở, đảnh lễ Ngài ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các tỳ-khưu ấy bạch Thế Tôn:
  • Bạch Thế Tôn ở đây chúng con buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Sāvatthī khất thực. Bạch Thế Tôn, rồi chúng con suy nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực ở Sāvatthī. Chúng ta hãy nghĩ đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo”. Bạch Thế Tôn, rồi chúng con đi đến ngôi vườn các du sĩ ngoại đạo, sau khi đến xong, nói lên những lời chúc tụng, hỏi thăm, xã giao rồi ngồi xuống một bên, Bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với chúng con đang ngồi một bên: “Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục. Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp. Chư hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ. Chư hiền, ở đây có sự đặc thù nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi về vấn đề thuyết pháp

 

hay về vấn đề giáo huấn?” Bạch Thế Tôn, chúng con không hoan hỷ, không chỉ trích những lời nói của các du sĩ ngoại đạo. Không hoan hỷ,  không chỉ trích, chúng con từ chỗ ngồi đứng dậy, từ biệt với ý nghĩ: “Chúng ta sẽ học ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn”.

Khi nghe các vị tỳ-khưu này kể lại câu chuyện đầy đủ như thế, đức Phật từ tốn trả lời:

  1. - Này các tỳ-khưu, các du sĩ ngoại đạo nói như vậy cần được trả lời như sau: “Chư hiền, thế nào là vị ngọt các dục? Thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly? Thế nào là vị ngọt các sắc pháp, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly? Thế nào là vị ngọt các cảm thọ, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly?” Này các tỳ-khưu, khi được hỏi vậy, các du sĩ ngoại đạo không thể trả lời được và sẽ bị mắc vào các khó khăn khác. Vì sao vậy? Này các tỳ-khưu, vì vấn đề này không thuộc khả năng hiểu biết của họ. Này các tỳ-khưu, Ta không thấy một ai trong thế giới này với chư Thiên, Mara, Phạm Thiên, với chúng Sa- môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, mà câu trả lời các câu hỏi được chấp nhận, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai và những ai được nghe hai vị này.

Đức Phật khi nghe kể lại, Ngài khẳng định họ nói thế nhưng họ không biết họ nói gì. Họ không có thẩm quyền về các vấn đề này, vì ở mức độ của họ không thể nắm được. Người nắm được vấn để chỉ có

 

những bậc Giác ngộ như đức Phật hoặc đệ tử của các bậc Giác ngộ, đã nghe và thực hành theo các vị. Ai nghe được nội dung này từ đức Phật và các đệ tử của đức Phật thì mới hiểu rõ nó là gì.

Đức Phật cũng nêu lại ba vấn đề: thứ nhất các dục, thứ hai các sắc pháp và thứ ba các cảm thọ. Nhưng mỗi vấn đề lại cần phân biệt rõ ba nội dung, đó là: thế nào là vị ngọt, thế nào là nguy hiểm, và thế nào là sự xuất ly. Đây cũng là ba vấn đề cốt lõi trong cuộc đời, trong nhận thức và thực hành của một người tu hành theo đạo lộ giác ngộ. Lần lượt chúng ta sẽ thấy. Và ba nội dung này đối với mọi vấn đề tu học khi đối diện, bắt buộc chúng ta luôn luôn phải nhìn thấu đáo bản chất của nó, từ đó mới có thể vượt qua. Nói cách khác là phải biết vị ngọt của các loại đối tượng, biết rõ sự nguy hiểm của nó như thế nào và từ đó nhu cầu xuất ly khỏi nó là một tất yếu.

Đức Phật bắt đầu làm rõ ba vấn đề, đầu tiên là phần giảng về các dục.

Về các dục

1. Vị ngọt các dục

6. Và này các tỳ-khưu, thế nào là vị ngọt của các dục? Này các tỳ-khưu, có năm pháp tăng trưởng dục này: Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn;

 

các tiếng do nhĩ căn nhận thức khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn; các hương do tỷ căn nhận thức khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn; các vị do thiệt căn nhận thức khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn; các xúc do thân căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này các tỳ-khưu, có năm pháp tăng trưởng dục như vậy. Này các tỳ-khưu, y cứ vào năm pháp tăng trưởng dục này, có lạc hỷ khởi lên, như vậy là vị ngọt các dục.

Khả ái là gì? Đây là từ Hán Việt. “Khả” là có khả năng. “Khả ái” diễn nôm dễ hiểu đó là dễ mến, dễ ưa. “Khả lạc” là thoải mái, vui sướng. “Khả ý” là vừa lòng. “Khả hỷ” là làm cho mình vui vẻ thích thú, tương ứng với dục. Tức là tất cả những điều này đều là đồng loại, đồng bọn, đồng nghiệp với dục, hấp dẫn, có sức thu hút đối với con mắt (nhãn căn). Cũng vậy, các tiếng do nhĩ căn nhận thức, các hương do tỷ căn nhận thức, các vị do thiệt căn nhận thức, các xúc do thân căn nhận thức, cũng có những khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ tương ứng với dục, hấp dẫn.

Vậy là có năm đối tượng làm phát triển ham muốn, đó là đối tượng đẹp đẽ, vừa ý, hấp dẫn của mắt, của tai, của mũi, của lưỡi, của thân. Do năm đối tượng làm phát triển các ham muốn này mà thích thú, vui sướng sinh khởi (tức là lạc thọ và hỷ thọ) và bị chúng thao túng. Đây là vị ngọt các dục.

 

Sau khi đã chỉ ra nghĩa những vị ngọt của các dục là gì, đức Phật lại nói tiếp sự nguy hiểm của nó.

2. Sự nguy hiểm của các dục

  1. Này các tỳ-khưu, thế nào là sự nguy hiểm của các dục? Ở đây, này các tỳ-khưu, có thiện nam tử nuôi sống nghề nghiệp, như đếm ngón tay, như tính toán, như ước toán, như làm ruộng, như buôn bán, như chăn bò, như bắn cung, như làm công cho vua, như làm một nghề nào khác. Người ấy phải chống đỡ lạnh, phải chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng, mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói chết khát. Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.

Nghề đếm ngón tay, tính toán, ước toán như một phương pháp để tính, bây giờ mình hay gọi là kế toán, dù bây giờ phải tính toán nhiều hơn, giỏi hơn. Hay các nghề khác như làm ruộng, buôn bán, chăn bò, bắn cung, làm công cho vua phục vụ cho triều đình,… mà đức Phật đã liệt kê ở trên là những việc làm mà một người hiền lương trong xã hội phải mưu sinh và không nghề nào mà không ít nhiều vất vả, nguy hiểm. Để tồn tại thì người ấy còn phải chịu đựng nóng, lạnh, chịu đựng sự quấy rầy của ruồi muỗi, gió nắng, các loài bò sát, đói, khát dày vò,... Và họ có thể bị chết bằng nhiều nguyên nhân khác nhau trong lúc làm

 

việc. Đây là sự nguy hiểm thứ nhất, thiết thực hiện tại thuộc khổ uẩn. Khổ uẩn là tổ hợp, tập hợp các sự khổ chi phối liên tục đến đời sống con người.

“Lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục”, vì sao?

Vì muốn no đủ. Vì muốn tồn tại. Vì muốn sống còn. Cho nên con người phải làm các ngành nghề để sinh sống, phải chịu đựng những cái khổ, nguy hiểm, đau đớn đến chết người để tồn tại. Vậy tất cả khổ uẩn - những nỗi khổ ấy, phát sinh từ thực tế cuộc sống, thuộc tổ hợp khổ, lấy dục làm nhân, làm duyên, là gốc nguồn của dục - là nguyên nhân của dục. Đây là sự nguy hiểm của các dục.

  1. Này các tỳ-khưu, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, nhưng các tài sản ấy không đến được tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, đến mê man bất tỉnh: “Ôi! Sự nỗ lực của ta thật sự là vô ích, sự tinh cần của ta thật sự không kết quả”. Này các tỳ- khưu, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.

Không phải siêng năng chăm chỉ làm ăn là thành công trong cuộc sống. Có những người vất vả, thức khuya dậy sớm, đầu tư rất nhiều công sức nhưng chỉ đủ ăn, đủ mặc đã khó rồi. Đoạn này là một ví dụ.

 

Dù cho đã rất cố gắng, siêng năng, chăm chỉ nhưng họ vẫn không có được nhiều tiền bạc, không có tài sản lớn, không có của cải lớn. Do bỏ ra quá nhiều công sức, tiền bạc để đầu tư nhưng kết quả thu về thì ít ỏi, cho nên họ trở nên buồn bã, thất vọng và đau khổ vì sự thất bại này. Đây là sự nguy hiểm thứ hai, dựa trên dục, là nguyên nhân, là nguồn gốc của dục khiến cho đau khổ và nguy hiểm.

  1. Này các tỳ-khưu, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy và các tài sản ấy được đến tay mình, vì phải hộ trì các tài sản ấy, vị ấy cảm thọ sự đau khổ, ưu tư: “Làm sao các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao trộm cướp khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng đáng khỏi cướp đoạt chúng?” Dầu vị ấy hộ trì như vậy, giữ gìn như vậy, vua chúa vẫn cướp đoạt các tài sản ấy, trộm cướp vẫn cướp đoạt, lửa vẫn đốt cháy, nước vẫn cuốn trôi hay các kẻ thừa tự không xứng đáng vẫn cướp đoạt chúng. Vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: “Cái đã thuộc của ta, nay ta không có nữa”. Này các tỳ- khưu, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.

Trường hợp ngược lại, trường hợp này may mắn hơn. Đầu tư bao nhiêu, bỏ công sức bao nhiêu thì đều

 

thu hoạch được nhiều của cải, tài sản bấy nhiêu. Nhưng vẫn có nguy hiểm xuất hiện, đó là gì?

Cho dù tài sản có được trong tay sau bao nỗ lực, siêng năng chăm chỉ làm ăn, người ấy vẫn phải ra sức bảo vệ các tài sản ấy. Làm sao không để vua chúa cướp đoạt chúng, trộm cướp chiếm hữu chúng, tránh khỏi nạn lửa cháy, nước trôi hay kẻ thừa tự kém cỏi phá nát chúng? Đây là các câu hỏi mang tính phủ định, nhưng lại là khẳng định. Nghĩa là của cải, tài sản, tiền bạc khi đã có thì tưởng đâu là niềm vui, là tốt đẹp, hóa ra là đại hoạ. Không những bị mất mà còn nguy hiểm đến tính mạng.

Thế nhưng cho dù cố gắng bảo vệ như vậy nhưng rốt cục tài sản ấy vẫn bị mất mát vào tay vua chúa, kẻ cướp, nạn hỏa hoạn, nạn hồng thủy. Hoặc kẻ thừa tự phá tán là con hoặc cháu thừa kế không biết giữ gìn của cải khiến bao nhiêu công lao, mồ hôi nước mắt của cha mẹ, của người đi trước gầy dựng lên cơ nghiệp, vào tay “phá gia chi tử” là tan tành hết. Người ấy khóc lóc, than vãn, phiền muộn, khổ sầu, tuyệt vọng vì “cái thuộc về ta nay không còn nữa”. Đây là sự nguy hiểm của các dục, là nguyên nhân của dục.

  1. Lại nữa, này các tỳ-khưu, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lỵ tranh đoạt với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn,

 

gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.

  1. Lại nữa, này các tỳ-khưu, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.

Khi bị thúc đẩy, bị tác động bởi dục thì tất cả mọi chuyện trên thế gian này đều có thể xảy ra, giai

 

cấp nào cũng có sự tranh đoạt, xã hội nào cũng có những chuyện trớ trêu. Ở đây đức Phật nêu ra một loạt các ví dụ.

Vua tưởng đâu giàu có, quyền lực như vậy thì lòng tham sẽ có chừng mực, nhưng không phải. Ông vua nào cũng muốn đất đai rộng hơn, quyền lực nhiều hơn, của cải nhiều hơn cho nên tranh đoạt nhau. Sát- đế-lỵ - tầng lớp những người có quyền lực, địa vị trong xã hội gồm quan lại, các vị thủ lĩnh,… cũng tranh đoạt lẫn nhau. Đẳng cấp cao quý trong xã hội bà-la-môn, quý tộc cũng tranh đoạt lẫn nhau. Giữa các gia chủ cũng tranh đoạt lẫn nhau. Và trong mỗi gia đình, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha; hoặc là giữa chị em tranh đoạt lẫn nhau, giữa anh em tranh đoạt lẫn nhau, giữa bạn bè tranh đoạt lẫn nhau.

Khi họ lao mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, họ tấn công nhau bằng lời nói đến vũ khí, từ các loại vũ khí từ thô sơ đến loại sát thương lớn. Và họ bị tử vong hoặc đau khổ đến gần như chết. Như vậy là sự nguy hiểm của các dục, do dục làm nguyên nhân, do dục làm duyên.

  1. Lại nữa, này các tỳ-khưu, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ công phá thành quách mới trét vôi hồ và tên

 

được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Ở đây, họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ đổ nước phân sôi, họ đè bẹp nhau bằng đá, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.

  1. Lại nữa, này các tỳ-khưu, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, họ đột nhập nhà cửa, họ cướp giật đồ đạc, họ hành động như kẻ cướp, họ phục kích các đường lớn, họ đi đến vợ người. Các vua chúa khi bắt được một người như vậy liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó

 

ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm của các dục, thiết thực hiện tại, thuộc khổ uẩn, lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên, là nguồn gốc của dục, là nguyên nhân của dục.

Khi bị dục chi phối, dục che mờ mắt, người ta sẽ có những hành động hoàn toàn mất kiểm soát như giết hại, tàn sát lẫn nhau để tranh giành cho được của cải tài sản. Họ hành động như kẻ cướp và làm những điều phi luân lý, phi đạo đức. Kết quả họ sẽ bị pháp luật trừng trị. Sau khi bị bắt, họ sẽ bị áp dụng nhiều hình phạt sai khác, từ nhẹ đến nặng, từ những hình phạt đơn giản đến những hình phạt tinh vi phức tạp. Ở đây họ bị giết chết hoặc bị hành hạ đau đớn đến chết.

  1. Lại nữa, này các tỳ-khưu, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý. Do họ sống làm các ác hạnh về thân, làm các ác hạnh về lời nói, làm các ác hạnh về ý, khi thân hoại mạng chung họ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm của các dục, đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, do chính dục làm nhân.

 

Sau khi đã bị hành hình, đã bị thống khổ, do pháp luật của loài người trừng trị, những người làm ác hạnh về thân, khẩu, ý khi chết bị sinh vào cõi dữ - ác thú, đọa xứ, địa ngục,… Và ở trong những kiếp sống đó họ tiếp tục cảm thọ những hình phạt đau khổ do quả báo. Vậy hiện tại đau khổ và tương lai cũng đau khổ!

3. Sự xuất ly các dục

Đức Phật sau khi đã chỉ ra các dục là gì, chỉ ra vị ngọt các dục là gì, chỉ ra nguy hiểm các dục là gì, Ngài tiếp tục đề cập vấn đề thứ ba liên hệ đến các dục, đó là sự xuất ly các dục.

  1. Này các tỳ-khưu, thế nào là sự xuất ly các dục? Này các tỳ-khưu, đây là sự điều phục dục tham đối với các dục, sự đoạn trừ dục tham, như vậy là sự xuất ly các dục.

Sự xuất ly các dục có hai yếu tố, đó là: Thứ nhất là điều phục dục tham, tức là chế ngự, làm chủ, kiểm soát dục tham; Thứ hai là sự đoạn trừ dục tham, tức là chấm dứt, cắt đứt dục tham.

  1. Này các tỳ-khưu, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt các dục là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các dục của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương

 

tự, nghĩa là như thật tuệ tri các dục, sự kiện như vậy không thể xảy ra. Này các tỳ-khưu, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các dục là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ như thật tuệ tri các dục của họ, họ cũng có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các dục, sự kiện như vậy có xảy ra.

Sau khi nói qua ý nghĩa của sự xuất ly, đức Phật mở rộng ra.

Với Sa-môn, Bà-la-môn hoặc bất kỳ ai không như thật tuệ tri - tức không biết rõ cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, xuất ly là xuất ly ra khỏi cái gì - thì người đó sẽ không biết rõ trong mình đang có dục hay không có dục, mình đang chịu nguy hiểm hay không nguy hiểm và không bao giờ xuất ly được. Dù đang bị các vị ngọt chi phối, họ cũng không biết mình đang bị các vị ngọt đó làm chủ và họ đắm mình trong các vị ngọt. Do đắm mình, do bị lôi cuốn, do bị các dục làm chủ, họ sẽ bị nguy hiểm từ việc này đến việc khác. Khi ở trong vòng nguy hiểm rồi thì họ không có cách gì thoát ly ra được. Giống như một đám cháy khởi lên, nếu mình đứng ngoài thì có thể thấy rõ đám cháy khởi lên từ đâu. Mình có thể dập tắt đám cháy, hoặc mình rời xa đám cháy đó để không bị nguy hiểm. Còn một đứa nhỏ không biết nguy hiểm của lửa, khi lửa bùng lên liền nhảy vào chơi với lửa, thì chắc chắn hậu

 

quả là lửa sẽ thiêu đốt nó, không có cơ hội thoát ly ra khỏi đó.

Cũng vậy, khi không có nhu cầu xuất ly và không biết được cách xuất ly, thì không thể tự giúp mình thoát khỏi các dục, không thể giúp người thoát khỏi các dục; không thể tự mình ra khỏi nguy hiểm, không thể giúp người khác ra khỏi nguy hiểm.

Ở đây xuất ly là điều phục được dục tham và chấm dứt được dục tham. Chỉ những người biết rõ như vậy mới có thể làm cho mình thoát ra khỏi các dục, ra khỏi trói buộc của các dục, không bị nguy hiểm và có thể giúp cho người khác ra khỏi nguy hiểm bằng cách nhận ra các vị ngọt được trá hình như thế nào, lôi cuốn như thế nào và chỉ ra cho những người khác thấy.

Bây giờ đức Phật đi tiếp phần các sắc pháp.

Về các sắc pháp

1. Vị ngọt các sắc pháp

17. Và này các tỳ-khưu, thế nào là vị ngọt các sắc pháp? Này các tỳ-khưu, như các thiếu nữ Sát-đế- lỵ, thiếu nữ Bà-la-môn, hay thiếu nữ gia chủ, tuổi khoảng độ mười lăm hay mười sáu tuổi, không quá lớn, không quá thấp, không quá ốm, không quá mập, không quá đen, không quá trắng, này các tỳ-khưu, có phải trong thời ấy, họ đạt đến mỹ diệu tối thượng, sắc đẹp tối thượng?

 

  • Bạch Thế Tôn, phải.
  • Này các tỳ-khưu, y cứ sắc đẹp mỹ diệu ấy khởi lên lạc thọ và hỷ thọ, như vậy là vị ngọt các sắc pháp.

Đức Phật đưa ra hình tượng thiếu nữ ở đủ mọi giai cấp được đưa ra, với độ tuổi, với nhan sắc, với các tiêu chí tương đối ổn, có thể được xã hội công nhận đó là tươi tắn, trẻ trung và xinh đẹp nhất.

Ở đây, tại sao không phải là hình ảnh thanh niên Sát-đế-lỵ, thanh niên Bà-la-môn,…? Vì đối tượng đang nghe pháp là các vị tỳ-khưu, tức là nam nên đức Phật mới đưa hình tượng nữ giới vì đó là sắc pháp hấp dẫn, thu hút người nam nhất.

“Y cứ sắc đẹp mỹ diệu ấy khởi lên lạc thọ và hỷ thọ, như vậy là vị ngọt các sắc pháp.” Câu này trong kinh văn nghe hơi khó hiểu, mà nói thế này thì dễ hiểu: khi nhìn vào một thiếu nữ, hay một thanh niên với độ tuổi, với ngoại hình đẹp đẽ như vậy thì mình có thích không? Mình có muốn gần không? Mình có muốn thân cận không? Nếu có thì đó là lạc thọ và hỷ thọ. Và khi có lạc thọ và hỷ thọ với đối tượng, tức đó là vị ngọt của sắc pháp. Mật ngọt thì chết ruồi!

2. Sự nguy hiểm của các sắc pháp

  1. Và này các tỳ-khưu, thế nào là sự nguy hiểm các sắc pháp? Này các tỳ-khưu, ở đây người ta có thể thấy bà chị ấy trong một thời khác, khoảng

 

tám mươi tuổi, chín mươi tuổi, hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, phải dựa vào gậy để chống đỡ, vừa đi vừa run rẩy, đau ốm, tuổi trẻ đã tận, râu rụng, tóc bạc, hư rụng, sói đầu, da nhăn, tay chân bị khô đét, tái xám. Này các tỳ-khưu, các ngươi nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?

  • Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy.

Đức Phật đã nêu ra sự nguy hiểm thứ nhất đối với sắc pháp đó là sự hư hoại, sự tàn tạ, sự biến dạng từ đẹp đến xấu, từ trẻ đến già, từ chỗ dễ nhìn đến chỗ khó coi, từ chỗ sạch sẽ, tinh tế đến chỗ hôi hám, bẩn thỉu,… Vẻ đẹp lung linh một thời nay đã biến mất và sự nguy hiểm hiện ra. Đó là nguy hiểm thứ nhất của sắc pháp.

  1. - Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa này các tỳ-khưu, người ta có thể thấy bà chị ấy bị bệnh hoạn đau khổ, trầm bệnh, nằm đắm mình trong phẩn tiểu của chính mình, phải có người nâng dậy, phải có người đỡ nằm. Này các tỳ-khưu, các người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của người đó nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?
  • Bạch Thế tôn, sự thật là vậy.

 

Đầu tiên là sự suy thoái. Tiếp đến là các biểu hiện của bệnh tật, của một người bị hành hạ bởi tật bệnh. Đó là nguy hiểm thứ hai.

  1. - Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa này các tỳ-khưu, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, một ngày, hay hai ngày, hay ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Này các tỳ-khưu, các người nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu sắc đẹp xưa kia của cô gái đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?
  • Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy.

Cái chết không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giới tính. Nó có thể đến bất kỳ khi nào, bất kỳ chỗ nào, trên trời, dưới đất, hang động,… chỗ nào nó cũng có thể tìm đến. Và khi thân thể chúng ta bị quăng vào nghĩa địa thì có thể thấy sự biến dạng của thi thể. Chỉ mấy ngày thôi, dưới sự tác động của gió, nắng, mặt trời,… thi thể sẽ trương phình lên, rồi máu mủ chảy ra, hôi thối, dòi bọ xuất hiện,… Ôi thôi! Như vậy là sự nguy hiểm thứ ba đã hiện ra rồi.

  1. - Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa, này các tỳ-khưu, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài dã can ăn, hay bị các loại côn trùng ăn. Này các tỳ-khưu, các

 

ngươi nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của cô gái nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra?

  • Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy.

Đức Phật dẫn chúng ta đi tiếp đến sự nguy hiểm thứ tư, đó là thi thể sau khi bị biến dạng giai đoạn một, bây giờ nó ở một tình huống còn trớ trêu hơn nữa. Thi thể bị phanh thây, xẻ thịt bởi các loài vật như chim, thú, côn trùng,... Chúng moi móc tất cả các phần mềm ăn hết, xơi hết, tha đi hết. Trước đó là một thiếu nữ xinh đẹp, thanh niên xinh đẹp, sau bữa ăn tập thể của các loài côn trùng, động vật đó nó còn cái gì? Đây là sự nguy hiểm tiếp theo của sắc pháp.

  1. - Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa, này các tỳ-khưu, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại…; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại…; với các bộ xưng không còn dính thịt, dính máu, còn được các đường gân cột lại…; chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia, ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Này các tỳ-khưu, các ngươi nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia

 

của cô gái nay đã biến mất, và sự nguy hiểm đã hiện ra?

  • Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy.
  1. - Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp. Lại nữa, này các tỳ-khưu, người ta thấy cô gái ấy, thi thể bị quăng vào nghĩa địa, chỉ có toàn là xương trắng màu vỏ ốc…; chỉ còn một đống xương lâu hơn ba năm… chỉ còn các xương thối trở thành bột. Này các tỳ-khưu, các ngươi nghĩ thế nào? Có phải sự mỹ diệu về sắc đẹp xưa kia của cô gái nay đã biến mất và sự nguy hiểm đã hiện ra.
  • Bạch Thế Tôn, sự thật là vậy.
  • Này các tỳ-khưu, như vậy là sự nguy hiểm các sắc pháp.

Đoạn pháp thoại ngắn này, liệt kê từng giai đoạn biến hoại của tử thi khi nó còn nguyên đến khi nó không còn gì, mất hết. Sau khi gân cốt bị tiêu hoại chỉ còn xương. Rồi xương cũng bắt đầu bị gãy, bị vỡ vụn ra mọi nơi. Và sau một thời gian chỉ còn là đất bụi. Đây là hình ảnh cuối cùng của một thi thể con người trước khi hòa tan vào cát bụi cuộc đời. Cứ mỗi giai đoạn như vậy là một sự nguy hiểm của sắc pháp.

3. Sự xuất ly các sắc pháp

  1. Này các tỳ-khưu và thế nào là sự xuất ly các sắc pháp? Này các tỳ-khưu, đây là sự điều phục dục

 

tham đối với các sắc pháp, sự đoạn trừ dục tham, như vậy là sự xuất ly các sắc pháp.

  1. Này các tỳ-khưu, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt các sắc pháp là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các sắc pháp của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các sắc pháp, sự kiện như vậy không xảy ra. Này các tỳ-khưu, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các sắc pháp là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các sắc pháp của họ, họ cũng có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các sắc pháp, sự kiện như vậy có xảy ra.

Giống như đoạn trước đối với vấn đề về các dục, vấn đề về các sắc pháp ở đây cũng có ba nội hàm là: Thứ nhất, biết thế nào là vị ngọt; Thứ hai, biết thế nào là nguy hiểm; Thứ ba, biết thế nào là xuất ly.

Đức Phật lấy ví dụ về một thiếu nữ đang trong độ tuổi đẹp đẽ nhất của cuộc đời, khi nhìn thấy dáng dấp mỹ miều, ngoại hình xinh đẹp phơi phới ai cũng sinh lòng mến mộ, thích gần gũi, muốn thân cận cho nên khởi lên tâm hoan hỷ, tâm thích thú và tâm ham muốn. Đó là những vị ngọt.

 

Và nếu như không đủ các hiểu biết và tầm nhìn thì người ta sẽ không nhận ra những sự nguy hiểm đằng sau vị ngọt ấy. Đầu tiên là già, rồi đến cái chết, và cuối cùng là sự biến hoại của thi thể qua từng giai đoạn. Từ một cô gái xinh đẹp cho đến cuối cùng chỉ còn là đống bột trắng hòa tan với đất bụi. Đó là nguy hiểm.

Nếu vị bà-la-môn, sa-môn nào không nhận ra cách xuất ly khỏi các vị ngọt, sự nguy hiểm của các sắc pháp, thì vị ấy không thể tự mình thoát ra được, và không thể giúp người khác thoát ra được.

Khi nhận ra vị ngọt, nhận ra sự nguy hiểm thì phải biết cách xuất ly nó. Sự xuất ly các sắc pháp cũng có hai yếu tố đó là điều phục, chế ngự dục tham và đoạn trừ, chấm dứt dục tham. Đây là xuất ly các sắc pháp, sau khi nhận ra nguy hiểm của nó.

“Như thật tuệ tri” ở đây là biết rõ, biết đúng không còn nghi ngờ gì nữa về vị ngọt là vị ngọt như vậy, nguy hiểm là nguy hiểm như vậy, và xuất ly là xuất ly như vậy đối với sắc pháp. Từ đó tự mình có thể xuất ly, bước ra khỏi trói cột, ràng buộc của các sắc pháp và có thể chỉ cho người khác, giúp người khác thấy ra vấn đề để xuất ly. Đó là ý nghĩa đức Phật muốn nói.

 

Về các cảm thọ

1. Vị ngọt các cảm thọ

  1. Và này các tỳ-khưu, thế nào là vị ngọt các cảm thọ? Ở đây các tỳ-khưu ly các dục, ly các bất thiện pháp, tự chứng và an trú vào Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Trong khi ấy, nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, thời trong khi vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Này các tỳ-khưu, tối thượng vô hại ấy, Ta nói là vị ngọt các cảm thọ.

Từ đầu cho đến đoạn vừa rồi, chúng ta thấy đức Phật trình bày rộng rãi ý nghĩa của các dục và các sắc pháp về ba mặt của nó là vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly. Bây giờ đến phần thứ ba là các cảm thọ. Ở đây đức Phật cũng cho chúng ta thấy cái gì là vị ngọt các cảm thọ.

Ví dụ này lại cho chúng ta thấy một hình mẫu rất là cao thượng, tinh tế, đó là hình ảnh một vị tỳ- khưu đã từ bỏ được các ác, bất thiện pháp - “ly dục, ly các bất thiện pháp”, không còn tư tưởng xấu độc, tư tưởng hại mình, hại người, hại cả hai. Do không có tư tưởng, ý niệm hại mình, hại người, hại cả hai, vị ấy cảm giác một cảm thọ bất hại, vô hại, ở đâu cũng không làm tổn thương, ở đâu cũng không gây sự nguy hiểm, mối lo cho người khác. Một cảm giác mình tạm

 

gọi là cảm giác của lòng từ, lòng bi đối với mọi sinh linh. Đức Phật nhấn mạnh, quả thực đó là tối thượng vô hại và cũng là vị ngọt các cảm thọ.

  1. Lại nữa này các tỳ-khưu, tỳ-khưu diệt tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Trong khi ấy, nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, trong khi vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Này các tỳ-khưu, tối thượng vô hại ấy, Ta nói là vị ngọt các cảm thọ.

Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Trong khi ấy, nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, trong khi vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Này các tỳ-khưu, tối thượng vô hại ấy, Ta nói là vị ngọt các cảm thọ.

Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Trong khi ấy nếu vị ấy không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, trong khi ấy vị ấy cảm giác một cảm thọ vô hại. Này các tỳ-khưu, tối thượng vô hại ấy, Ta gọi là vị ngọt các cảm thọ.

 

Đây là nói vắn tắt. Thực ra cứ qua một giai đoạn về tâm, về thiền chứng tuần tự là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, thì tất cả đều là vị ngọt các cảm thọ. Vì trong tâm một hành giả an trú trong thiền định, nhất tâm, không khởi lên, không tồn tại bất kỳ một ý niệm nào hại mình, hại người, hại cả hai, và nếu có thể diễn đạt, có thể nói vị ấy cảm nhận, cảm giác được một trạng thái gọi là vô hại tối thượng. Và đức Phật xác nhận đó là vị ngọt các cảm thọ. Ở đây cảm thọ với mức độ tinh tế cao hơn cả loài người chứ không phải bình thường. Nhưng đã có vị ngọt thì phải có sự nguy hiểm.

Tưởng đâu các vị ngọt ấy là chỗ trú của chúng sinh vì nó không hại mình, không hại người, an tĩnh vắng lặng, thoải mái phải không? Nhưng không, đức Phật cảnh giác đó là nguy hiểm. Đó là lý do vì sao đức Phật nói nguyên nhân của khổ là tham ái. Tham ái ở đây có ba chỗ để bấu víu và phát triển, đó là Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái.

  • Dục ái: là dục đối với các trần cảnh, khi lục căn tiếp xúc lục trần và đắm chìm vào những đối tượng khả hỷ, khả lạc, khả ái. Dễ nhận ra, biểu hiện qua năm loại hưởng thụ, năm dục công đức là tài, sắc, danh, thực, thụy.
  • Hữu ái: cái này thì không dễ mấy người nhận ra được. Khi no đủ các dục của thế gian và người ta bắt đầu cảm thấy phiền, chán chê, mệt mỏi với các

 

cảm giác, cảm thọ khởi sinh từ dục. Giống như người chiều nào cũng được mời đi nhậu, mấy ngày đầu còn khoái, làm cho một tháng liên tục thì nghe mời nhậu là sợ. Khi một người đã chán chê và nhìn thấy sự nguy hiểm của Dục ái, họ bắt đầu buông tất cả những thứ này và hướng đến ngược lại, tức từ bỏ Dục - tìm đến an tĩnh, đơn giản, thanh tịnh. Đó là khởi đầu của tiến trình tìm về thanh tịnh và chứng đạt các mức tâm an tịnh khác nhau của thiền định. Khi đã ở trong thiền định, người ta muốn tồn tại trong các cảm giác thanh tịnh mãi mãi. Đó chính là Hữu ái và là sự nguy hiểm của Hữu ái.

  • Phi hữu ái: Khi chứng thiền như vậy chúng ta nghĩ đó là vị ngọt. Nhưng khi bị cột trói trong thiền rồi thì có thể xảy ra tình huống nguy hiểm này. Một vị đã ở trong trạng thái thanh tịnh của các thiền đã chứng càng sâu chừng nào thì phản ứng trầm trọng chừng đó. Do vậy, khi phải trở về thế gian họ liền khởi lên cái tâm của thế gian là tham sân. Ví như người bình thường khi sân cường độ chỉ có một thôi, nhưng do năng lực định tâm mãnh liệt, tâm sân của các vị này có cường độ gấp hàng trăm lần. Có câu truyện về một vị sau khi đắc Tứ thiền, an trú trong thiền với thời gian lâu, thoải mái, đến khi xuất thiền, vì ảnh hưởng của tiếng động khó chịu, lập tức sân hận bùng lên. Do dư hưởng của cái định đang đắc làm nguồn lực cho nên nó bùng lên giống như hỏa diệm

 

sơn. Lập tức sức mạnh của núi lửa sân hận này kéo thẳng người đó xuống địa ngục. Đó là sự nguy hiểm của thanh tịnh an tĩnh mà không biết cách xuất ly. Đức Phật nói như vậy là sự nguy hiểm các cảm thọ.

2. Nguy hiểm của các cảm thọ

28. Và này các tỳ-khưu, thế nào là sự nguy hiểm các cảm thọ? Này các tỳ-khưu, các cảm thọ là vô thường, khổ, biến hoại, như vậy sự nguy hiểm các cảm thọ.

Dù đạt được các trạng thái an tĩnh, vắng lặng, vô hại,… của những vị chứng đắc được các cấp độ thiền từ Sơ thiền đến Tứ thiền, nhưng đức Phật vẫn chỉ ra sự nguy hiểm của các cảm thọ này. Vì cảm thọ nào đi chăng nữa cũng sẽ thay đổi - tức là vô thường, sẽ dẫn đến đau khổ. Vì sao? Vì khi mình thích rồi mà nó mất đi sẽ khiến mình khổ đau. Và bản chất của mọi vật là vô thường; mọi sự vật luôn sinh, trụ (tồn tại), và diệt (biến hoại) theo qui luật. Các vị tỳ-khưu phải biết rằng, các cảm thọ là vô thường, khổ, biến hoại. Như vậy, tất cả các cảm thọ đều là các đối tượng nguy hiểm; và đó là nguy hiểm của các cảm thọ.

3. Xuất ly các cảm thọ

  1. Và này các tỳ-khưu, thế nào là sự xuất ly các cảm thọ? Này các tỳ-khưu, sự điều phục dục tham đối với các cảm thọ, sự đoạn trừ dục tham, như vậy gọi là sự xuất ly các cảm thọ.

 

  1. Này các tỳ-khưu, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri vị ngọt các cảm thọ là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định sẽ không như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ cũng không có thể đặt người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ, sự kiện như vậy không xảy ra. Này các tỳ-khưu, những Sa-môn, Bà-la-môn nào như thật tuệ tri vị ngọt các cảm thọ là vị ngọt như vậy, sự nguy hiểm là sự nguy hiểm như vậy, sự xuất ly là sự xuất ly như vậy, những vị này nhất định như thật tuệ tri các cảm thọ của họ, họ có thể đặt các người khác trong một địa vị tương tự, nghĩa là như thật tuệ tri các cảm thọ, sự kiện như vậy có xảy ra.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-khưu hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Thế nào là sự xuất ly các cảm thọ? Đó chính là sự chế ngự ham muốn đối với các cảm thọ và sự buông bỏ ham muốn các cảm thọ.

Những sa-môn, bà-la-môn nào không biết rõ vị ngọt các cảm thọ là vị ngọt như vậy, nguy hiểm là nguy hiểm như vậy, xuất ly là xuất ly như vậy, những vị này chắc chắn không biết rõ các cảm thọ của bản thân, đồng thời cũng không làm cho người khác biết rõ cảm thọ của họ. Còn những sa-môn, bà-la-môn nào

 

biết rõ vị ngọt là vị ngọt như vậy, nguy hiểm là nguy hiểm như vậy, xuất ly là xuất ly như vậy, thì họ có thể thoát ra được nó và đồng thời cũng làm cho người khác biết rõ cảm thọ của họ.

Như vậy là nội dung pháp thoại đã được đức Phật giảng giải đầy đủ.

Khóa Xuất gia Gieo duyên lần thứ 11, năm 2020

.

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications