Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Kinh Trung Bộ 58.Kinh Vương Tử Vô Úy (Abhayarājakumāra sutta)
(P. Abhayarājakumārasuttaṃ, H. 無畏王子經).59 Đại diện đạo Lõa thể, Vương tử Vô Úy gài bẫy đức Phật phải trả lời “có” hoặc “không” hầu bắt bí Ngài. Đức Phật dạy kỹ năng tháo mở móc câu trong cổ, và khẳng định rằng Ngài thuyết pháp, truyền thông và đối đáp đều mang tính chân lý, hướng đến mục đích cao quý, bất luận người nghe có thích hay không thích.
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:188

Các tên gọi khác

(P. Abhayarājakumārasuttaṃ, H. 無畏王子經).59 Đại diện đạo Lõa thể, Vương tử Vô Úy gài bẫy đức Phật phải trả lời “có” hoặc “không” hầu bắt bí Ngài. Đức Phật dạy kỹ năng tháo mở móc câu trong cổ, và khẳng định rằng Ngài thuyết pháp, truyền thông và đối đáp đều mang tính chân lý, hướng đến mục đích cao quý, bất luận người nghe có thích hay không thích.
Kinh Trung Bộ 58.Kinh Vương Tử Vô Úy (Abhayarājakumāra sutta)

 

Kinh Vương Tử Vô úy –  Kinh Abhaya

(Abhayarājakumāra sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


    

(Download file MP3 – 2.12 MB – Thời gian phát: 12 phút 22 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), Kalandakanivapa (chỗ nuôi các con sóc).

Rồi Vương tử Abhaya (Vô Úy) đi đến Nigantha Nataputta, sau khi đến đảnh lễ Nigantha Nataputta rồi ngồi xuống một bên. Nigantha Nataputta nói với Vương tử Abhaya đang ngồi một bên:

— Này Vương tử, Vương tử hãy đi đến luận chiến với Sa-môn Gotama, và nhờ vậy tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi cho Vương tử: “Sa-môn Gotama có thần lực như vậy, có uy lực như vậy, đã bị Vương tử Abhaya luận chiến”.

— Thưa Tôn giả, làm thế nào con có thể luận chiến Sa-môn Gotama có thần lực như vậy, có uy lực như vậy?

— Này Vương tử, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nói với Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nói với Sa-môn Gotama như sau: “Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích chăng?” Nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy thời có gì sai khác giữa kẻ phàm phu và Ngài? Kẻ phàm phu có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”. Còn nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai không có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy, thời vì sao Devadatta được Ngài trả lời như sau: ‘Devadatta phải đọa vào đọa xứ, Devadatta phải đọa vào địa ngục, Devadatta phải đọa trong một kiếp, Devadatta không thể nào cứu chữa được?’ Và do Ngài nói những lời như vậy, Devadatta phẫn nộ, không hoan hỷ”. Này Vương tử, Sa-môn Gotama khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào. Ví như một móc sắt bị móc vào cổ họng một người nào, người ấy không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào được. Cũng vậy, này Vương tử, Sa-môn Gotama khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào.

— Thưa vâng, Tôn giả.

Vương tử Abhaya vâng đáp Nigantha Nataputta, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Nigantha Nataputta, thân bên hữu hướng về ông rồi đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, liền đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Vương tử Abhaya đang ngồi một bên, nhìn mặt trời rồi suy nghĩ: “Hôm nay, không phải thời để luận chiến với Sa-môn Gotama. Ngày mai, ta sẽ luận chiến với Sa-môn Gotama tại nhà của ta,” liền bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, ngày mai mong Thế Tôn nhận lời dùng cơm, cùng ba Tỷ-kheo khác với Ngài là người thứ tư.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Vương tử Abhaya, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm theo y bát, đi đến chỗ của Vương tử Abhaya, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Vương tử Abhaya tự tay mời mọc, làm cho Thế Tôn thỏa mãn với những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Vương tử Abhaya chờ cho Thế Tôn sau khi đã dùng xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi một bên, Vương tử Abhaya bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói những lời, do những lời ấy người khác không ưa, không thích chăng?

— Này Vương tử, phải chăng ở đây, (câu hỏi) có dụng ý một chiều?

— Bạch Thế Tôn, các vị Nigantha đã bị bại ở đây rồi.

— Này Vương tử, vì sao Vương tử lại nói như vầy: “Bạch Thế Tôn, các vị Nigantha đã bị bại ở đây rồi”?

— Bạch Thế Tôn, ở đây, con đi đến Nigantha Nataputta, sau khi đến con đảnh lễ Nigantha Nataputta rồi ngồi xuống một bên. Bạch Thế Tôn, Nigantha Nataputta nói với con đang ngồi một bên: “Này Vương tử, Vương tử hãy đi đến luận chiến với Sa-môn Gotama, và nhờ vậy tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi cho Vương tử: “Sa-môn Gotama có thần lực như vậy, có uy lực như vậy, đã bị Vương tử Abhaya luận chiến”. Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, con thưa với Nigantha Nataputta: “Thưa Tôn giả, nhưng làm thế nào, tôi có thể luận chiến với Sa-môn Gotama, một vị có thần lực như vậy, có uy lực như vậy?” -“Này Vương tử, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nói với Sa-môn Gotama như sau: “Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích chăng?” Nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy, thời có gì sai khác giữa kẻ phàm phu với Ngài? Kẻ phàm phu có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích”. Còn nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai không có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy, thời vì sao Devadatta được Ngài trả lời như sau: Devadatta phải đọa vào đọa xứ, Devadatta phải đọa vào địa ngục, Devadatta phải đọa trong một kiếp, Devadatta không thể nào cứu chữa được? Và vì Ngài nói những lời như vậy, Devadatta phẫn nộ, không hoan hỷ”. Này Vương tử, Sa-môn Gotama, khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không thể nhả ra, cũng không thể nuốt vào. Ví như một móc sắt bị mắc vào cổ họng của một người nào, người ấy không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào được. Cũng vậy, này Vương tử, Sa-môn Gotama, khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào”.

Lúc bấy giờ, có đứa con nít ngây thơ nằm giữa trên đầu gối của Vương tử Abhaya. Rồi Thế Tôn nói với Vương tử Abhaya:

— Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu đứa con nít này, do sự vô ý của Vương tử, hay do sự vô ý của người vú hầu, thọc một cái que hay nuốt một hòn đá vào trong miệng, vậy Vương tử phải làm gì?

— Bạch Thế Tôn, con phải móc cho ra. Bạch Thế Tôn, nếu con không thể móc ra lập tức, thời với tay trái con nắm đầu nó lại, với tay mặt lấy ngón tay làm như cái móc, con sẽ móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì con có lòng thương tưởng đứa trẻ.

— Cũng vậy, này Vương tử, lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy. Vì sao vậy? Này Vương tử, Như Lai có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình.

— Bạch Thế Tôn, những Sát-đế-lị có trí, những Bà-la-môn có trí, những Gia chủ có trí, những Sa-môn có trí này, sau khi soạn sẵn câu hỏi, đến Như Lai và hỏi: “Bạch Thế Tôn, không hiểu Thế Tôn có suy nghĩ trước trong trí như sau: “Nếu có những ai đến Ta và hỏi như vậy, được hỏi như vậy, Ta sẽ trả lời như vậy”, hay Như Lai trả lời ngay (tại chỗ)?”

— Này Vương tử, nay ở đây Ta sẽ hỏi Vương tử, nếu Vương tử hoan hỷ, hãy trả lời câu hỏi ấy. Này Vương tử, Vương tử nghĩ như thế nào? Vương tử có giỏi về các bộ phận sai biệt một cái xe không?

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con có giỏi về các bộ phận sai biệt một cái xe.

— Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu có những người đến Vương tử và hỏi như sau: “Bộ phận này của cái xe tên gọi là gì?”, không hiểu Vương Tử có suy nghĩ trước trong trí như sau: “Nếu có những ai đến ta, và hỏi ta như vậy, ta sẽ trả lời cho họ như vậy”, hay là Vương tử trả lời ngay (tại chỗ)?

— Bạch Thế Tôn, vì con là người đánh xe nổi tiếng, rất giỏi về các bộ phận sai biệt trong một cái xe nên con sẽ trả lời ngay (tại chỗ).

— Cũng vậy, này Vương tử, những Sát-đế-lỵ có trí, những Bà-la-môn có trí, những Gia chủ có trí, những Sa-môn có trí này, sau khi soạn sẵn câu hỏi, đến Như Lai và hỏi, Như Lai sẽ trả lời ngay (tại chỗ). Vì sao vậy? Này Vương tử, pháp giới (Dhammadhatu) đã được Như Lai khéo biết. Và vì Như Lai khéo biết pháp giới nên Như Lai trả lời ngay (tại chỗ).

Khi được nói vậy, Vương tử Abhaya bạch Thế Tôn:

— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.



Source link

Phần chú giải

 

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 58
Kinh Abhaya
(Abbayaràjakumàrasuttam)
– Discourse To Prince Abhaya –

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ   

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH HOÀNG TỬ ABHAYA

1. Nigantha Nàtaputta, ngoại đạo Ni-kiền-tử, luôn có thái độ thù nghịch với Thế Tôn, bởi ảnh hưởng của Thế Tôn đã tỏa sáng như mặt trời, trong khi ảnh hưởng của Nàtaputta thu nhỏ lại như đom đóm. Các thức giả lần lượt đến với Thế Tôn và từ bỏ Nàtaputta. Sau nhiều lần xúi giục luận chiến với Thế Tôn thất bại, lần nầy Nàtaputta lại xúi Hoàng tử Abhaya đến tranh luận để bôi nhọ ảnh hưởng của Thế Tôn.

Làm sao có thể hại được đấng toàn giác?!

Câu hỏi Nàtaputta gài bẫy là: “Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa không thích chăng?

Cái bẫy là:

– Nếu câu trả lời: có các lời nói khiến người khác không ưa, thì Như Lai cũng chẳng khác người phàm.

– Nếu câu trả lời: Không có; thì tại sao Như Lai đã nói làm Devadatta phẫn nộ?

Biết rõ ác ý ấy, Thế Tôn đã thanh thản thuyết phục Abhaya bằng sự chân thật và đã thu phục Abhaya quy ngưỡng Ngài.

2. Đức Thế Tôn phân tích có sáu nội dung lời nói mà Thế Tôn có thái độ ứng xử khác nhau:

2.1. Lời phi thật, phi chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa: Thế Tôn không nói.

2.2. Lời phi thật, phi chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa: Thế Tôn không nói.

2.3. Lời nói như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa: Thế Tôn không nói.

2.4. Lời nói như thật, như chân, tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa: Như Lai biết giải thích lời nói ấy.

2.5. Lời nói như thật, như chân, tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa: Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy.

2.6. Lời nói như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa: Như Lai không nói.

III. BÀN THÊM

1. Trên đường mở đạo, đức Thế Tôn đã hứng chịu vô số khó khăn:

– Lúc Tăng già phát triển mạnh (có nhiều nghìn Tăng, Ni) thì sinh hoạt không dễ dàng: phải giải quyết nhiều vấn đề: ăn, ở, y phục, thuốc men, an cư kiết hạ…

– Nhiều tổ chức xã hội thù nghịch, tà giáo luôn luôn gây trở ngại, thách thức, vu khống…

– Nội bộ có nhiều vấn đề tương giao, thái độ và ý kiến bất đồng…

– Có nhiều trường hợp tu sĩ và cư sĩ ” nằm vùng ” để gây rối…

– Nigantha Nàtaputta là trường hợp điển hình.

2. Thành kiến, tà kiến và dục vọng của người đời quá mạnh như vùng lửa hừng, rất khó nhiếp phục. Đạo thì như là những gì luôn luôn đảo ngược các tập quán của đời, luôn đòi hỏi sự tinh cần, nỗ lực. Giáo hội Tăng già thì hầu như hoàn toàn vô sản, không dính líu đến quyền lực thế gian. Thời tiết các mùa của xứ Ấn thì nóng lạnh khe khắt…

Giữa quá nhiều khó khăn cả trong lẫn ngoài Giáo hội, Thế Tôn và các đại đệ tử của Ngài, vẫn trước sau bất động xử sự với lòng từ ái và toả sáng trí tuệ. Đây là một bài học kinh nghiệm rất lớn cho sự nghiệp truyền bá Phật giáo trong thời đại mới, kỷ nguyên mới: cực kỳ nhẫn nại, nhưng luôn luôn bám chặt chân lý và mục tiêu giải thoát khổ, như thái độ ứng xử của Thế Tôn nêu trên.

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-051-60.htm

 

Video giảng giải

 

.

Toát yếu Kinh Trung Bộ

Ni sư Thích Nữ Trí Hải tóm tắt & chú giải

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 58

Vô Úy vương tử

I. TOÁT YẾU

Abhayaràjakumàra Sutta - To Prince Abhaya.

The Jain leader, Nigantha Nàtaputta, teaches Prince Abhaya a "two-horned questions" with which he can refute the Buddha’s doctrine. The Buddha escapes the dilemma and explains what kind of speech he would and would not utter.

Nói cho Vô Úy vương tử.

Giáo chủ Ni kiền tử dạy cho Vô Úy vương tử một "câu hỏi hai móc" để có thể bài bác thuyết của Phật. Phật thoát khỏi ngõ bí và giải thích loại lời nào Ngài sẽ nói và loại nào không.

II. TÓM TẮT

Ni kiền tử bày cho vương tử Vô Úy [1] một câu hỏi hai móc [2] để đến chất vấn Phật: "Như lai có bao giờ nói một lời làm kẻ khác buồn không?" Nếu đáp có, thì khác gì phàm phu. Nếu đáp không, thì thành nói dối, vì Phật mới vừa nói Devadatta sẽ rơi vào đọa xứ, khiến cho Ðề bà rất phẫn nộ. Như vậy khi Cồ đàm bị hỏi câu này sẽ như nuốt phải một cái móc sắt, không thể nhả ra cũng không thể nuốt vào.

Vương tử theo lời, thỉnh Phật đến nhà thọ trai xong, hỏi như trên. Nào ngờ Phật hỏi lại ông: "Có phải ngươi chờ đợi Như lai trả lời có hoặc không chăng?"

Vương tử nói: "Bạch Thế tôn, Ni kiền tử đã bị bại ngay hiệp đầu."

Phật gạn hỏi, ông thú nhận Ni kiền tử chờ đợi Phật trả lời có hoặc không để phản bác, không dè gặp trường hợp này. Khi ấy Phật chỉ vào đứa bé trai đang được bế ngồi trên gối vương tử và hỏi ông ta:

"Giả sử người vú em sơ ý để đứa bé nuốt phải một cái móc sắt, ông sẽ làm sao?"

- Bạch Thế tôn, con sẽ lôi cái móc ấy ra, dù có phải làm cho đứa trẻ đau đớn, chảy máu miệng. Vì con rất thương đứa bé.

Khi ấy Phật dạy: "Như lai cũng vậy, vì thương xót hữu tình, Như Lai sẽ biết thời để nói cho chúng lời nói đúng sự thật, tương ứng với mục đích, dù lời ấy có thể làm họ ưa thích hay không." [3]

Khi ấy vương tử bạch Phật, trước khi đến chất vấn Phật, ngoại đạo phải họp nhau cân nhắc đủ thứ mới nghĩ ra được một câu hỏi; phải chăng Ngài cũng suy nghĩ trước và chuẩn bị sẵn những câu trả lời.

Phật hỏi ông: "Ông có rành về xe cộ không?" Vương tử đáp có, vì đó là sở trường của ông ta.

Phật hỏi, "Ông có cần phải suy nghĩ về những bộ phận xe để mỗi khi ai hỏi, có thể trả lời thông suốt?"

Vương tử cười lớn: "Dạ không, con quá rành về xe nên ai hỏi là đáp ngay, khỏi cần chuẩn bị gì ráo."

Phật dạy Như lai cũng vậy, đã liễu tri pháp giới [4] nên không cần phải suy nghĩ rồi mới trả lời.

Vương tử Vô úy ca tụng Phật và xin quy y.

III. CHÚ GIẢI

1. Vô Úy vương tử là con trai vua Bimbisara ( Bình Sa ) xứ Ma Kiệt Ðà, nhưng không phải là người thừa kế ngai vàng.

2. Ni kiền tử bày ra 1 thế lưỡng nan vì dự định Phật sẽ đưa ra câu trả lời một chiều ( có hoặc không ).

Nhưng khi sự trả lời 1 chiều đã bị loại bỏ, ngõ bí đưa ra trở thành vô hiệu.

3. Phật không ngần ngại rầy la quở trách đệ tử khi Ngài thấy cách nói như vậy sẽ đem lại lợi ích cho họ.

4. Theo Luận giải, pháp giới là ám chỉ trí toàn tri của Phật. Ở đây không nên lầm lẫn pháp giới với danh từ pháp giới dùng để chỉ đối tượng của ý trong 18 giới, cũng không có ý nghĩa nguyên lý vũ trụ bao trùm khắp mọi sự trong Phật giáo đại thừa.

IV. PHÁP SỐ

Ba điều kiện Phật nói ra lời gì:

1. đúng sự thật; 2. đúng thời; 3. Tương ứng với mục đích ( nghĩa là, có nhắm đến một mục đích nào đó, ví dụ cảm hóa người nghe ). Người nghe có ưa thích hay không ưa thích, không thành vấn đề.

V. KỆ TỤNG

Vương tử Abhaya (Vô úy)
Ðến thăm Ni kiền tử
Vị n
ày bảo vương tử
Ðến chất vấn Thế tôn
Với câu hỏi hai móc
Trả lời không cũng kẹt
Nói  cũng không xong
Như lưỡi câu móc họng:
Như lai có bao giờ
Nói làm buồn kẻ khác
Nếu có, giống phàm phu
Nếu không, thành nói dối.
Vì chính Ngài vừa nói
Khiến Ðề Bà rất đau
Bị chất vấn như vậy
Như nuốt phải móc câu.
Vương tử theo lời thầy
Thỉnh Phật về thọ trai
Rồi lân la khẽ nói:
- Xin được hỏi Như lai
Như lai có bao giờ
Nói l
àm buồn kẻ khác?
"Có phải ngươi chờ đợi
Ta nói có hoặc không?"
Vương tử Vô Úy thưa
- Ni kiền tử đ
ã thua.
Khi Phật hỏi lý do
Ông ta bèn thuật lại.
Phật chỉ đứa hài nhi
Ngồi trên vế vương tử
"Ông sẽ phải làm gì
Khi nó nuốt lưỡi câu?"
Con sẽ móc họng nó
Dù phải làm nó đau
V
à chảy máu đầy miệng
V
ì lòng xót thương sâu.
"Như lai cũng thế ấy,
Vì thương xót người đời
V
à gặp lúc đúng thời
Sẽ nói lời chân thật,
Lời tương ứng mục ti
êu,
Dù chúng sinh ưa thích
Hoặc chúng không ưa thích
Vì tâm Phật xót thương."
- Bạch Phật, con vẫn thấy
Bà la môn có trí
Thường soạn sẵn câu hỏi
Ðể chất vấn Thế tôn.
Chẳng hay đức Thế tôn
Có thường ng
ày chuẩn bị
Nghĩ sẵn câu trả lời
Hay đáp ngay tại chỗ?
"N
ày vương tử, chẳng hay
Ông rành về xe cộ?"
- Quả vậy, bạch Thế tôn
Ðấy sở trường của con.
"Ông có thường suy nghĩ
Về những bộ phận xe
Ðể phòng khi ai hỏi
Sẽ trả lời cho nghe?"
- Dạ thưa không, bạch Phật
Con quá rành về xe
Nên ai hỏi đáp liền
Không cần g
ì suy nghĩ.
"Cũng thế, với Như lai
Ðã liễu tri pháp giới
Nên không cần nghĩ suy
Ðể trả lời câu hỏi."
- Vi diệu thay, Thế tôn
Như người dụng đứng lên
Những gì bị quăng ngã
Phơi bày cái che khuất,
Chỉ đường kẻ lạc hướng
Ðem đèn vào bóng tối
Cho những người có mắt
Có thể thấy hình sắc.
Cũng vậy, đức Thế tôn
Nay con xin quy y
Từ nay đến mạng chung
Con trọn đời quy ngưỡng.

-ooOoo-

© Nikaya Tâm Học 2024. All Rights Reserved. Designed by Nikaya Tâm Học

Giới thiệu

Nikaya Tâm Học là cuốn sổ tay internet cá nhân về Đức Phật, cuộc đời Đức Phật và những thứ liên quan đến cuộc đời của ngài. Sách chủ yếu là sưu tầm , sao chép các bài viết trên mạng , kinh điển Nikaya, A Hàm ... App Nikaya Tâm Học Android
Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

Tài liệu chia sẻ

  • Các bài kinh , sách được chia sẻ ở đây

Những cập nhật mới nhất

Urgent Notifications