Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Kinh Trung Bộ 66.Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (Latukikopama sutta)
(P. Bhaddālisuttaṃ, H. 跋陀利經) tương đương Bạt đà-hòa-lợi kinh.66 Nhân dịp nhắc nhở một Tăng sĩ ương ngạnh không giữ được giới “ăn một lần trước ngọ”, đức Phật khuyên mọi người phải tuân thủ giới hạnh thanh cao; không tránh né, không bất mãn, không chống đối khi được nhắc nhở; khi có tội và bị cử tội nên phát lồ sám hối, nỗ lực chuyển nghiệp; siêng tu thiền định, khai mở trí tuệ để chứng đắc các quả Thánh
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:196

Các tên gọi khác

(P. Bhaddālisuttaṃ, H. 跋陀利經) tương đương Bạt đà-hòa-lợi kinh.66 Nhân dịp nhắc nhở một Tăng sĩ ương ngạnh không giữ được giới “ăn một lần trước ngọ”, đức Phật khuyên mọi người phải tuân thủ giới hạnh thanh cao; không tránh né, không bất mãn, không chống đối khi được nhắc nhở; khi có tội và bị cử tội nên phát lồ sám hối, nỗ lực chuyển nghiệp; siêng tu thiền định, khai mở trí tuệ để chứng đắc các quả Thánh
Kinh Trung Bộ 66.Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (Latukikopama sutta)

 

 

Kinh Ví Dụ con Chim cáy

(Latukikopama sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu

 


(Download file MP3 – 4.76 MB – Thời gian phát: 27 phút 44 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Anguttarapa (Ương-già Bắc Phương Thủy). Apana là một thị tứ của Anguttarapa.

Rồi Thế Tôn buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Apana để khất thực. Khất thực ở Apana xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến một khu rừng để trú ban ngày. Thế Tôn đi sâu vào khu rừng này, ngồi dưới một gốc cây để trú ban ngày.

Tôn giả Udayi (Ưu-đa-di) buổi sáng cũng đắp y, cầm y bát đi vào Apana để khất thực. Khất thực ở Apana xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Tôn giả đi đến một khu rừng để trú ban ngày. Tôn giả đi sâu vào khu rừng này, và ngồi dưới một gốc cây để trú ban ngày.

Rồi Tôn giả Udayi, trong khi độc cư Thiền tịnh, sự suy tư sau đây đã khởi lên trong tâm trí Tôn giả: “Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta”.

Rồi Tôn giả Udayi vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Udayi bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang độc cư Thiền tịnh, sự suy tư sau đây đã khởi lên trong tâm trí con: “Như Lai thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta… Như Lai thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta”. Bạch Thế Tôn, thuở trước chúng con thường ăn buổi chiều, buổi sáng, ban ngày và phi thời. Bạch Thế Tôn, thời ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và bảo: “Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ ăn ban ngày phi thời”. Bạch Thế Tôn, do vậy con cảm thấy thất vọng, con cảm thấy sầu muộn, nghĩ rằng: “Những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, các tín chủ cúng dường cho chúng ta ban ngày và phi thời. Nay Thế Tôn dạy chúng ta phải đoạn trừ, bậc Thiện Thệ dạy chúng ta phải từ bỏ”. Bạch Thế Tôn, giữa chúng con, những ai nhìn Thế Tôn với lòng ái mộ, với lòng tôn kính và với lòng tàm quý, liền từ bỏ ăn ban ngày phi thời.

Rồi bạch Thế Tôn, chúng con thường ăn buổi chiều và buổi sáng. Bạch Thế Tôn, thời ấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo và bảo: “Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ ăn ban đêm phi thời”. Bạch Thế Tôn, do vậy con cảm thấy thất vọng, con cảm thấy sầu muộn, nghĩ rằng: “Buổi ăn này gọi là có thượng vị hơn trong hai buổi ăn này của chúng ta. Thế Tôn dạy chúng ta phải đoạn trừ, bậc Thiện Thệ dạy chúng ta phải từ bỏ”. Bạch Thế Tôn, thuở xưa có người được một món ăn cúng ban ngày bèn nói: “Hãy để món ăn này một bên, và ban đêm tất cả chúng ta cùng ăn với nhau”. Bạch Thế Tôn, phàm mọi sự nấu nướng, tất cả đều làm ban đêm, rất ít làm ban ngày. Bạch Thế Tôn, giữa chúng con, những ai nhìn Thế Tôn với lòng ái mộ, với lòng tôn kính và với lòng tàm quý, liền từ bỏ ăn ban đêm phi thời.

Thuở trước, bạch Thế Tôn, các vị Tỷ-kheo thường đi khất thực trong đêm đen tối tăm, họ bước lầm vào vũng nước nhớp, rơi vào vũng nước nhớp, đi lầm vào hàng rào gai, đi lầm vào chỗ con bò cái đang ngủ, gặp các loại đạo tặc đã hành sự hay chưa hành sự, gặp các người đàn bà mời mọc một cách bất chánh. Thuở trước, bạch Thế Tôn, con đi khất thực trong đêm đen tối tăm. Một người đàn bà đang rửa chén bát, thấy con trong khi trời chớp nhoáng, liền hoảng sợ và hét lớn: “Ôi kinh khủng thay cho tôi, có con quỷ (chạy) theo tôi!” Bạch Thế Tôn, khi nghe nói vậy, con nói với người đàn bà ấy: “Này chị, không phải quỷ đâu. Ðây là Tỷ-kheo đang đứng khất thực”. “Cha Tỷ-kheo hãy chết đi! Mẹ Tỷ-kheo hãy chết đi! Này Tỷ-kheo, thật tốt hơn cho Ông nếu Ông lấy con dao sắc bén của người đồ tể cắt bụng của Ông, còn hơn là vì lỗ bụng đi khất thực trong ban đêm tối tăm”. Bạch Thế Tôn, khi con nhớ như vậy, con suy nghĩ như sau: “Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta”.

— Tuy vậy, này Udayi, ở đây có một số người ngu si; khi Ta nói: “Hãy từ bỏ việc này”, liền nói như sau: “Có sá gì sự việc tiểu tiết, nhỏ mọn này. Sa-môn này đặt quá nặng về cấm đoán đoạn giảm”. Họ không chịu từ bỏ và gây lên bất mãn chống Ta và chống những Tỷ-kheo muốn (thực hành) học giới. Sự việc ấy, này Udayi, đối với họ, trở thành một trói buộc mạnh mẽ, một trói buộc vững chắc, một trói buộc kiên cường, một trói buộc không mục nát, một khúc gỗ to lớn.

Ví như, này Udayi, có con chim cáy mái nhỏ bị tấm lưới bằng dây leo trói chặt, ở đây con chim có thể bị hại, hay bị bắt nhốt, hay bị chết. Này Udayi, nếu có ai nói như sau: “Con chim cáy mái nhỏ ấy bị tấm lưới làm bằng dây leo trói chặt, ở đây, con chim có thể bị sát hại, hay bị bắt nhốt, hay bị chết. Tuy vậy đối với con chim kia, lưới ấy không có chắc mạnh, lưới ấy yếu ớt, lưới ấy bị mục nát, lưới ấy không có cứng chắc”. Này Udayi, ai nói như vậy có phải nói một cách chơn chánh không?

— Bạch Thế Tôn, không. Bạch Thế Tôn, con chim cáy mái nhỏ ấy bị tấm lưới làm bằng dây leo trói chặt, ở đấy con chim có thể bị sát hại, hay bị bắt nhốt, hay bị chết. Ðối với con chim kia, lưới ấy là mạnh mẽ, lưới ấy là vững chắc, lưới ấy là kiên cường, lưới ấy không mục nát, một khúc gỗ to lớn.

— Cũng vậy, này Udayi, ở đây, có một số người ngu si, khi được Ta nói: “Hãy từ bỏ việc này”, liền nói như sau: “Có sá gì việc tiểu tiết, nhỏ mọn này! Vị Sa-môn này đặt quá nặng về cấm đoán, đoạn giảm”, và họ không chịu từ bỏ và gây lên bất mãn chống Ta và chống những Tỷ-kheo muốn (thực hành) học giới. Sự việc này, này Udayi, đối với họ trở thành một trói buộc mạnh mẽ, một trói buộc vững chắc, một trói buộc kiên cường, một trói buộc không mục nát, một khúc gỗ to lớn.

Nhưng này Udayi, một số Thiện gia nam tử, khi được Ta nói: “Hãy từ bỏ sự việc này”, liền nói như sau: “Có sá gì sự từ bỏ việc tiểu tiết, nhỏ mọn này mà Thế Tôn dạy chúng con phải đoạn trừ, bậc Thiện Thệ dạy chúng con phải từ bỏ!”. Họ từ bỏ sự việc ấy, và không gây lên bất mãn chống Ta và chống các Tỷ-kheo muốn (thực hành) học giới. Sau khi từ bỏ việc ấy, họ sống ít lăng xăng, lắng dịu, tùy thuộc những người khác (bố thí), sống với một tâm như con thú rừng. Này Udayi, như vậy đối với các vị kia, sự trói buộc ấy không có chắc mạnh, sự trói buộc ấy yếu ớt, sự trói buộc ấy bị mục nát, sự trói buộc ấy không có vững chắc.

Ví như, này Udayi, một con voi của vua, có ngà dài như cán cày, to lớn, thuộc loại giống tốt, lấy bãi chiến trường làm nhà, nếu bị trói buộc bởi sự trói buộc bằng da nịt vững chắc, chỉ cần chuyển thân một cách dễ dàng, sau khi cắt đứt, bứt đứt những trói buộc ấy, có thể muốn đi chỗ nào nó muốn. Này Udayi, nếu có ai nói như sau: “Con voi của vua có ngà dài như một cán cày ấy, to lớn, thuộc loại giống tốt, lấy bãi chiến trường làm nhà, nếu bị trói buộc bởi sự trói buộc bằng da nịt vững chắc, chỉ cần chuyển thân một cách dễ dàng, sau khi cắt đứt, bứt đứt những trói buộc ấy, có thể muốn đi chỗ nào nó muốn. Tuy vậy đối với con voi kia, sự trói buộc ấy vững chắc, sự trói buộc ấy kiên cường, sự trói buộc ấy không mục nát, một khúc gỗ to lớn”. Này Udayi, ai nói như vậy có phải nói một cách chơn chánh không?

— Bạch Thế Tôn, không. Bạch Thế Tôn, con voi của vua có ngà dài như một cán cày ấy, to lớn, thuộc loại giống tốt, lấy bãi chiến trường làm nhà, nếu bị trói buộc bởi sự trói buộc bằng da nịt vững chắc, chỉ cần chuyển thân một cách dễ dàng, sau khi cắt đứt, bứt đứt những trói buộc ấy, có thể muốn đi chỗ nào nó muốn. Ðối với con voi kia, sự trói buộc ấy không có chắc mạnh, sự trói buộc ấy yếu ớt, sự trói buộc ấy bị mục nát, sự trói buộc ấy không có kiên cường.

— Cũng vậy, này Udayi, ở đây có một số Thiện gia nam tử khi được Ta nói: “Hãy từ bỏ sự việc này”, liền nói như sau: “Có sá chi việc tiểu tiết, nhỏ mọn này mà Thế Tôn dạy chúng con phải đoạn trừ, bậc Thiện Thệ dạy chúng con phải từ bỏ ! ” Họ từ bỏ việc ấy, và không gây lên bất mãn chống Ta và chống các Tỷ-kheo muốn (thực hành) học giới. Sau khi từ bỏ việc ấy, họ sống ít lăng xăng, lắng dịu, tùy thuộc những người khác (bố thí), sống với một tâm như con thú rừng. Này Udayi, như vậy đối với các vị kia sự trói buộc ấy không có chắc mạnh, sự trói buộc ấy yếu ớt, sự trói buộc ấy bị mục nát, sự trói buộc ấy không có vững chắc.

Ví như, này Udayi, một người nghèo khổ, không có vật sở hữu, khốn cùng, có một chòi ở hư nát, mở toang cho quạ, không đẹp mắt chút nào, có một giường nằm hư nát, không đẹp mắt chút nào, các loại gạo lúa cất chứa trong một cái chum không đẹp mắt chút nào, và một bà vợ không đẹp mắt chút nào. Người ấy thấy một Tỷ-kheo trong tịnh xá, tay chân lau rửa sạch sẽ, sau khi ăn buổi cơm ngon lành, đang ngồi trong bóng mát, hướng về tăng thượng tâm. Người ấy suy nghĩ: “An lạc thay, Sa-môn hạnh! Vô bệnh thay, Sa-môn hạnh! Vậy sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, ta hãy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Nhưng người ấy không có thể từ bỏ cái chòi ở hư nát, mở toang cho quạ, không đẹp mắt chút nào, không có thể từ bỏ cái giường nằm hư nát, không đẹp mắt chút nào, không có thể từ bỏ các loại gạo lúa cất chứa trong một cái chum không đẹp mắt chút nào, không có thể từ bỏ bà vợ không đẹp mắt chút nào, để có thể sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Này Udayi, nếu có ai nói như sau: “Người kia, bị trói buộc bởi những trói buộc ấy không có thể từ bỏ cái chòi ở hư nát… không có thể từ bỏ bà vợ không đẹp mắt chút nào để có thể sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ðối với người kia, sự trói buộc ấy không có chắc mạnh, sự trói buộc ấy yếu ớt, sự trói buộc ấy bị mục nát, sự trói buộc ấy không có vững chắc”, thời này Udayi, ai nói như vậy có phải nói một cách chân chánh không?

— Bạch Thế Tôn, không. Người kia bị trói buộc bởi những trói buộc ấy không thể từ bỏ chòi ở hư nát, mở toang cho quạ, không đẹp mắt chút nào, không thể từ bỏ giường nằm hư nát không đẹp mắt chút nào, không thể từ bỏ các loại gạo lúa cất chứa trong một cái chum không đẹp mắt chút nào, không thể từ bỏ bà vợ không đẹp mắt chút nào, để có thể, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ðối với người kia, sự trói buộc ấy vững chắc, sự trói buộc ấy kiên cường, sự trói buộc ấy không mục nát, một khúc gỗ to lớn.

— Cũng vậy, này Udayi, ở đây, có một số người ngu si khi được Ta nói ra: “Hãy từ bỏ việc này”, liền nói như sau: “Có sá gì sự việc tiểu tiết, nhỏ mọn này. Vị Sa-môn này đặt quá nặng về cấm đoán, đoạn giảm!” Và họ không chịu từ bỏ và gây lên bất mãn chống Ta và chống những Tỷ-kheo muốn (thực hành) học giới. Sự việc này, này Udayi, đối với họ, trở thành một trói buộc mạnh mẽ, một trói buộc vững chắc, một trói buộc kiên cường, một trói buộc không mục nát, một khúc gỗ to lớn.

Ví như, này Udayi, một gia chủ hay con người gia chủ, giàu có, tài sản lớn, tiền của lớn, vô số vàng bạc, vô số gạo thóc, vô số ruộng nương, vô số đất đai, vô số thê thiếp, vô số đầy tớ nam, vô số nữ tỳ. Vị này thấy một Tỷ-kheo trong một tinh xá, tay chân lau rửa sạch sẽ, sau khi ăn bữa cơm ngon lành, đang ngồi trong bóng mát, hướng về tăng thượng tâm. Vị này suy nghĩ: “An lạc thay, Sa-môn hạnh! Vô bệnh thay, Sa-môn hạnh! Vậy sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, ta hãy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Vị này có thể từ bỏ vô số vàng bạc, có thể từ bỏ vô số gạo thóc, có thể từ bỏ vô số ruộng nương, có thể từ bỏ vô số đất đai, có thể từ bỏ vô số thê thiếp, có thể từ bỏ vô số đầy tớ nam, có thể từ bỏ vô số nữ tỳ. Này Udayi, nếu có ai nói như sau: “Người gia chủ hay con người gia chủ kia, bị trói buộc bởi những trói buộc ấy, có thể từ bỏ vô số vàng bạc… có thể từ bỏ vô số nữ tỳ để có thể sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ðối với người kia, sự trói buộc ấy vững chắc, sự trói buộc ấy kiên cường, sự trói buộc ấy không mục nát, một khúc gỗ to lớn”. Này Udayi, ai nói như vậy, có phải nói một cách chơn chánh không?

— Bạch Thế Tôn, không. Người kia bị trói buộc bởi những trói buộc ấy có thể từ bỏ vô số vàng bạc, có thể từ bỏ vô số gạo thóc, có thể từ bỏ vô số ruộng nương, có thể từ bỏ vô số đất đai, có thể từ bỏ vô số thê thiếp, có thể từ bỏ vô số đầy tớ nam, có thể từ bỏ vô số nữ tỳ, để có thể, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ðối với người kia, sự trói buộc ấy không có chắc mạnh, sự trói buộc ấy yếu ớt, sự trói buộc ấy bị mục nát, sự trói buộc ấy không có vững chắc.

— Cũng vậy, này Udayi, ở đây, có một số Thiện gia nam tử, khi được Ta nói: “Hãy từ bỏ việc này”, liền nói như sau: “Có sá chi sự việc tiểu tiết, nhỏ mọn này mà Thế Tôn dạy chúng con phải đoạn trừ, bậc Thiện Thệ dạy chúng con phải từ bỏ!” Họ từ bỏ sự việc ấy, và không gây lên bất mãn chống Ta và chống các Tỷ-kheo muốn (thực hành) học giới. Sau khi từ bỏ sự việc ấy, họ sống ít lăng xăng, lắng dịu, tùy thuộc những người khác (bố thí), sống với một tâm như con thú rừng. Này Udayi, như vậy đối với họ, sự trói buộc ấy không có chắc mạnh, sự trói buộc ấy yếu ớt, sự trói buộc ấy bị mục nát, sự trói buộc ấy không có vững chắc.

Này Udayi, có bốn hạng người có mặt trên đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y, những tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y hiện hành khởi lên. Vị này chấp nhận chúng, không đoạn trừ chúng, không từ bỏ chúng, không chấm dứt chúng, không tiêu diệt chúng. Này Udayi, Ta nói: “Người này bị trói buộc, không phải không bị trói buộc”. Vì sao vậy? Này Udayi, sự sai biệt về căn tánh trong người này đã được Ta biết rõ.

Nhưng ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y, những tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y hiện hành khởi lên. Nhưng vị này không chấp nhận chúng, đoạn trừ chúng, từ bỏ chúng, chấm dứt chúng, tiêu diệt chúng, Này Udayi, Ta nói: “Người này bị trói buộc, không phải không bị trói buộc”. Vì sao vậy? Này Udayi, sự sai biệt về căn tánh trong người này đã được Ta biết rõ.

Nhưng ở đây, này Udayi, có người sống, hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y, các tư niệm điên đảo, các tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y, tùy lúc tùy thời hiện hành khởi lên. Này Udayi, niệm khởi lên chậm chạp và vị này đoạn trừ niệm ấy một cách mau chóng, từ bỏ, chấm dứt, tiêu diệt (niệm ấy). Này Udayi, ví như một người nhỏ hai hay ba giọt nước vào một ấm nước đun sôi cả ngày. Này Udayi giọt nước rơi một cách chậm chạp như bị tiêu diệt, tiêu mất một cách mau chóng. Cũng vậy, này Udayi, có người sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y. Nhưng trong khi vị này sống hướng đến sự đoạn trừ sanh y, sự từ bỏ sanh y, các tư niệm điên đảo, các tư niệm, tư duy liên hệ đến sanh y tùy lúc, tùy thời, hiện hành khởi lên. Này Udayi, niệm khởi lên chậm chạp và vị này đoạn trừ niệm ấy một cách mau chóng, từ bỏ, chấm dứt, tiêu diệt (niệm ấy). Này Udayi, Ta nói: “Người này cũng bị trói buộc, không phải không bị trói buộc”. Vì sao vậy? Này Udayi, sự sai biệt về căn tánh trong người này đã được Ta biết rõ.

Nhưng ở đây, này Udayi, có người nghĩ rằng: “Sanh y là nguồn gốc của đau khổ”, sau khi biết như vậy, vị ấy thành vô sanh y, giải thoát với sự đoạn diệt sanh y. Này Udayi, Ta nói: “Người này không bị trói buộc, không phải bị trói buộc”. Vì sao vậy? Này Udayi, sự sai biệt về căn tánh trong người này đã được Ta biết rõ.

Này Udayi, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Tiếng do tai nhận thức,… hương do mũi nhận thức,… vị do lưỡi nhận thức,… xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Những pháp này, này Udayi, là năm dục trưởng dưỡng.

Này Udayi, phàm có lạc gì, hỷ gì khởi lên, do duyên năm dục trưởng dưỡng này, lạc hỷ ấy được gọi là dục lạc, ô uế lạc, phàm phu lạc, phi Thánh lạc, không nên thực hiện, không nên tu tập, không nên làm cho sung mãn. Ta nói rằng lạc ấy đáng phải sợ hãi.

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh.

Như vậy được gọi là yếm ly lạc, độc trú lạc, tịch tịnh lạc, chánh giác lạc, cần phải thực hiện, cần phải tu tập, cần làm cho sung mãn. Ta nói rằng lạc ấy không đáng sợ hãi.

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất. Thiền này, này Udayi, Ta nói rằng ở trong tình trạng dao động. Và ở đây, cái gì dao động? Ở đây, chính là tầm tứ chưa đoạn diệt, chính tầm tứ này ở trong tình trạng dao động.

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai. Các Thiền này, này Udayi, Ta nói rằng ở trong tình trạng dao động. Và ở đây, cái gì dao động? Ở đây chính là hỷ lạc chưa được đoạn diệt, chính hỷ lạc này ở trong tình trạng dao động.

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả… chứng và trú Thiền thứ ba. Thiền này, này Udayi, Ta nói ở trong tình trạng dao động. Và ở đây, cái gì dao động? Ở đây, chính là xả lạc chưa được đoạn diệt, chính xả lạc này ở trong tình trạng dao động.

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ… chứng và trú Thiền thứ tư. Thiền này, này Udayi, Ta nói là không ở trong tình trạng dao động.

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất. Thiền này, này Udayi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi” và này Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ… chứng và trú Thiền thứ hai, đây là điều vị ấy cần vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này, Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả… chứng và trú Thiền thứ ba, đây là điều vị ấy cần vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ… chứng và trú Thiền thứ tư. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi” Và này Udayi, vị ấy cần phải vượt qua cái gì?

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua, Thiền này, này Udayi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Thiền này, này Udayi, Ta nói: “Chưa được hoàn toàn”, Ta nói: “Hãy từ bỏ đi”, Ta nói: “Hãy vượt qua đi”. Và này Udayi, vị ấy cần vượt qua cái gì?

Ở đây, này Udayi, Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng. Ðây là điều vị ấy cần phải vượt qua. Chính vì định này, này Udayi, mà Ta nói sự đoạn diệt của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này Udayi, Ông có thấy chăng, có kiết sử gì, nhỏ hay lớn mà Ta chưa nói đến sự đoạn diệt?

— Bạch Thế Tôn, không.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Udayi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn giảng.

 

Source link

Phần lược giải

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 66
Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy
(Latukikopamasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 
(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH VÍ DỤ CON CHIM CÁY

1. Tôn giả Udàỳi là vị buổi đầu không giữ được Học giới ăn mỗi ngày một bữa ngọ, về sau giữ gìn và tinh tấn hành phạm hạnh. Tôn giả là người tự thân chứng nghiệm sự nguy hiểm của việc không giữ gìn Học giới ấy, và sự lợi ích của việc giữ gìn Học giới. Cho đến lúc nầy tôn giả mới thật sự vô cùng cảm khái lòng từ bi và sự quan tâm của Thế Tôn đến hạnh phúc giải thoát của các đệ tử trong việc chế định các Học giới, đã bật ra lời cảm thán:

” Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta. “

2. Sự vi phạm Học giới ăn mỗi ngày một bữa ngọ, theo cảm nhận của tôn giả Udàyì là do các lý do nầy:

– Thói quen cũ của đời sống gia đình là ăn nhiều bữa mỗi ngày. Nhất thời từ bỏ thói quen đó là khó khăn về mặt tâm lý và cả vật lý.

– Thực tế đơn giản rằng: thức ăn ngon (thượng vị) và bổ dưỡng đem lại cảm giác dễ chịu hơn, vui thích hơn; thức ăn nầy thì thường do các gia chủ sửa soạn cho bữa tối, và một phần ít hơn cho bữa sáng (mà không phải bữa trưa) vì ban ngày bận bịu công việc sinh kế: khất thực để độ ngọ vì thế rơi vào khoảng thời gian hiếm có thức ăn ngon, chỉ trừ trường hợp các gia chủ chuẩn bị trước để ” để bát “.

– Nhưng đi khất thực buổi tối (từ nhá nhem tối cho đến gần giữa đêm) thì lại vấp vào một số cảnh tình nguy hiểm:

* Đường sá thời ấy thiếu ánh đèn, tối tăm dễ bị rơi vào hàng rào gai, hầm hố, thú vật; dễ chạm mặt các đạo tặc…

* Tạo sự sợ hãi, hoảng loạn cho các gia chủ…

* Gặp các cô gái, phụ nữ “ăn sương” mời mọc chuyện “thế tục”… và các cảnh “thế tục” tương tự.

* Tư cách giữ giới phạm hạnh dễ bị nghi ngờ, hoen ố…

* Bị các gia chủ xấu miệng nguyền rủa…

3. Thế Tôn dạy thêm:

– Thế Tôn giữ giới “ăn bữa ngọ” thì một số Tỷ kheo bực bội, oán trách sự nghiêm khắc của Thế Tôn, cho rằng đấy là chuyện tiểu tiết, nhỏ nhặt…

– Một số Tỷ kheo bị thói ăn ngon và ăn nhiều bữa trong ngày bị ràng buộc nhẹ, vừa phải thì có thể vì sự tôn trọng Thế Tôn mà vượt qua được các khó khăn của tự thân.

– Một số bị thói quen ở đời ràng buộc quá nặng, không thể vượt qua, không thể thực hành Học giới, không thể chế ngự lòng dục…

– Một số Tỷ kheo thì dễ dàng vượt qua thói quen, ham thích nếp sống phạm hạnh, “độ ngọ “, cảm nhận được cái thanh thản nhẹ nhàng của nếp sống phạm hạnh ấy. Những vị nầy có thể từ bỏ tất cả của cải lớn, ngũ dục lạc sung mãn ở đời…

4. Thế Tôn chế định Học giới là chuẩn bị kỷ hành trang để chế ngự “ngũ dục lạc”, đi vào ” Hiện tại lạc trú ” và ” Tịch tịnh trú “. Từ bỏ thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, hưởng thụ các lạc thú ở đời chỉ là bước đi nhỏ khởi đầu. Các Tỷ kheo còn được Thế Tôn quan tâm nhắc nhở đến các ” bước đi từ bỏ” quan trọng hơn tiếp theo như:

– Từ bỏ tầm, tứ…

– Từ bỏ hỷ…

– Từ bỏ lạc…

– Từ bỏ sắc tưởng…

– Từ bỏ lạc của Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ để chứng đắc và an trú vào Diệt thọ tưởng định, thành tựu mục tiêu cứu cánh phạm hạnh…

III. BÀN THÊM

1. Kinh 65 đã đề cập đến Học giới chỉ ăn một lần mỗi ngày. Kinh 66 nói rõ thêm các lý do của sự ăn đêm, ăn nhiều bữa sẽ đem lại các nguy hiểm, các chướng duyên cho sự phát triển tâm lý giải thoát. Đừng xem đấy là Học giới tiểu tiết nhỏ nhặt. Đừng hiểu rằng Học giới được chế định mang tính cách hà khắc.

2. Truyền thống phạm hạnh, ngay đến các Thánh Hữu học cũng sống trong khuôn khổ chung của đời sống một Tỷ kheo,tỉnh giác an trú trong giới bổn Ba- la-đề-mộc-xoa và sợ hãi các lỗi nhỏ nhặt. Pháp giải thoát là như thế, vị Tỷ kheo của thời đại ngày nay cần chiêm nghiệm kỹ kinh 65 và 66, đừng sa đà vào các ý niệm “to lớn” mà lãng quên việc thực hiện các Học giới rất cần thiết, rất thiết thực.

3. Tại kinh 66, đức Thế Tôn xuất hiện trong hình ảnh một Tỷ kheo khất thực hằng ngày, ở các trú xứ vắng lặng của núi, rừng, rất giản dị: hình ảnh đó của Ngài là một bài học rất giá trị cần được người đời nay chiêm nghiệm sâu sắc: ý nghĩa truyền thống về “đạo”, về “giải thoát” có mặt ở đó: đấng Toàn giác, đấng Đại trí tuệ, đấng thấy rõ sự thật của tất cả, đấng đã thương tưởng đời, thương tưởng các đệ tử sống như thế và mong các đệ tử sống như thế.

4. Sự quan tâm lớn nhất, đầu tiên và sau cùng của Ngài là đoạn trừ tất cả kiết sử nhỏ hay lớn: đó là từ bỏ hẳn ngũ dục lạc, lạc Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền Sắc giới, lạc của bốn thiền Vô sắc giới. Tất cả thứ lạc ấy là kiết sử, là hữu vi, vô thường, không thật, che khuất mục tiêu tối hậu của phạm hạnh: trí tuệ toàn giác: tâm giải thoát và tuệ giải thoát: thân giải thoát và Pháp thân.

Đây là đối tượng mà trong suốt vô lượng kiếp đệ tử của Ngài cúi đầu, trong suốt vô lượng kiếp Ngài và đệ tử của Ngài từ bỏ tất cả vô lượng ” ngai báu “, với tất cả ý nghĩa đen, bóng của từ ” ngai báu ” để vì hạnh phúc an lạc của tất cả.

Tất cả ý nghĩa trên đã được bao hàm trong kinh “ví dụ con chim cáy”.

Video giảng giải

.

Toát yếu Kinh Trung Bộ

Ni sư Thích Nữ Trí Hải tóm tắt & chú giải

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 66

Ví dụ con chim cáy

I. TOÁT YẾU

Latukilopama Sutta - The Simile of the Quail.

The Buddha drives home the importance of abandoning all fetters, no matter how harmless and trifling they may seem.

Ví dụ con chim cáy.

Phật cho thấy sự quan trọng của việc từ bỏ mọi kết sử, dù chúng có thể mang vẻ vô hại, không đáng kể.

II. TÓM TẮT

Tôn giả Ưu đà di bạch Phật: "Thế tôn đã đoạn trừ nhiều khổ, mang lại nhiều thiện pháp khi chế giới từ bỏ ăn phi thời." Tôn giả đến bạch Phật, lúc mới nghe Phật dạy nên từ bỏ ăn phi thời ban ngày [1] ông rất buồn, khi nghĩ đến chuyện từ nay không được ăn những đồ ngon người ta cúng không đúng giờ ăn. Nhưng vì kính mộ Phật và vì tàm quý, ông đã từ bỏ ăn phi thời ban ngày; chỉ ăn chiều và sáng.

Nhưng khi Phật dạy từ bỏ ăn phi thời ban đêm, lúc đầu tôn giả cũng rất buồn như trên, nhưng vẫn từ bỏ vì ngưỡng mộ Phật và có tàm quý. Nhờ từ bỏ ăn phi thời ban đêm, tỳ kheo tránh được nhiều phiền não của sự khất thực về đêm, như bị té xuống vũng nước bẩn, bị phụ nữ bất chính quyến rủ, và riêng Tôn giả nhớ một lần khất thực ban đêm bị một phụ nữ mắng nhiếc tàn tệ. Bà đột nhiên trông thấy tôn giả xuất hiện trong bóng tối thì hoảng hốt té xỉu vì tưởng là con quỷ. Khi tôn giả nói không phải quỷ, mà tỷ kheo đến khất thực, bà liền mắng: "Vậy thì cha tỳ kheo chết đi, mẹ tỳ kheo chết đi [2]." Quả thực khi chế giới không ăn phi thời, Thế tôn đã đoạn trừ nhiều khổ, mang lại nhiều an vui.

Phật dạy tuy thế, có những người khi nghe Phật chế giới lại phàn nàn: Sa môn này quá đặt nặng sự cấm đoán, đoạn giảm. Sá gì những tiểu tiết nhỏ mọn ấy. Họ không chịu từ bỏ, bất mãn chống lại Phật và những tỳ kheo muốn thực hành học giới. Sự việc ấy trở thành một trói buộc mạnh mẽ vững chắc đối với họ. Ví như một con chim cáy nhỏ có thể chết vì vướng lưới làm bằng dây leo mong manh; không thể nói cái lưới ấy không nguy hiểm. Cũng vậy, khi tỳ kheo chống lại Phật và tăng chúng vì một học giới mà họ cho là nhỏ nhặt, thì việc ấy trở thành trọng đại vì lương tâm họ không an ổn. Ngược lại, người hoan hỉ từ bỏ khi Phật dạy từ bỏ điều gì, thì sống với tâm tư lắng dịu. Như vậy đối với họ, giới ấy không trở thành một trói buộc; ví như con voi lớn dù bị trói bằng dây da, chỉ cần chuyển thân là có thể cắt đứt.

Như có người sống đời khốn cùng với bà vợ xấu xí, ở cái chòi nát, giường nằm sút chân, chum gạo sứt mẻ, thèm muốn sự an lạc của hạnh sa môn, muốn cạo bỏ râu tóc đắp cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình. Nghĩ vậy nhưng anh ta không thể từ bỏ cái chòi mục nát, cái chum đựng gạo sứt mẻ, cái giường sút chân, và bà vợ lem luốc. Những thứ này trở thành một trói buộc vững chắc đối với anh ta. Như thế là chuyện bé thành to. Ngược lại có người con nhà giàu có, tài sản lớn, nhiều tiền lắm của, kho lẫm tràn trề, ruộng vườn chất đống, thê thiếp chất đống, tôi tớ chất đống. Khi thấy một tỳ kheo ăn xong ngồi thiền, vị ấy nghĩ an lạc thay sa môn hạnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc đắp y cà sa, thoát ly gia đình, sống không gia đình. Vị ấy sau khi xuất gia có thể từ bỏ ruộng vườn cò bay thẳng cánh, vô số vàng bạc, thê thiếp, tôi tớ… Những thứ này đối với vị ấy không thành một trói buộc vững chắc. Như thế là chuyện to thành bé.

Trên đời có bốn hạng [3] người sống hướng đến sự từ bỏ sinh y [4]:

1. Khi những tư duy liên hệ đến sinh y khởi lên, vị ấy không trừ đoạn, mà vẫn chấp nhận chúng. Hạng này còn bị trói buộc.

2. Khi những tư duy liên hệ đến sinh y khởi lên, vị ấy không chấp nhận chúng, mà cố đoạn trừ, chấm dứt. Hạng này vẫn còn bị trói buộc [5].

3. Do thất niệm, thỉnh thoảng tư tưởng liên hệ sinh y khởi lên nhưng liền được trừ khử [6], như hai ba giọt nước nhỏ vào một ấm nước đun sôi cả ngày, giọt nước rơi chậm nhưng bị hòa tan một cách mau chóng. Hạng người này cũng còn bị trói buộc.

4. Nghĩ rằng sinh y là nguồn gốc của đau khổ, nên giải thoát khỏi sanh y. Ðây là người không bị trói buộc [7].

Có năm dục trưởng dưỡng là sắc thanh hương vị xúc dễ chịu, hấp dẫn, do giác quan nhận thức. Bất cứ hỉ lạc nào do năm lạc, lạc ấy đáng sợ hãi, không nên thực hiện, không nên làm cho sung mãn.

Lạc thiền định gọi là yếm ly lạctịch tịnh lạcchánh giác lạc [8] , độc trú lạc, lạc ấy cần phải thực hiện, tu tập, làm cho sung mãn. Lạc ấy không đáng sợ hãi, nhưng cần vượt qua, không nên bám víu. Vị tỳ kheo hoàn toàn ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với hỉ lạc do ly dục sinh. Thiền này còn giao động [9] vì tầm tứ, nên phải vượt qua [10] để chứng nhị thiền không tầm tứ. Nhị thiền còn dao động với hỷ lạc. Tam thiền dao động vì xả lạc. Tứ thiền không giao động, nhưng vẫn còn phải vượt qua chướng ngại tưởng, để chứng và vượt qua Không vô biên xứ, cho đến chứng và vượt Phi tưởng phi phi tưởng xứ để đạt Diệt thọ tưởng định [11].

Như vậy, không có sự trói buộc hay bám víu nào, dù rõ rệt như dục lạc hay tinh vi như thiền lạc, mà Phật không dạy cần phải vượt qua, từ bỏ.

III. CHÚ GIẢI

1. Từ đoạn này và đoạn sau, ta thấy Phật hai lần hạn chế giờ ăn của các tỳ kheo: lúc đầu cấm ăn chiều nhưng cho phép ăn tối. Tuy nhiên, duyên khởi của học giới ba dật đề 37 không nói vậy. Ngược lại luật dường như khẳng định chuyện đương nhiên ai cũng biết là quá ngọ tỳ kheo không nên ăn, và Phật chế luật cấm tất cả bữa ăn quá ngọ.

2. Lời này hoàn toàn là ngôn ngữ thông tục. Luận giải thích: Khi cha mẹ người ta còn sống, họ sẽ cho con mình đủ thứ đồ ăn và chỗ ngủ, chứ không để cho y phải đi lang thang tìm đồ ăn vào ban đêm.

3. Phật giảng giáo lý này để phân tích hạng người từ bỏ những gì được dạy phải từ bỏ, thành ra 4 hạng khác nhau.

4. Sinh yupadhi có 4 loại: Uẩn sinh y khandh’upadhi; phiền não sinh y kiles’ upadhi; thắng hành sinh y abhisankhàr’upadhi, và dục tăng trưởng sinh y kàmagun’upadhi.

5. Phàm phuDự lưuNhất laivà Bất hoànđều có thể bao gồm dưới hạng người thứ nhất. Bậc Bất hoàn vì còn khát ái đối với hữu nên thỉnh thoảng cũng có thể hoan hỷ trong những tư tưởng hưởng lạc. Bốn vị này có thể bao gồm trong hạng thứ hai, phàm phu nhờ đạt đến đạo lộ siêu thế cũng có thể dập tắt những ô nhiễm đã khởi, khơi dậy sự tinh tấn, phát triển tuệ và đoạn trừ phiền não.

6. Hạng này phân biệt với hạng trước chỉ do sự lừ đừ trong việc khơi dậy chính niệm để từ bỏ những ô nhiễm đã sinh khởi.

7. Ðây là bậc A la Hán, người duy nhất đã tận trừ tất cả kiết sử.

8. Lạc, Sukha ở đây có nghĩa hạnh phúc hơn là khoái lạc. Luận giải thiền lạc gọi là ly dục lạc, vì từ bỏ các khoái lạc giác quan; là viễn ly lạc vì đem lại hạnh phúc của đời sống độc cư xa lánh đám đông và xa lìa ô nhiễm; là tịnh chí lạc vì thiền lạc là để tịnh chỉ các ô nhiễm; là tuệ lạc vì nó có mục đích đạt đến chứng ngộ. Vì các thiền chứng dĩ nhiên chưa phải là trạng thái giác ngộ.

9. Tất cả các trạng thái tâm ở dưới thiền thứ 4 đều được xếp vào loại tâm giao động. Trạng thái tâm ở thiền thứ 4 và cao hơn được gọi là bất động.

10. Thật không nên bám víu vào nó với tâm tham ái, và cũng không nên dừng lại ở điểm này.

11. Ðịnh diệt thọ tưởng không chỉ là 1 định chứng cao nhất trên nấc thang giá trị, mà ở đây còn bao hàm sự phát triển hoàn toàn tuệ quán đưa đến tột đỉnh là quả vị A la Hán.

IV. PHÁP SỐ

Bốn thiền, bốn không, bốn hạng người xuất gia hướng đến từ bỏ sanh y.

Năm dục tăng trưởng, năm thiền chi..

V. KỆ TỤNG

Tôn giả Ưu đà di
- Khi độc tọa tư duy
Nghĩ nhờ thâm ân Phật
Thoát khổ n
ão ưu bi.
Nhờ Ngài đã chế giới
Từ bỏ ăn phi thời
Khỏi bao nhi
êu phiền não
Nhớ lại vẫn còn đau.
Phật dạy mặc d
ù vậy
Vẫn có người phàn nàn:
Sá gì việc nhỏ ấy
Thế tôn cũng cấm ngăn.
Họ không chịu nghe theo
Bất m
ãn chống lại giới
Sự việc ấy trở thành
Một trói buộc lớn lao
Ví như con chim cáy
Khinh thường lưới dây leo
Bị sa lưới mà chết
Dây mảnh không nguy sao?
Khi chống Phật và tăng
V
ì một học giới nhỏ
Việc trở thành trọng đại
V
ì lương tâm bất an
Nếu hoan hỉ từ bỏ
Ðiều Phật dạy từ bỏ
Thì tâm tư lắng dịu
Không có điều âu lo
Như với con voi lớn
Bị trói bằng dây da
Cũng không th
ành chướng ngại
Chuyển thân là thoát ra.
Có người sống cùng bần
Với vợ kém dung nhan
Với cái chòi rách nát,
Và giường ghế sút chân,
Với chum gạo sứt mẻ
Thấy sa môn nhàn nhã
Cũng muốn cạo râu tóc
Sống đời sống xuất gia.
Nhưng anh không bỏ được
Cái b
à vợ lem luốc
Cái chum gạo sứt mẻ,
Chòi nát, giường sút chân.
Như vậy những thứ này
Thành trói buộc vững chắc
Chuyện bé trở thành to
Với người còn vướng mắc.
Ngược lại cũng có người
Xuất thân nhà giàu có,
Nhiều ruộng vườn của cải
Thê thiếp cùng kẻ hầu
Khi trông thấy tỳ kheo
Ăn xong lại ngồi thiền,
Th
èm muốn sa môn hạnh
Cạo bỏ râu tóc liền
Từ bỏ trong phút chốc
Nhà cửa cùng ruộng vườn
Thê thiếp cùng tôi tớ
Không một chút vấn vương
Có đến bốn hạng người
Sống hướng về từ bỏ :
Hạng một c
òn chấp nhận
Tư duy liên hệ dục;
Hạng hai không chấp nhận
Khi tư tưởng khởi lên
Liên hệ đến thế tục
Liền từ bỏ, chấm dứt
Lại có kẻ thuần thục
Trong việc đoạn tư duy
Nhưng tư duy thế tục
Vẫn thỉnh thoảng khởi l
ên.
Khởi lên thì chậm chạp
Ðoạn trừ rất mau chóng,
Như hai ba giọt nước
Tan vào ấm nước sôi.
Cả ba hạng vừa rồi
Ðều chưa khỏi trói buộc.
Chỉ có một hạng người
Giải thoát khỏi sinh y
Là kẻ luôn nghĩ rằng
Ðây là nguồn gốc khổ,
Những sinh y trói buộc :
Người này được giải thoát.
Có năm dục trưởng dưỡng
Sắc thanh hương vị xúc
Hấp dẫn các giác quan

Ðược gọi là dục lạc
Lạc này là ô uế
Còn gọi phi thánh lạc
Lạc ấy đáng sợ hãi,
Không nên làm sung mãn.
Lạc ở trong thiền định
L
à yếm lytịch tịnh,
Chánh giácđộc trú lạc,
Cần thực hiện luôn luôn.
Hỉ lạc ở sơ thiền
Cho đến lạc tam thiền
Ðều còn bị giao động
Cần phải được vượt qua
Hướng về sự tịch tịnh
Vượt qua Phi phi tưởng
Cho đến Diệt tận định
Mới tận diệt sầu ưu.
Vậy n
ày Udayi
Còn có trói buộc gì
Dù lớn lao nhỏ nhặt
Ta chưa bảo bỏ đi?

-ooOoo-

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications