Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Kinh Trung Bộ 71.Kinh Dạy Vacchagotta Về Tam Minh (Tevijjavacchagotta sutta)
(P. Tevijjavacchagottasuttaṃ, H. 婆 蹉衢多三明經).72 Đức Phật cho rằng những gì mà Ngài đạt được, thực chất là 3 tuệ giác (Tam minh) gồm tuệ giác quá khứ của bản thân, tuệ giác về tái sinh của hữu tình và tuệ giác về sự chấm dứt khổ đau trong hiện tại. Đồng thời, đức Phật khẳng định trí “biết hết mọi thứ” (nhất thiết trí) trong lúc thức và lúc ngủ (nếu không có tác ý hướng tâm đến đối tượng) là không có thật. Giải thoát, theo đức Phật, thực chất là giải thoát tâm khỏi trói buộc (tâm giải thoát) và giải thoát bằng trí tuệ (tuệ giải thoát).
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:201

Các tên gọi khác

(P. Tevijjavacchagottasuttaṃ, H. 婆 蹉衢多三明經).72 Đức Phật cho rằng những gì mà Ngài đạt được, thực chất là 3 tuệ giác (Tam minh) gồm tuệ giác quá khứ của bản thân, tuệ giác về tái sinh của hữu tình và tuệ giác về sự chấm dứt khổ đau trong hiện tại. Đồng thời, đức Phật khẳng định trí “biết hết mọi thứ” (nhất thiết trí) trong lúc thức và lúc ngủ (nếu không có tác ý hướng tâm đến đối tượng) là không có thật. Giải thoát, theo đức Phật, thực chất là giải thoát tâm khỏi trói buộc (tâm giải thoát) và giải thoát bằng trí tuệ (tuệ giải thoát).
Kinh Trung Bộ 71.Kinh Dạy Vacchagotta Về Tam Minh (Tevijjavacchagotta sutta)

 

Kinh Dạy Vacchagotta Về Tam Minh

(Tevijjavacchagotta sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


    

(Download file MP3 – 1.07 MB – Thời gian phát: 06 phút 14 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Vesali (Tỳ-xá-ly) rừng Ðại Lâm, tại Kutagarasala (Giảng đường Trùng Các).

Lúc bấy giờ, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta ở tại Ekapundarika, vườn các du sĩ ngoại đạo.

Thế Tôn buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Vesali để khất thực. Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: “Nay còn quá sớm để đi vào Vesali khất thực. Ta hãy đi đến Ekapundarika, vườn các du sĩ ngoại đạo, đi đến du sĩ ngoại đạo Vacchagotta”.

Rồi Thế Tôn đi đến Ekapundarika, vườn các du sĩ ngoại đạo, đi đến du sĩ ngoại đạo Vacchagotta. Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta thấy Thế Tôn từ đằng xa đi đến, khi thấy vậy, liền nói với Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến; bạch Thế Tôn, thiện lai, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, đã từ lâu, Thế Tôn mới có dịp này, tức là đến tại đây, bạch Thế Tôn, mời Thế Tôn ngồi. Ðây là chỗ đã soạn sẵn.

Thế Tôn ngồi trên ghế đã soạn sẵn. Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, du sĩ Vacchagotta bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: ‘Sa-môn Gotama là bậc nhứt thiết trí, là bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn: “Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại, liên tục”‘. Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: “Sa-môn Gotama là bậc nhứt thiết trí, là bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn: “Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại liên tục”. Bạch Thế Tôn, những vị ấy nói về Thế Tôn có đúng với điều đã được nói, những vị ấy không vu khống Thế Tôn với điều không thực, nhưng đã giải thích về Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp, và không một đồng pháp hành nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách?

— Này Vaccha, những ai nói như sau: ‘Sa-môn Gotama là bậc nhứt thiết trí, là bậc nhứt thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn: “Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại, liên tục”‘. Thì đấy là họ nói về Ta không đúng với điều đã được nói, họ đã vu khống Ta với điều không thực, hư ngụy.

— Phải giải thích như thế nào, bạch Thế Tôn, chúng con mới nói về Thế Tôn đúng với điều đã được nói, chúng con không vu khống Thế Tôn với điều không thực, chúng con mới giải thích về Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp; và không một đồng pháp hành nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách?

— Ông phải giải thích: “Sa-môn Gotama là bậc có ba minh (tevijja)”, thì này Vaccha, Ông mới là người nói về Thế Tôn đúng với điều đã được nói, mới không vu khống Thế Tôn với điều không thực, mới giải thích về Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp, và mới không có một đồng pháp hành nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách.

Này Vaccha, khi nào Ta muốn, Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Ta sẽ nhớ đến những đời sống quá khứ, cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Này Vaccha, nếu Ta muốn, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Ta nghĩ rằng: “Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này”. Như vậy, Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

Này Vaccha, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta ngay trong hiện tại, tự mình với thượng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Và với sự giải thích: “Sa-môn Gotama là bậc có ba minh”, này Vaccha, người ấy mới là người nói về Thế Tôn đúng với điều đã được nói, mới không vu khống Thế Tôn với điều không thực, mới giải thích về Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp, và mới không có một vị đồng hành pháp nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách.

Khi được nói vậy, du sĩ Vacchagotta bạch Thế Tôn:

— Tôn giả Gotama, có thể có vị tại gia nào không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể đoạn tận khổ đau?

— Này Vaccha, không có người tại gia nào không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể đoạn tận khổ đau.

— Tôn giả Gotama, có thể có người tại gia nào không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể sanh Thiên?

— Không phải chỉ một trăm, này Vaccha, không phải hai trăm, không phải ba trăm, không phải bốn trăm, không phải năm trăm, nhưng nhiều hơn như vậy là những người tại gia không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại lại có thể sanh Thiên.

— Tôn giả Gotama, có hạng tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau?

— Này Vaccha, không có một tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau.

— Tôn giả Gotama, có hạng tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh Thiên?

— Này Vaccha, dầu cho ta có nhớ đến 91 kiếp, Ta không biết một tà mạng ngoại đạo nào đã sanh Thiên, trừ một vị, và vị này thuyết về nghiệp và thuyết về tác dụng của nghiệp.

— Sự việc là như vậy, Tôn giả Gotama, thời ngoại đạo giới này (titthayatanan) là trống không cho đến vấn đề sanh Thiên.

— Sự việc là như vậy, này Vaccha, thời ngoại đạo giới này là trống không cho đến vấn đề sanh Thiên.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.



Source link

Phần lược giải

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 71
Kinh Tam Minh Vacchagotta
(Tevijja – Vacchagottasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

Nói đúng pháp và tùy pháp về Thế Tôn: cắt nghĩa phù hợp với Pháp (exlaining in accordance with dhamma).

II. NỘI DUNG BẢN KINH 71

1. Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta ghi lại dư luận nhận xét về Thế Tôn rằng:

” Sa – môn Gotama là bậc Nhất Thiết Trí, là bậc Nhất Thiết Kiến. Ngài tự cho rằng là có tri kiến hoàn toàn: ” Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại liên tục “.

Đây là dư luận không đúng về Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy lời nhận xét đúng về Thế Tôn là:

” Sa-môn Gotama là bậc có Tam minh “, khi nào Thế Tôn muốn khởi dậy Tam minh, thì Tam minh mới sinh khởi.

2. Vacchagotta hỏi:

2.1. ” Có thể có người tại gia nào không đoạn trừ các kiết sử tại gia mà mà khi thân hoại mạng chung lại có thể đoạn tận khổ đau.

– Thế Tôn dạy: ” Không có “

2.2. ” Có thể có người tại gia nào không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể sanh Thiên “.

– ” Có rất nhiều “, Thế Tôn dạy.

3. Vacchagotta lại hỏi:

3.1. ” Có tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau.

– ” Thế Tôn dạy: ” không có “.

3.2. ” Có tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh thiên?”

– Thế Tôn dạy: ” Thế Tôn dù nhớ đến 91 kiếp, thì thấy chỉ có một vị tà mạng ngoại đạo duy nhất được sanh thiên: vị nầy thuyết về nghiệp và tác dụng của nghiệp.

III. BÀN THÊM

1. Vacchagotta và một số người cho rằng bậc Toàn giác thì luôn luôn thấy biết vạn hữu dù là khi đi, đứng, nằm, ngồi hay cả khi ngủ, nghĩa là xem trí tuệ toàn giác như là chính cơ thể của Phật, như là tấm gương soi, vạn vật luôn luôn tự hiện rõ thật tướng của chúng trong gương. Đây thật sự là một ảo tưởng!

Thế Tôn chỉ biết các pháp khi nào tác ý muốn biết, khi nào hướng tâm về các pháp. Ngài tự mình đã đoạn sạch các lậu hoặc; tự mình thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của tự thân nếu tác ý muốn thấy; tự mình thấy rõ con đường sinh tử của tất cả chúng sinh; làm hạnh nghiệp gì sẽ thác sinh về nơi tương ứng với hạnh nghiệp. Nếu nêu rõ chi tiết hơn về trí tuệ của Ngài thì nêu rõ nội dung của ” Thập Như Lai lực “: thấy rõ sự thật của tất cả pháp, sự thật tâm hướng của tất cả chúng sanh và đầy đủ tất cả các pháp thượng nhân.

2. Một người chỉ đoạn tận khổ, theo kinh 71, chỉ khi nào cắt đứt hết thảy các kiết sử, dù người ấy là tại gia hay xuất gia. Nếu chỉ cắt đứt ” năm hạ phần kiết sử ” trước khi chết, thì khi mệnh chung chỉ đắc quả Thánh Hữu học A-na-hàm, không trở lui đời nầy nữa, và sanh về cõi trời Ngũ Bất Hoàn (cõi trời Tứ thiền Sắc giới) và nhập Niết bàn tại đó.

3. Điểm giáo lý rất đặc biệt của kinh 71 là: những kẻ tà mạng ngoại đạo, vì là đầy tà kiến và tà mạng, tương đương với ác pháp, bất thiện pháp, thì sau khi thân hoại mệnh chung không thể sanh Thiên, không thể đoạn khổ. Trong suốt 91 kiếp (thời gian hầu như bất khả niệm) mới chỉ có một người tà mạng ngoại đạo sanh Thiên, do vì người nầy tin về Nghiệp, thuyết về Nghiệp và tác dụng của Nghiệp.

Thật là điều đáng gẫm! Tại đây, vấn đề Tà kiến hay Chánh kiến nổi bậc hẳn lên là yếu tố quyết định cảnh giới thác sinh.

 

Video giảng giải

.

Toát yếu Kinh Trung Bộ

Ni sư Thích Nữ Trí Hải tóm tắt & chú giải

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 71

Tam Minh

I. TOÁT YẾU

Tevijjavacchagotta Sutta - To Vacchagotta on the Threefold True Knowledge.

The Buddha denies possessing complete knowledge of everything at all times and defines the threefold knowledge he does posses.

Giảng cho Vachchagotta về ba minh.

Phật phủ nhận có toàn tri về mọi sự vào mọi lúc, và định nghĩa ba minh mà Ngài chứng.

II. TÓM TẮT

Vacchagotta [1] hỏi Phật, có phải sa môn Gotama là bậc nhất thiết trí [2] khi đi, đứng, ngủ và thức, tri kiến nơi Ngài tồn tại liên tục [3].

Phật dạy ai nói vậy là đã vu khống Ngài với điều không thực. Phải nói sa môn Gotama có ba minh. Nếu muốn, Ngài có thể nhớ lại nhiều đời quá khứ với đại cương và chi tiết. Nếu muốn Ngài có thể thấy bằng thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, sự sống chết chúng sinh tùy theo nghiệp. Và với sự đoạn diệt các lậu hoặc, ngay hiện tại Ngài chứng trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Phật trả lời các câu hỏi của du sĩ: Trong số những người tại gia chưa đoạn trừ kiết sử tại gia [4], không người nào đoạn tận khổ đau sau khi chết; nhưng rất nhiều người được sinh lên trời. Không có tà mạn ngoại đạo nào khi thân hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau; và dù Phật nhớ đến 91 kiếp Ngài cũng không biết một tà mạn ngoại đạo nào chết được sanh thiên, trừ một vị, vị này thuyết về nghiệp và tác dụng của nghiệp [5].

Khi nghe vậy Vacchagotta bạch Phật: Nếu vậy thì ngoại đạo quả là trống rỗng ngay cả vấn đề sinh lên trời.

Phật xác nhận đúng như thế.

III. CHÚ GIẢI

1. Kinh này và 2 kinh kế tiếp dường như trình bày sự tiến hóa của Vacchagotta theo thứ tự thời gian. Kinh Tương Ưng Bộ có cả một chương thuật lại những đàm luận ngắn giữa Phật và vị này.

2. Theo luận giải, mặc dù câu này có một phần có giá trị, đức Phật vẫn bác bỏ toàn bộ vì cái phần vô giá trị của nó. Cái phần có giá trị trong câu nói ấy là xác nhận rằng Phật là toàn tri, thấy biết tất cả. Phần hơi quá đáng là xác nhận rằng tri kiến ấy luôn luôn hiện hữu nơi Ngài một cách liên tục. Theo truyền thống Thượng Tọa Bộ, Phật là toàn tri với ý nghĩa rằng tất cả những gì có thể biết. Ngài có khả năng biết được. Tuy nhiên Ngài không thể đồng lúc biết tất cả mọi sự, mà phải tác ý đến điều gì Ngài muốn biết. Trong kinh 90, Phật dạy rằng có thể biết và thấy tất cả mặc dù không thể cùng một lúc, và trong kinh Tăng Chi IV, Ngài công bố biết được tất cả những gì có thể thấy, nghe, và nhận thức, mà theo truyền thống Thượng Tọa Bộ, điều này được hiểu là xác nhận về toàn tri.

3. Ðây là loại toàn tri mà vị thầy Ni kiền tử tự cho mình có được, theo kinh 14.

4. Kết sử tại gia có nghĩa là sự ràng buộc đối với các vật dụng của một gia chủ như đất, đồ trang sức, tài sản, ngũ cốc… Luận nói, mặc dù kinh này có đề cập vài người cư sĩ đắc quả A La Hán, nhưng khi ở đạo lộ A La Hán, họ đã phá hủy tất cả ràng buộc với các vật thế gian và như vậy hoặc họ xuất gia làm tỳ kheo, hoặc từ trần ngay sau khi chứng đắc. Vấn đề A la hán cư sĩ được bàn trong Kinh Milinda Vấn Đạo (Milinda Panha), câu 142, "Về cư sĩ A la hán".

5. Vì ông này tin hiệu quả của nghiệp, nên ông không thể theo thuyết định mệnh chính thống của giáo phái ông, một giáo phái phủ nhận hiệu quả của nghiệp và những hành động cố ý trong việc thay đổi số phận con người. Theo kinh sớ, vị này đời trước là một bồ tát.

IV. PHÁP SỐ

Hai giải thoát; Ba minh.

V. KỆ TỤNG

Vacchagotta hỏi
- Con nghe người ta nói
Tôn giả Gotama
Là bậc nhất thiết trí
Khi đi đứng ngủ thức
Tri kiến Ng
ài liên tục
Lời này có đúng thực
Ðể nói về Như Lai?
Phật dạy ai nói vậy
Là đã vu không Ngài
Và xuyên tạc Như Lai
Với một điều không thực
Muốn nói về Như Lai
Một cách chân chính nhất
Th
ì phải nói rằng Ngài
Là bậc có ba minh.
Bằng trí túc mạng minh
Nếu muốn, Ngài có thể
Nhớ nhiều đời quá khứ
Ðại cương và chi tiết.
Nếu muốn, Ngài có thể
Dùng thiên nhãn thuần tịnh
Thấy sống chết chúng sinh
Tùy theo nghiệp của chúng,
Và với sự đoạn diệt
Tất cả các lậu hoặc
Ng
ài hiện chứng vô lậu
Tâm và tuệ giải thoát.
Phật trả lời du sĩ
Những người chưa đoạn trừ
Các kiết sử tại gia
Chết không tận diệt khổ
Nhưng có rất nhiều người
C
òn kết sử tại gia
Vẫn được sinh thiên giới
Trừ tà mạn ngoại đạo
V
ì với trí thanh tịnh
Nhớ về chín mốt kiếp
Phật chỉ thấy một vị
Mạng chung sinh thiên giới
Vị này thuyết về nghiệp
Và tác dụng của nghiệp.
Khi nghe nói như vậy
Vacchagotta bạch:
- Nếu vậy thì ngoại đạo
Quả thực l
à trống rỗng
Cho đến cả vấn đề
Thác sinh l
ên thiên giới.

-ooOoo

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications