Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Soi sáng lời dạy của Đức Phật [P11] - KINH BỌT NƯỚC Tương Ưng Bộ kinh, chương XXII, phẩm Hoa, bài kinh số 3.
Hôm nay chúng ta tìm hiểu bài kinh Bọt Nước, theo yêu cầu của một vị Phật tử. Kinh Bọt Nước nằm trong Nikāya, thuộc Tương Ưng Bộ kinh, tập 3, chương 22, phẩm Hoa, bài kinh số 3 (22.2.5.3). Địa điểm: bài kinh được đức Phật thuyết giảng ở đô thị Ayujjāya. Một số chú giải có đề cập đến địa danh này, nhưng ở đây chúng ta sẽ không đi sâu tìm hiểu chi tiết này vì nội dung pháp thoại này không có liên quan nhiều. Chỉ cần biết rằng đây là một đô thị ven sông Hằng, một trong những trục lộ giao thông đường thủy mà trong suốt 45 năm hoằng pháp, đức Phật thường xuyên lui tới khu vực này. Có rất nhiều bài kinh được đức Phật thuyết có liên hệ đến sông Hằng.
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:3449

Các tên gọi khác

Hôm nay chúng ta tìm hiểu bài kinh Bọt Nước, theo yêu cầu của một vị Phật tử. Kinh Bọt Nước nằm trong Nikāya, thuộc Tương Ưng Bộ kinh, tập 3, chương 22, phẩm Hoa, bài kinh số 3 (22.2.5.3). Địa điểm: bài kinh được đức Phật thuyết giảng ở đô thị Ayujjāya. Một số chú giải có đề cập đến địa danh này, nhưng ở đây chúng ta sẽ không đi sâu tìm hiểu chi tiết này vì nội dung pháp thoại này không có liên quan nhiều. Chỉ cần biết rằng đây là một đô thị ven sông Hằng, một trong những trục lộ giao thông đường thủy mà trong suốt 45 năm hoằng pháp, đức Phật thường xuyên lui tới khu vực này. Có rất nhiều bài kinh được đức Phật thuyết có liên hệ đến sông Hằng.

General Information

Danh sách : Liên quan
:
Soi sáng lời dạy của Đức Phật [P11] - KINH BỌT NƯỚC Tương Ưng Bộ kinh, chương XXII, phẩm Hoa, bài kinh số 3.

KINH BỌT NƯỚC

Tương Ưng Bộ kinh, chương XXII, phẩm Hoa, bài kinh số 3.

 

 

Hôm nay chúng ta tìm hiểu bài kinh Bọt Nước, theo yêu cầu của một vị Phật tử. Kinh Bọt Nước nằm trong Nikāya, thuộc Tương Ưng Bộ kinh, tập 3, chương 22, phẩm Hoa, bài kinh số 3 (22.2.5.3).

  • Địa điểm: bài kinh được đức Phật thuyết giảng ở đô thị Ayujjāya. Một số chú giải có đề cập đến địa danh này, nhưng ở đây chúng ta sẽ không đi sâu tìm hiểu chi tiết này vì nội dung pháp thoại này không có liên quan nhiều. Chỉ cần biết rằng đây là một đô thị ven sông Hằng, một trong những trục lộ giao thông đường thủy mà trong suốt 45 năm hoằng pháp, đức Phật thường xuyên lui tới khu vực này. Có rất nhiều bài kinh được đức Phật thuyết có liên hệ đến sông Hằng.
  • Người nghe: là chư tỳ-khưu đang tu học, cư trú trong địa phương ấy.
  • Duyên khởi: đây là bài kinh đức Phật tự thuyết, không do ai thỉnh cầu, và trong bài kinh không thấy đề cập đến nguyên nhân gần hay xa nào. Ở đây chỉ

 

nói đức Phật cho gọi chư tỳ-khưu ở quanh đó lại và thuyết giảng. Có thể do chỗ này ở gần sông Hằng, nên bài kinh liên hệ đến sông Hằng và bọt nước trôi nổi trên sông Hằng như một ví dụ dễ thấy để so sánh.

Bây giờ, chúng ta đi vào nội dung bài kinh:

  1. Một thời Thế Tôn ở Ayujjāya, trên bờ sông Hằng.
  2. Tại đấy, Thế Tôn gọi các tỳ-khưu: “Này các tỳ-khưu”.

Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn: “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

  1. Thế Tôn nói như sau:

- Ví như, này các tỳ-khưu, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ- khưu, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?

“Người có mắt” nghĩa là người có khả năng nhìn thấy được, không phải bị mù, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đức Phật đã nêu ra vấn đề và lý giải luôn.

Có mấy điểm trong đoạn kinh trên cần làm rõ:

 

- Thứ nhất, về “đống bọt nước lớn”. Nếu quý vị từng sống gần sông hay hồ lớn, vào mùa nước chảy, đặc biệt vào mùa lũ lụt sẽ dễ nhìn thấy đống bọt nước này. Đó là là một loại vật chất, vật thể mà do dòng nước chảy mạnh, đặc biệt bên dưới có những xoáy nước, do có vật cản ngầm ở dưới lòng sông, nên khi nước chảy đến đó thì bị cản lại. Do bị cản lại, dòng nước sẽ tìm đường để thoát, hoặc do tác động của nhiều dòng chảy khác đổ về hợp lại thành các xoáy nước. Xoáy nước ấy sẽ thu hút các vật thể trôi nổi trên mặt nước, trong đó có lá cây, rác và nhiều thứ khác, hình thành từng đống bọt. Đó là loại đối tượng gọi là đống bọt nước.

- Thứ hai, ở đây đức Phật nói “người có mắt”, nghĩa là nói đến người có mắt sáng, mắt bình thường, không bị nhậm, không phải có mắt mà nhắm lại, hoặc là người mù. Một con mắt về vật lý, mạnh khỏe, bình thường, và thái độ của người ấy khi nhìn vào đống bọt nước “chuyên chú, như lý quán sát”. Từ “như lý” lặp đi lặp lại rất nhiều trong kinh điển. Như lý là nói tắt của “như lý tác ý”, trái ngược lại là “phi như lý tác ý”.

“Như lý” ở đây là gì?

Nghĩa đơn giản: Sự thực thế nào thì nhận biết nó là như thế đó. Vật thể đó như thế nào mình quán sát nó như thế ấy. Nhìn nó như thế nào thì phản ánh như thế ấy. Trong cái nhìn không có đưa chủ quan của

 

mình vào, thích hay ghét, tốt hay xấu, đúng hay sai. Nghĩa là một cái nhìn, tương tác không mang tính phê bình, thiên kiến, chủ quan. Mặt khác, không có bản ngã “tôi nhìn” ở đây, mà chỉ thuần túy quán sát sự vật thế nào phản ánh sự vật như thế ấy. Như vậy gọi là “như lý quán sát” hoặc là quán sát đúng với sự thật đang diễn ra trong mắt thấy, tai nghe,... Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, chính nhờ thái độ, cách nhìn căn cứ trên sự thật như vậy, thì người có con mắt sáng đó thấy rõ trong đống bọt nước ấy không có cái gì chắc chắn, không có cái gì bền vững. Trước đó nó không có, bây giờ hội đủ các điều kiện thì nó hình thành đống bọt nước. Trong khi nhiều chỗ trên mặt nước không có, chỉ có chỗ ấy có đống bọt nước.

Khi quan sát kỹ thì thấy trong đống bọt nước ấy có hai tính chất: thứ nhất là “trống không”, thứ hai là “rỗng không”. Nó thể hiện tính chất thực đó là hiện ra “không có lõi cứng”. Làm sao mà có lõi cứng, có cái gì vững chắc, bền bỉ, bền chắc trong đống bọt nước ấy được! Đức Phật nêu ra một hiện tượng mà người có mắt bình thường, sáng suốt, nhìn đúng sự thực, sẽ thấy rõ bản chất thật sự của vật thể ấy là cái gì.

  1. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần;

 

vị tỳ-khưu thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị tỳ-khưu nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong sắc được?

“Nội hay ngoại”, tức bên trong hay bên ngoài. “Sắc” ở đây chỉ các hình thể khi ta nhìn ra bên ngoài, còn bên trong là chính tự thân của mỗi người chẳng hạn. Trong tâm của mọi người gọi là nội, bên ngoài gọi là ngoại. Thô tức là các vật chất, vật thể, hình tướng, sắc chất,... có tướng trạng thô tháo, thô thiển, thô phù. Ngược lại bên kia là tế, tức là tinh vi, sắc sảo và tinh chất hơn cái thô. Thô hay tế nghĩa là vậy.

Còn “liệt hay thắng”?

Thắng là vượt lên, liệt là bị bỏ rơi, rớt xuống đằng sau. Ở đây cũng nói hai mặt khác nhau, tức là sắc thì có cái tốt cái xấu (thô, tế), cái thì thấp kém, cái thì có đẳng cấp cao hơn (thắng, liệt).

“Xa hay gần” là nói về địa lý. Và ba thời nói đến thời gian là quá khứ, hiện tại, vị lai. Tất cả những cái đức Phật nêu ra về cả ba thời, về cả không gian, thời gian và địa lý nhằm bao quát tất cả các sự vật ở trên thế gian này. Cái gì thuộc sắc tức là hình thể, hình tướng dù trong dù ngoài, dù trên dù dưới, hoặc là cao

 

thấp, thượng hạ, xa gần,… thì khi vị tỳ-khưu tiếp xúc, đều phải chuyên chú, như lý quán sát sắc ấy.

Đối với một người tu hành, có thể là người xuất gia, có thể là người tại gia khi tiếp xúc với các hình thể, sắc tướng,... dù ở bất kỳ thời điểm nào, dù đó là thô hay tế, là xa hay gần, là thấp hay cao,… tất cả đều đặt trong tầm quan sát, nhìn ngắm một cách chuyên chú, hợp với sự thực. “Hợp với sự thực” có nghĩa như đã nói ở trên - trong cái nhìn quan sát của một người tu hành thì không được nhìn với cặp mắt chủ quan hoặc là tình cảm thương, ghét, thích hay không thích,... mà phải hoàn toàn trong sáng, thuần khiết, phản ảnh sự thực. Có như vậy chúng ta mới biết bản chất của cái sắc đó là gì.

“Do vị tỳ-khưu nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng’ - có ba vấn đề được nêu lên ở đây: không có lõi cứng, rỗng không và trống không. Và đức Phật nói rằng: “Làm sao, này các tỷ-kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?”. Câu hỏi nhưng thực ra là một sự xác định, không thể có lõi cứng trong sắc. Ở đây chính là nói toàn bộ sắc ở trong vật chất mà nó kiên cố nhất, vững bền nhất, chắc thật nhất., nếu quán sát kỹ, vị tu hành sẽ nhận ra được rằng, trong tất cả hình thể, sắc tướng ấy không có cái gì bền vững, chắc thật, tồn tại lâu dài.

 

  1. Ví như, này các tỳ-khưu, trong mùa thu khi trời mưa, những giọt mưa lớn trên mặt nước, các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong bong bóng nước được?

Ở đây đức Phật đưa ra ví dụ thứ hai là bong bong nước. Ta dịch là mùa Thu nhưng thực ra ở Ấn Độ không có khái niệm Xuân, Hạ, Thu, Đông như nước ta hay Trung Quốc. Họ chỉ có ba mùa, đó là mùa nắng nóng, mùa mưa và mùa lạnh khô. Mỗi mùa tương đương khoảng bốn tháng, đặc biệt là vùng Trung Ấn và Bắc Ấn. Còn riêng Nam Ấn thì khí hậu như miền Nam Việt Nam, là khí hậu nhiệt đới, cho nên chỉ có hai mùa rõ rệt là nắng nóng và mưa. Trong các cơn mưa, nước từ trên trời đổ xuống, trên mặt nước hiện ra những bong bóng.

Thuở nhỏ, hầu hết mọi người ít nhiều đều có những kỷ niệm với việc tắm vào trời mưa. Hoặc là ngồi trong nhà, nhìn thấy mưa rơi, có những dòng nước chảy qua trước hiên nhà mình, rồi bong bóng nước hiện ra, có thể to, nhỏ, có màu sắc nếu khi ấy có nắng. Có những tia nắng nó chiếu đến thì bọt nước sẽ long lanh màu sắc.

 

Cũng giống như bọt nước, bong bóng nước khi mình chăm chú quan sát nó sẽ thấy rõ trong đó rỗng không. Và trong bong bóng nước quả thực không có lõi cứng, không có cái gì chắc thật trong đó. Bong bóng nước xuất hiện trong chốc lát rồi vỡ. Có thể tồn tại lâu hơn một chút nhưng tất cả đều sinh diệt, sinh diệt liên tục. Cho nên chắc chắn không thể có lõi cứng ở trong bong bóng nước như câu hỏi và cũng là lời xác định đức Phật: “Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong bong bóng nước được.”

Rồi đức Phật đưa ra ví dụ khác:

  1. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị tỳ-khưu thấy thọ, chuyên chú, như lý quán sát thọ. Do vị tỳ-khưu nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ, thọ ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong thọ được?

Ở đây xin mở ngoặc nói thêm một chút. Trong các bài kinh, cũng như bài kinh này, đức Phật đưa ra từng ví dụ và liên hệ so sánh những ví dụ này với một chủ đề Phật học mà lâu nay chúng ta, bất kỳ ai có nghe, có học ít nhiều, đều có nghe nói đến là: “ngũ uẩn” hay “ngũ ấm”. Đây là từ Hán Việt Phật học lâu nay. Thời gian gần đây, khi chia xẻ pháp, chúng tôi có

 

sử dụng một nhóm từ khác để thay thế do khuynh hướng muốn Việt hóa, muốn làm rõ nghĩa các chủ đề Phật học thông qua các nhóm từ chuyên môn, để làm rõ ý nghĩa, vai trò, chức năng của năm yếu tố này. Và với một số người vì không biết chữ Hán, cảm giác xa lạ với thuật ngữ này nên không hiểu, làm cản trở khi tìm hiểu Phật học, đó cũng là lý do để chúng tôi sử dụng từ mới này.

Ngũ uẩn hay ngũ ấm là chỉ cho năm thành tố hợp thành thân tâm của mỗi người chúng ta. Chữ “uẩn” trong đó có nghĩa là chồng chất, chất đống, là một tập hợp. Với thế hệ trẻ thì các từ “tổ hợp, tập hợp” thường được sử dụng trong toán học, trong công nghệ hay trong các ngành khoa học tự nhiên, do thường sử dụng nên rất dễ hiểu. Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất dùng nhóm từ “năm tổ hợp” thay thế, thay vì nói “ngũ uẩn”. Nhưng “năm tổ hợp” này chưa đủ vì nó chưa lột tả được năm tổ hợp này làm cái gì. Cũng giống như ngũ uẩn, khi nói ngũ uẩn - năm cái đống chồng chất thì chẳng hiểu được là gì. Nên chúng ta sẽ gọi chúng là: “năm tổ hợp tạo nên tiến trình sống”, bao gồm:

  • Sắc uẩn: chúng tôi gọi là “tổ hợp hình thể” hay “tổ hợp xác thân”, khi đề cập đến hình thể nói chung, tất cả các sắc tướng, sắc tố. Khi nói đến xác thân là nói đến phần thân vật lý của chúng ta.

 

  • Thọ uẩn: chúng tôi chuyển sang gọi là “tổ hợp cảm giác” như tâm lý học vẫn đang sử dụng.
  • Tưởng uẩn: chúng tôi chuyển sang gọi là “tổ hợp hiểu biết”, vì nó chỉ cho tất cả cái biết mang tính chất chủ quan của con người do học hỏi, do tồn tại, do chung sống,... mà có được hoặc đạt được.
  • Hành uẩn: nói đến các tạo tác, tạo nghiệp, tức các tình cảm thuộc thất tình, lục dục: được - mất, hơn
  • thua, các thứ hỉ, nộ, ái, ố,... hoặc các phản ứng của mỗi chúng ta khi xúc sự (tiếp xúc, tương tác với sự việc, đối tượng). Cho nên hành uẩn được gọi bằng nhóm từ “tổ hợp tình cảm - phản ứng”, để làm rõ ra vai trò, chức năng của nó.
    • Thức uẩn: Chữ “thức uẩn” này hơi khó hiểu với nhiều vị, và chúng tôi trong quá trình tìm hiểu, thấy ra, hiểu ra vấn đề nên chuyển sang nhóm từ là “tổ hợp sao chép, lưu trữ và chuyển giao”. Vì vai trò của thức uẩn ở trong ngũ uẩn là như thế này: sau khi một tiến trình khởi lên (thông qua 4 tổ hợp trên), nghiệp được tạo, thì hoạt động của hợp thể này là sao chép, lưu trữ, chuyển giao cho tiến trình sau. Chính vì vậy mà chúng ta có cảm giác nó liên tục, liên tục, không ngừng nghỉ.

Trở lại vấn đề trong bài kinh. Như các lần trước, đức Phật đặt ra câu hỏi như một sự xác định: “Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong thọ

 

được?”. Tức là, trong cảm giác của chúng ta, những cảm giác mà chúng ta khi xúc sự, bắt đầu tiếp nhận được trên thân tâm này thường là phân làm hai loại: thọ thân - cảm giác về vật lý và thọ tâm - cảm giác về tâm lý. Mỗi cảm thọ đều có ba trạng thái như lâu nay mọi người vẫn thường hiểu trong Phật học, đó là: đau khổ, hoan lạc, và trạng thái không khổ không lạc. Những trạng thái vui mừng hay buồn lo hoặc loại cảm giác nhỏ nhiệm đến nỗi không thể nào gọi tên nó là buồn hay là vui được nên gọi là vô ký, tức không ghi nhận. Đó là những thuộc tính thuộc về cảm giác mà trong kinh thường dịch là “thọ”.

Với thọ, khi xúc sự chúng ta sẽ khởi lên các cảm giác và tất cả cảm giác ấy không thể tồn tại lâu dài. Một cảm giác buồn hay vui thôi, nhìn chung, từ xa, tưởng như thể dài hai, ba phút, nhưng thực ra tiến trình mà cảm giác ấy sinh ra và diệt, nếu tính theo đơn vị tiến trình, thì con số ấy là hàng trăm, hàng ngàn tiến trình kế tục nhau dù cho ta cảm giác như nó là một. Một cảm giác đúng ra nó chỉ sinh khởi, tồn tại trong một tiến trình; tiến trình sau thừa kế tiến trình trước và tiếp tục hình thành, sinh lên rồi diệt. Giống như trò chơi trẻ con khi nhỏ, chúng ta dùng một que nhang rồi xoay quanh tạo vòng tròn trong đêm tối. Do xoay nhanh quá nên các điểm sáng trên cây hương đó sẽ tạo thành vòng tròn. Ta gọi là vòng tròn ánh sáng

 

hay vòng tròn lửa. Thực ra cả vòng tròn lẫn tên gọi chỉ là những khái niệm và không thực.

Thọ cũng thế! Chúng ta tưởng rằng nỗi buồn hay niềm vui đang diễn ra chỉ là một, nhưng không phải. Nỗi buồn hay niềm vui ấy là kết quả của rất nhiều tiến trình đang được sinh ra và diệt đi, kế tục nối tiếp nhau tạo thành. Sinh diệt của mỗi tiến trình quá nhanh nên chúng ta không thấy; mặt khác, do không tỉnh táo, không đủ sáng suốt để nhận ra. Vì vậy đức Phật đã khẳng định: làm sao có cái gì tồn tại bền chặt, có lõi cứng trong cảm giác này?

  1. Ví như, này các tỳ-khưu, trong tháng cuối mùa Hạ, vào đúng giữa trưa đứng bóng, một ráng mặt trời rung động hiện lên. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong ráng mặt trời được?

Thời điểm đức Phật đang nói đến là vào cuối mùa mưa ở Ấn Độ, tương đương khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch của ta, thời điểm sau mùa an cư của chư tăng Nam tông. Đây là thời điểm sau mùa hạ chuẩn bị bước sang mùa lạnh khô. Những tháng cuối mùa mưa đó có những ngày trời nắng, trong không khí còn sót hơi ẩm của những ngày mưa, cho nên khi

 

nhìn lên mặt trời vào giữa trưa đứng bóng, ta sẽ thấy quầng ánh sáng bao quanh mặt trời mà đức Phật gọi là “ráng mặt trời”. Mặt trời là điểm sáng nhất ở giữa với cái quầng sáng hiện ra chung quanh vào lúc giữa trưa. Vào những tháng khác chưa chắc đã nhìn thấy. Trong bản dịch gọi là ráng mặt trời. Còn thầy dùng từ mà miền trung hay gọi là “quầng”.

Ở đây, “một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, nên ráng mặt trời ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng.” Và đức Phật kết luận: “Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong ráng mặt trời được?”. Khi nhìn thấy cái quầng bao quanh mặt trời như vậy, nó là một hiện tượng ánh sáng do có hơi nước trong không khí, phía dưới chúng ta nhìn lên xuyên qua hơi nước đó, và mặt trời chiếu xuống tạo ra một hiện tượng về vật lý. Đó là một hiện tượng ảo! Một người khi quan sát rõ ràng, chăm chú vào cái quầng sáng đó thì sẽ nhanh chóng nhận ra nó trống không, nó rỗng không và nó không có lõi cứng. Ở đây ba tính chất lặp đi lặp lại muốn nêu lên bản chất nó chỉ là giả hợp, giả tạo do điều kiện mà sinh. Điều kiện trong trường hợp này là do có hơi nước và hiện tượng khúc xạ ánh sáng tạo ra. Và trong một thời điểm khác của năm, hoặc trong điều kiện khác chưa chắc đã có hiện tượng này. Cho nên làm gì nó có lõi cứng, làm gì có tính bền chặt tượng trưng cho cái gọi

 

là lõi cứng được. Đó là cách đức Phật so sánh, khi chúng ta nhìn vào quầng mặt trời, thấy ra được tính chất trống không, rỗng không và không có lõi cứng của quầng ánh sáng quanh mặt trời. Ví dụ này để đức Phật so sánh với cái gì?

  1. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, phàm có tưởng gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị tỳ-khưu thấy tưởng, chuyên chú, như lý quán sát tưởng. Do vị tỳ-khưu nhìn chuyên chú, như lý quán sát tưởng, tưởng ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong các tưởng được?

Cũng giống như các đoạn trên, trong quá khứ, trong hiện tại, trong vị lai, xa hay gần, liệt hay thắng, tốt hay xấu,... được một người có mắt chăm chú quan sát, như lý quán sát cái tưởng ấy, thì người ấy sẽ nhanh chóng phát hiện được tính chất của nó là trống không, tính chất của nó là rỗng không, không có lõi cứng, không có thực.

Rồi đức Phật giảng tiếp:

  1. Ví như, này các tỳ-khưu, một người cần có lõi cây, tìm cầu lõi cây, đi tìm lõi cây, cầm cái búa sắc bén đi vào ngôi rừng. Ở đây, người ấy thấy một cụm

 

cây chuối lớn, mọc thẳng, mới lớn, cao vút. Người ấy chặt rễ cây ấy. Sau khi chặt rễ, người ấy chặt ngọn. Sau khi chặt ngọn, người ấy lột vỏ chuối ngoài. Khi lột vỏ chuối ngoài, giác cây còn tìm không được, tìm đâu cho có được lõi cây? Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy. Khi người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát cụm chuối ấy, cụm chuối ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cây. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cây trong cụm chuối được?

  1. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, phàm có các hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị tỳ-khưu thấy các hành, chuyên chú, như lý quán sát các hành. Do vị tỳ-khưu nhìn chuyên chú, như lý quán sát các hành, các hành ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong các hành được?

Đức Phật ví dụ một người có nhu cầu, có mục đích đi tầm cầu lõi cây, tức cái gì bền vững, chắc chắn để nương tựa theo nghĩa bóng; nghĩa đen là tìm lõi cây để làm một việc gì đó với mục đích nó tồn tại lâu dài. Người ấy đi vào rừng tìm, và tìm thấy một bụi chuối. Có một cây chuối trong đó mới lớn, thẳng cao, đẹp đẽ, người ấy nghĩ rằng cây này có lõi ở trong nên

 

đã chặt gốc, cắt rễ, mang về. Sau đó chặt ngọn, cắt cành lá cho nó gọn và tiếp tục lột các vỏ của cây chuối ra, hết lớp này qua lớp khác, hết vỏ này qua vỏ khác. Nhưng mà quý vị chắc đã biết, ai đã từng làm công việc liên hệ đến cây chuối hoặc là từng phụ mẹ, chị hoặc bà chặt chuối, đốn chuối ngoài vườn để làm thức ăn thì quá hiểu trong cây chuối hoặc là các cây thuộc họ cây thân mềm như cây môn, mặc dù bề ngoài cao lớn, thẳng thớm giống như một cây thuộc họ cây gỗ cứng, nhưng thực ra nó thuộc họ cây bụi, không bền chắc, chỉ có tướng tá cao lớn, cho dù moi móc đến tận cùng đi nữa, không thể có lõi cứng, không có cái gì chắc chắn, bền vững ở trong ruột của cây chuối được. Nếu cho rằng cái lõi của cây chuối cứng cũng giống như là nói trong đống bọt nước có cái gì kiên cố, vững bền.

Cũng như thế ấy, đức Phật dùng ví dụ này để chỉ cho một người khi suy xét hoặc quán sát về tưởng uẩn

  • tổ hợp hiểu biết hay tri giác - thì người ấy sẽ sớm nhận ra các hiểu biết của mình cũng giống như từng lớp vỏ chuối vậy thôi. Từng lớp, từng lớp quyện lại, bện vào nhau, liên kết nhau, mà mới nhìn qua chúng ta tưởng rằng đó là kho tàng, vốn liếng hiểu biết của mình nó chắc chắn, bền vững thế này, thế nọ. Nhưng mà thực tế, bản chất của nó như là cây chuối, càng đi sâu vào từ lớp này qua lớp khác, lột tất cả ra, trả về

 

nguyên vị của nó, thì cuối cùng vẫn không có lõi, vẫn không có cái vững chắc, cái bền thật ở trong đó.

  1. Ví như, này các tỳ-khưu, một ảo thuật sư hay đệ tử một ảo thuật sư, tại ngã tư đường bày trò ảo thuật. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát trò ảo thuật ấy. Do người ấy nhìn chuyên chú, như lý quán sát, ảo thuật ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là trống rỗng, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong ảo thuật được?
  2. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, phàm thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị tỳ-khưu thấy thức, chuyên chú, như lý quán sát thức, thức ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các tỳ-khưu, lại có lõi cứng trong thức được?

Các nhà ảo thuật hay là học trò của nhà ảo thuật, khi diễn trò, biểu diễn ảo thuật đều dựa trên những nguyên tắc là tay chân nhanh nhẹn, một số thủ pháp đánh lừa cái nhìn hoặc tâm lý của người xem, hoặc dùng một số dụng cụ chuyên môn để đánh lừa người xem. Và trò ảo thuật biểu diễn thành công khi người xem không biết mình bị lừa, tưởng rằng các hiện tượng bày ra đó là thật. Nhưng người biết về nghề này, ít nhiều biết kỹ thuật và họ có con mắt quan sát

 

tinh tường, sắc bén thì sẽ phát hiện được trò ảo thuật này là trò vui cho mọi người thôi, nó không có thực. Và trong đó rõ ràng làm gì có cái gì bền vững, chắc thực như cái lõi cứng được. Đức Phật dùng ví dụ này để chỉ cho tổ hợp cuối cùng, đó là thức uẩn hay theo cách nói của chúng tôi là tổ hợp sao chép, lưu trữ và chuyển giao.

Và sau khi trình bày qua như vậy, đức Phật đi đến kết luận như thế này:

  1. Thấy vậy, này các tỳ-khưu, vị đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham; do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã giải thoát.” Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”

Ở đây xin giải thích nhóm từ “đa văn Thánh đệ tử”. Nhiều nơi dịch từ Pāḷi sang là đa văn Thánh đệ tử hay Thánh đệ tử, vì là từ Hán Việt nên hơi khó hiểu, đối với một số vị dễ hiểu lầm và tưởng rằng đó là các vị Thánh đa văn. Thực ra trong bài kinh này, từ “đa văn” có nghĩa đen là “người nghe nhiều” - do ngày xưa chưa có chữ viết, nên người ta học bằng cách nghe, chứ không phải đọc như chúng ta ngày nay. Nghe nhiều nên gọi là “đa văn”. Vì vậy về nghĩa,

 

chúng ta có thể thống nhất: “đa văn” là người ham học hiểu. Và “Thánh đệ tử” là đệ tử của đức Phật. Như vậy, “đa văn Thánh đệ tử” là vị đệ tử của đức Phật ham học hiểu.

Một vị đệ tử Phật ham học hiểu thì dù là xuất gia hay tại gia, sau khi quán sát đúng sự thật đối với sắc, đối với các hình thể, các vật thể, dù đó là trong hay ngoài, tốt hay xấu, xa hay gần, trên hay dưới hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai,... vị ấy thấy được bản chất của tổ hợp về hình thể, sắc tướng này có ba đặc tính: thứ nhất là rỗng không, thứ hai là trống không và thứ ba là không có lõi cứng.

Cũng như vậy, khi vị đệ tử Phật ham học hiểu, quán sát tổ hợp thứ hai là thọ uẩn – tổ hợp cảm giác cũng thấy bản chất của nó là trống không, rỗng không, không có lõi cứng.

Cũng vậy, khi vị đệ tử Phật ham học hiểu quán sát đúng sự thực đối với tưởng uẩn - tổ hợp hiểu biết chủ quan, đối với hành uẩn - tổ hợp tình cảm - phản ứng, đối với thức uẩn - tổ hợp sao chép, lưu trữ, chuyển giao, và thấy rõ được ba tính chất của các đối tượng này là: rỗng không, trống không và không có lõi cứng.

Vị ấy trở nên nhàm chán đối với năm tổ hợp này. Và sau khi nhàm chán, vị ấy nguội lạnh với các tham ái, nguội lạnh với các ham muốn và đi đến

 

buông bỏ tham ái. Do rời bỏ các tham ái, ham muốn, nên vị ấy không còn bị cột trói bởi tham ái, ham muốn. Ở đây gọi là vị ấy đã giải thoát.

Khi mình không còn tham ái đối tượng, không còn bị các ham muốn dẫn dắt, tức là mình không còn bị các đối tượng ấy ám ảnh, thu hút, đưa vào bẫy sập của nó,... khi đó gọi là dứt khỏi các trói buộc, thoát khỏi các trói buộc, tức là giải thoát. Và khi cởi bỏ được các trói buộc, được giải thoát rồi, tự mình sẽ khởi lên hiểu biết rằng: ta đã được cởi trói rồi, giải thoát rồi và đối với các đối tượng này không còn ham muốn nữa, không còn trở lui trạng thái ấy nữa. Đó chính là nội dung đức Phật thuyết giảng.

Sau khi nói như vậy, đức Phật mới đúc kết lại nội dung đã giảng của mình bằng một bài kệ. Chúng ta cùng nghe bài kệ:

  1. Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ sau khi nói như vậy, bậc Đạo Sư lại nói thêm:

Sắc ví với đống bọt, Thọ ví bong bóng nước, Tưởng ví ráng mặt trời, Hành ví với cây chuối, Thức ví với ảo thuật, Ðấng bà con mặt trời,

 

Ðã thuyết giảng như vậy.

 

Nếu như vậy chuyên chú, Như lý chơn quán sát,

Như lý nhìn các pháp, Hiện rõ tánh trống không.

 

Bắt đầu với thân này,

Bậc Ðại Tuệ thuyết giảng, Ðoạn tận cả ba pháp, Thấy sắc bị quăng bỏ.

 

Thân bị quăng, vô tri, Không thọ, sức nóng, thức, Bị quăng đi, nó nằm,

Làm đồ ăn kẻ khác.

 

Cái thân liên tục này, Ảo sư, kẻ ngu nói,

Ðược gọi kẻ sát nhân, Không tìm thấy lõi cây.

 

Hãy quán uẩn như vậy,

 

Vị tỳ-khưu tinh cần, Suốt cả đêm lẫn ngày,

Tỉnh giác, chánh tư niệm.

 

Hãy bỏ mọi kiết sử,

Làm chỗ mình nương tựa, Sống như lửa cháy đầu, Cầu chứng cảnh bất động.

Dựa vào lời dạy của đức Phật trong pháp thoại trên, vị tu hành nên siêng năng, chăm chỉ thực hành lời dạy của đức Phật, để tâm vào chăm chú quán sát đúng với sự thực, chứ không thông qua cái nhìn chủ quan hoặc là mang tính phán xét, hay là bị tham, sân, si chi phối, thì người đó sẽ thấy rõ được tánh rỗng không, trống không của năm tổ hợp này.

Chúng tôi xin diễn giải tóm tắt lại một số vấn đề ở trong bài kinh này. Bằng phương pháp so sánh, đức Phật dùng ví dụ cho năm tổ hợp tạo nên tiến trình sống (ngũ uẩn) như sau:

  1. Thứ nhất là tổ hợp về hình thể/ sắc thân (sắc) như đống bọt nước.

Bọt nước do duyên mà thành. Do gặp cản trở, dòng nước chảy mạnh gặp xoáy nước và có một số vật nổi trên mặt nước khi bị tác động của các dòng

 

chảy, xoáy nước, thì nó hình thành các đống bọt nước. Trước đó nó không có, nên tính chất của bọt nước thì không lâu dài, mong manh, dễ vỡ và nhớp nháp, không sạch sẽ. Thân này cũng thế, sắc này là vậy. Mà người đời thường thiếu sáng suốt, không nhận ra tính chất giả hợp, không bền chắc như hình nộm của nó.

  1. Thứ hai là tổ hợp về cảm giác (thọ) như bong bóng nước.

Tính chất của bong bóng nước là sinh diệt chóng vánh, có đó mất đó. Nếu có ánh sáng mặt trời hay ánh sáng chiếu vào thì trông nó đẹp như mơ vậy, nhưng chạm vào thì vỡ, hư hư thực thực. Thọ hay cảm giác cũng tương tự như thế.

  1. Thứ ba là tổ hợp về hiểu biết (tưởng) như ráng mặt trời.

Quầng mặt trời mà ta nhìn thấy giữa trưa đứng bóng vào cuối mùa mưa, khi không khí có hơi nước, ta nhìn vào mặt trời xuyên qua màn hơi nước trong không khí, thì sẽ thấy cái quầng đó, một hiện tượng vật lý ảo. Mọi hiểu biết của con người chỉ là các khái niệm về sự vật, chứ không phải chính sự vật hay bản thân sự vật.

Mà hiểu biết của chúng ta là cái gì? Do được dạy dỗ, do tồn tại chung sống hoặc tự hiểu biết, tự học hỏi thêm để biết. Bắt đầu có vốn liếng kiến thức, tích

 

lũy để hiểu biết về nhiều mặt, nhưng bản chất của nó là gì? Cái biết chỉ là khái niệm về sự vật chứ không phải chính bản thân sự vật.

Tôi nhớ trước đây tôi có giải thích câu hỏi: “Chiếc bè qua sông là gì?” Ngay cả Tam tạng pháp điển, hay tất cả sách vở nói về Phật học, cũng không phải là chiếc bè. Chỉ khi nào chúng ta học hiểu rồi thực hành đúng pháp, thì lúc đó mới bắt đầu gọi là chiếc bè. Còn những cái khác chỉ là khái niệm, chỉ là những hình dung, chữ nghĩa nói về chiếc bè. Cũng bởi kiến thức của chúng ta đối với cuộc sống, với các vấn đề, chỉ là khái niệm về sự vật chứ không phải bản thân sự vật.

Và điều kỳ cục là chúng ta hay nhầm lẫn giữa sự thật và cái bóng của sự thật, thậm chí nhiều khi đánh đồng chúng là một. Cũng giống như chúng ta nhìn lên mặt trời vào đúng thời điểm đó, giữa trưa đứng bóng vào cuối mùa mưa, khi mà không khí trong bầu trời có nhiều hơi nước, thường thấy cái quầng bao quanh mặt trời. Mặt trăng cũng thế, ban đêm vào thời điểm trong năm, không khí có nhiều hơi nước, chúng ta cũng sẽ thấy hiện tượng cái quầng quanh mặt trăng. Đó là hiện tượng vật lý của thiên nhiên. Điều mà đức Phật ví dụ, ví von, so sánh với cái tưởng chính là vì cái tưởng thường dễ bị người ta đánh đồng với sự thật, hoặc là tưởng nó là sự thật, nhưng bản chất nó

 

không phải. Cũng giống như cái quầng ánh sáng đó, nó không phải là mặt trời.

  1. Thứ tư là tổ hợp tình cảm - phản ứng (hành) như cây chuối.

Trong người mỗi chúng ta có thất tình lục dục, đó là hỉ, nộ, ái, ố,... – nói theo quan niệm cũ của Nho giáo. Lục dục là sáu ham muốn xuất phát từ sáu căn quyền đối với các đối tượng vừa lòng thỏa ý thay nhau thể hiện trong các sinh hoạt của chúng ta suốt ngày đêm. Các tình cảm, ý chí, ham muốn ở trong mỗi chúng ta hằng ngày nó liên tục, liên tục xuất hiện. Ai có ý định nương tựa, an trú vào các hành nghiệp hay các hành động tạo tác này thì chỉ chuốc lấy thất vọng thôi. Vì bản chất của các hành nghiệp này, chồng chất, đan xen lẫn nhau. Trong đó có một yếu tố quyết định, đó là sự không chắc chắn, vững chãi, lâu dài. Khi nghĩ rằng mình tạo một nghiệp thiện, rồi mình nương tựa vào đó, an trú vào đó thì hoàn toàn sẽ thất vọng vì nghiệp sinh rồi diệt. Dù có quả báo đi nữa, chúng ta không biết bao giờ nó đến, nó đan xen lẫn nhau, thậm chí chúng ta sẽ nhầm lẫn những giá trị thực và ảo.

Cũng giống như một người đi tìm lõi cây, vào trong rừng nhầm lẫn giữa cây có lõi và cây không có lõi, nên mới vơ vào cây chuối, đem về lột ra. tìm lõi cây nhưng không bao giờ tìm thấy lõi cây được.

 

Giống như vậy, một người tưởng rằng nương trú vào thiện nghiệp hoặc bất động nghiệp của mình thì cũng không phải là chỗ nương tựa, an trú lâu dài đối với người giác ngộ, giải thoát. Vấn đề là cần phải thấy ra vận hành của nghiệp, tính chất của nghiệp và không còn tạo nghiệp.

  1. Thứ năm là tổ hợp sao chép - lưu trữ - chuyển giao (thức) như người ảo thuật.

Đức Phật lại ví von thức uẩn như trò ảo thuật, vì tính chất giả hợp của chúng. Tính chất giả hợp của thức uẩn do nó là bộ nhớ, kho lưu trữ của chúng ta. Kho lưu trữ ấy vừa lưu trữ và vừa chuyển giao, sau khi đã sao chép các tiến trình liên tục, liên tục. Tự bản thân tổ hợp này không có cái gì riêng tư hay là đặc chất. Nó chỉ làm khéo một công việc là sao chép, lưu trữ toàn bộ diễn tiến của bốn tổ hợp trước, sau đó chuyển giao tiến trình kế tiếp. Cũng như nhà ảo thuật khéo sử dụng các đồ nghề, sự nhanh nhẹn của đôi tay, của thủ pháp nên đánh lừa được người xem. Và người xem tưởng cái họ đang thấy là thực.

Khi thân này không còn sự sống nữa, quăng bỏ thì nó không biết đau, không biết buồn, không biết giận. Quăng trong nước nó cũng vậy, quăng trong đống bùn nó cũng vậy, trên sàng tọa hương thơm nó cũng vậy,… không có phản ứng gì hết, vô tri. Và xác chết thì không có cảm giác, cho nên không có thọ; xác

 

chết thì nhiệt ở trạng thái lạnh, vì sức nóng không còn. Trong xác chết cũng không có cái biết, cho nên không có thức.

Khi cái xác bị quăng đi, nó sẽ tự trương phồng lên, bị sình, hư thối, vỡ ra, các căn bị biến hoại rồi máu mủ,... tuôn ra bên ngoài đất. Và cũng có thể trở thành đồ ăn cho chúng sanh khác. Với chúng ta, xác chết thì ghê gớm, hôi hám, nhưng với một số loài khác thì đó là thức ăn ngon.

Tâm hướng đến giải thoát, giác ngộ thì một vị tu hành sau khi hiểu rõ bản chất của nó liền “bỏ mọi kiết sử”, tức trói buộc bởi sắc tướng, hình thể, trói buộc đối với cảm giác, trói buộc đối với hiểu biết, trói buộc đối với các tạo tác do tình cảm - phản ứng, và trói buộc đối với kho lưu trữ của mình, chuyển từ tiến trình này qua tiến trình khác. Từ đó, người ấy đề cao con đường đã nhắm đến, luôn ở trạng thái siêng năng, chăm chỉ, chỉ có tiến chứ không lùi. Giống như có lửa đốt trên đầu mình, nếu không kịp phủi thì lập tức lửa đốt cháy tóc, cháy từ trên đầu xuống thân thì mình sẽ chết. Cũng vậy, phải xem mục đích của việc tu học để thoát khổ mà giác ngộ gấp lên, như một người bị lửa cháy trên đầu. Đó là lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở của đức Phật cho các vị tỳ-khưu. Và đức Phật chấm dứt bài kệ như thế.

 

Đó là diễn giải mà theo hiểu biết của chúng tôi về bài kinh này. Các hình tượng ví von trong bài kinh Bọt Nước làm chúng tôi liên tưởng đến một bài kệ trong kinh Kim Cang của Phật giáo Phát triển về sau:

“Nhất thiết hữu vi pháp,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh, Như lộ diệc như điện,

Ưng tác như thị quán.”

Đối với các Phật tử Bắc tông hoặc người có nghiên cứu, đọc nhiều, nghe nhiều thì không xa lạ với bài kệ này. Bài kệ khá phổ biến, nhiều người biết.

Bài kệ đang nói đến “hữu vi pháp” chính là các pháp hữu vi. Khi nói đến các pháp hữu vi tức là có tạo tác. Dù pháp đó là vật chất, tinh thần hoặc trong nội tâm mà có tạo tác, có sinh khởi, thì đều nằm trong các tính chất đã được đức Phật liệt kê là không bền vững, không lâu dài và không chắc chắn. Hai đoạn ví dụ trong bài kệ đều nói rõ lên điều đó:

“Như mộng, huyễn, bào, ảnh, Như lộ diệc như điện.”

“Huyễn” có nghĩa giả mà như thật, mù mờ không rõ. “Bào” là bong bóng nước. “Ảnh” là cái bóng, là bản sao của ý thức và nó không thực. “Lộ” là hạt sương sớm. Buổi sáng chúng ta ra vườn, nếu đêm

 

trước không quá khô thì sáng sớm trên các ngọn cỏ, cành lá, đọng lại những giọt nước. Nhưng ngay khi mặt trời chiếu ánh sáng đầu tiên là nó tan ngay.

“Ưng tác như thị quán.”

“Điện” chính là sét. “Ưng tác” có nghĩa là nên làm. Câu này nghĩa là nên quán các pháp hữu vi có tính chất như huyễn, mộng, bào, ảnh, lộ, điện.

Nội dung bài kệ hoàn toàn phù hợp với nội dung mà bài kinh này khi liên hệ về cách thực hành quán sát, nhìn ngắm tổ hợp làm nên tiến trình sống của thân tâm này.

Đây là một số điểm khi tìm hiểu bài kinh, xin được chia xẻ những lưu ý này với quý Phật tử:

    • Thứ nhất, bài kinh này đức Phật dùng một số hình tượng để so sánh nhằm làm cho các vị tỳ-khưu dễ hiểu hơn tính chất và thấy rõ bản chất vô ngã ở trong năm tổ hợp tạo nên tiến trình sống, gồm: tổ hợp sắc thân (sắc uẩn), tổ hợp cảm xúc (thọ uẩn), tổ hợp hiểu biết (tưởng uẩn), tổ hợp tình cảm - phản ứng (hành uẩn), và tổ hợp sao chép, lưu trữ, chuyển giao (thức uẩn).
    • Thứ hai, đức Phật nhấn mạnh tính chất “rỗng không, trống không”, không vững chắc, không thực, trong năm tổ hợp này. Nó bị vây bọc, che khuất bởi cái vỏ giả hợp, giả tạm, do duyên sinh nên không thể

 

tự sinh, không tự tồn tại được. Nó tồn tại do nhờ các yếu tố hội đủ điều kiện mà hợp thành. Và nó cũng thường xuyên thay đổi nên không thể là nơi an trú, nương tựa vững chắc. (Đây có thể là cơ sở của một số bộ phái Phật giáo phát triển về sau này, và triển khai thành Tánh Không và triết học Tánh Không).

Soi sáng lời dạy của đức Phật - số 4, năm 2020.

.

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications