Layout Options

Header Options

  • Choose Color Scheme

Sidebar Options

  • Choose Color Scheme

Main Content Options

  • Page Section Tabs
  • Light Color Schemes
Kinh Trung Bộ 65.Kinh Bhaddāli (Bhaddāli sutta)
(P. Bhaddālisuttaṃ, H. 跋陀利經) tương đương Bạt đà-hòa-lợi kinh.66 Nhân dịp nhắc nhở một Tăng sĩ ương ngạnh không giữ được giới “ăn một lần trước ngọ”, đức Phật khuyên mọi người phải tuân thủ giới hạnh thanh cao; không tránh né, không bất mãn, không chống đối khi được nhắc nhở; khi có tội và bị cử tội nên phát lồ sám hối, nỗ lực chuyển nghiệp; siêng tu thiền định, khai mở trí tuệ để chứng đắc các quả Thánh
Tìm kiếm nhanh
student dp

ID:195

Các tên gọi khác

(P. Bhaddālisuttaṃ, H. 跋陀利經) tương đương Bạt đà-hòa-lợi kinh.66 Nhân dịp nhắc nhở một Tăng sĩ ương ngạnh không giữ được giới “ăn một lần trước ngọ”, đức Phật khuyên mọi người phải tuân thủ giới hạnh thanh cao; không tránh né, không bất mãn, không chống đối khi được nhắc nhở; khi có tội và bị cử tội nên phát lồ sám hối, nỗ lực chuyển nghiệp; siêng tu thiền định, khai mở trí tuệ để chứng đắc các quả Thánh
Kinh Trung Bộ 65.Kinh Bhaddāli (Bhaddāli sutta)

 

Kinh Bhaddali

(Bhaddāli sutta)
Dịch giả: Thích Minh Châu


    

(Download file MP3 – 4.19 MB – Thời gian phát: 24 phút 25 giây.)
Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về [email protected] để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Font chữ:


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú tại Savatthi, Jetavana, tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. –“Bạch Thế Tôn”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

— Này các Tỷ-kheo, Ta ăn chỉ ngồi một lần (Ekasanabhojana). Này các Tỷ-kheo, do Ta ăn chỉ ngồi một lần, Ta cảm thấy ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, có sức và lạc trú. Này các Tỷ-kheo, hãy ăn chỉ ngồi một lần. Này các Tỷ-kheo, hãy ăn chỉ ngồi một lần, và các Ông sẽ cảm thấy ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, có sức và lạc trú.

Khi được nói vậy, Tôn giả Bhaddali bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, con không có thể ăn chỉ ngồi một lần. Bạch Thế Tôn, nếu con ăn chỉ ngồi một lần, thời con cảm thấy như là hối tiếc, như là hối hận.

— Vậy này Bhaddali, khi nào Ông được mời, hãy ăn tại chỗ một phần ăn, rồi đem về một phần ăn để ăn sau. Như vậy, này Bhaddali, Ông có thể ăn như vậy và sống qua ngày không?

— Như vậy, bạch Thế Tôn, con cũng không có thể ăn được. Bạch Thế Tôn, nếu con có ăn như vậy, con vẫn cảm thấy như là hối tiếc, như là hối hận.

Rồi Tôn giả Bhaddali, trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, tuyên bố sự bất lực (của mình). Rồi Tôn giả Bhaddali, trong ba tháng tròn, không diện kiến Thế Tôn vì không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư.

Sau một thời gian, một số đông Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn (Civarakamma) và nói rằng: “Sau khi làm y xong, sau ba tháng này, Thế Tôn sẽ du hành”. Rồi Tôn giả Bhaddali đến tại chỗ các vị Tỷ-kheo ấy, sau khi đến, nói lên với các Tỷ-kheo ấy những lời chào hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Những Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Bhaddali đang ngồi một bên:

— Này Hiền giả Bhaddali, tấm y này đang được làm cho Thế Tôn. Sau khi làm y xong, sau ba tháng này, Thế Tôn sẽ du hành. Này Hiền giả Bhaddali, hãy khéo tư niệm đến trường hợp đặc biệt này (Desakam). Chớ để về sau, lại càng khó khăn hơn cho Hiền giả.

— Thưa vâng, chư Hiền.

Tôn giả Bhaddali vâng đáp các Tỷ-kheo ấy, đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Bhaddali bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm để có thể phòng hộ trong tương lai.

— Này Bhaddali, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt Ông, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Như Lai chế định, Ông đã tuyên bố sự bất lực của Ông.

Này Bhaddali, trong thời ấy, Ông không ý thức được điều này: “Thế Tôn trú tại Savatthi, Thế Tôn sẽ biết ta như sau: “Tỷ-kheo tên Bhaddali không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư””. Này Bhaddali, trong thời ấy, Ông không ý thức được như vậy.

Này Bhaddali, trong thời ấy, Ông không ý thức được điều này: “Một số đông Tỷ-kheo đến an cư vào mùa mưa ở Savatthi. Các vị ấy sẽ biết ta như sau: “Tỷ-kheo tên Bhaddali không có thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư””. Này Bhaddali, trong thời ấy, Ông không ý thức được như vậy.

Này Bhaddali trong thời ấy, Ông không ý thức được điều này: “Một số đông Tỷ-kheo-ni đến an cư vào mùa mưa ở Savatthi. Các vị ấy sẽ biết ta như sau: “… (như trên)… một số đông nam cư sĩ trú ở Savatthi, sẽ biết ta như sau: … (như trên)… một số đông nữ cư sĩ trú ở Savatthi, sẽ biết ta như sau: “Tỷ-kheo tên Bhaddali không có thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư””. Này Bhaddali, trong thời ấy, Ông không ý thức được như vậy.

Này Bhaddali, trong thời ấy, Ông không ý thức được điều này: “Một số đông Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo đến an cư vào mùa mưa ở Savatthi. Các vị ấy sẽ biết ta như sau: “Tỷ-kheo tên Bhaddali là đệ tử của Sa-môn Gotama, một bậc Thượng tọa, không có thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư””. Này Bhaddali, trong thời ấy, Ông không ý thức được như vậy.

— Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm để có thể phòng hộ trong tương lai.

— Này Bhaddali, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt Ông, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Ta chế định, Ông đã tuyên bố sự bất lực của Ông.

Này Bhaddali, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có Tỷ-kheo câu phần giải thoát. Ta nói với vị ấy như sau: “Này Tỷ-kheo, hãy đến và tự làm cầu cho Ta qua khỏi đám bùn”. Vị ấy tự đến làm cầu, hay tránh né thân chỗ khác, hay nói: “Không”?

— Không phải vậy, bạch Thế Tôn.

— Này Bhaddali, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có vị Tỷ-kheo tuệ giải thoát… thân chứng… kiến chí… tín thắng giải… tùy pháp hành… tùy tín hành. Ta nói với vị ấy như sau: “Này Tỷ-kheo, hãy đến và tự làm cầu cho Ta qua khỏi đám bùn”. Vị ấy tự đến làm cầu, hay tránh né thân chỗ khác, hay nói: “Không”?

— Không phải vậy, bạch Thế Tôn.

— Này Bhaddali, Ông nghĩ thế nào? Này Bhaddali, trong thời gian ấy Ông có phải là câu phần giải thoát, hay huệ giải thoát hay thân chứng, hay kiến chí, hay tín thắng giải, hay tùy pháp hành, hay tùy tín hành?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Này Bhaddali, có phải trong thời gian ấy, Ông trống không, rỗng không, phạm lỗi?

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm, để có thể phòng hộ trong tương lai.

— Này Bhaddali, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt Ông, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Ta chế định, Ông đã tuyên bố sự bất lực của Ông. Này Bhaddali, nếu Ông sau khi thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, và như pháp phát lộ, chúng ta sẽ chấp nhận cho Ông. Vì rằng, này Bhaddali, như vậy là sự lớn mạnh trong giới luật của bậc Thánh, nghĩa là bất cứ ai, sau khi thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, phải như pháp phát lộ và phòng hộ trong tương lai.

Ở đây, này Bhaddali, có Tỷ-kheo không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp của bậc Ðạo Sư. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy sống tại một trú xứ xa vắng, khu rừng, gốc cây, sườn núi, chỗ hoang dã, hang núi, nghĩa địa, tùng lâm, ngoài trời, đống rơm. Và ta có thể chứng được thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh”. Vị ấy sống tại một trú xứ xa vắng, khu rừng, gốc cây, sườn núi, chỗ hoang dã, hang núi, nghĩa địa, tùng lâm, ngoài trời, đống rơm. Khi vị ấy sống viễn ly như vậy, bậc Ðạo Sư quở trách, các vị đồng Phạm hạnh có trí sau khi quán sát quở trách, chư Thiên quở trách, tự mình quở trách mình. Vị này bị bậc Ðạo Sư quở trách, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí sau khi quán sát quở trách, bị chư Thiên quở trách, bị tự mình quở trách mình, nên không chứng được thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Tại sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bahaddali, là vì vị ấy không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư.

Nhưng ở đây, này Bhaddali, có Tỷ-kheo thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy sống tại một trú xứ xa vắng, khu rừng, gốc cây, sườn núi, chỗ hoang dã, hang núi, nghĩa địa, tùng lâm, ngoài trời, đống rơm. Và ta có thể chứng được thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh”. Vị ấy sống tại một trú xứ xa vắng, khu rừng, gốc cây, sườn núi, chỗ hoang dã, hang núi, nghĩa địa, tùng lâm, ngoài trời, đống rơm. Khi vị ấy sống viễn ly như vậy, bậc Ðạo Sư không quở trách, các vị đồng Phạm hạnh có trí sau khi quán sát không quở trách, chư Thiên không quở trách, tự mình không quở trách mình. Vị này không bị bậc Ðạo Sư quở trách, không bị các đồng Phạm hạnh sau khi quán sát quở trách, không bị chư Thiên quở trách, không bị mình quở trách mình, nên chứng được thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Tại sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddali, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư.

Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddali, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư. Và lại nữa, này Bhaddali, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddali, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư. Và lại nữa này Bhaddali, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddali, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðại Sư. Và lại nữa, này Bhaddali, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddali, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời,…, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddali, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư. Vị ấy với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, dẫn tâm hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh là người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh… đều do hạnh nghiệp của họ? Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddali, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp của bậc Ðạo Sư.

Vị ấy với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Ðây là khổ”, … biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”…. …biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”.

Nhờ biết như vậy, như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, vị ấy khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddali, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư.

Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Bhaddali bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây (chúng Tăng) luôn luôn kết tội Tỷ-kheo? Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, do duyên gì ở đây, (chúng Tăng) không luôn luôn kết tội Tỷ-kheo như vậy?

— Này Bhaddali, ở đây, có Tỷ-kheo thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận, và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo này thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, chớ có giải tội ấy một cách mau chóng”. Như vậy, này Bhaddali, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, không giải tội ấy một cách mau chóng.

Nhưng ở đây, này Bhaddali, lại có Tỷ-kheo, thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo này thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, hãy giải tội ấy một cách mau chóng”. Như vậy, này Bhaddali, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, giải tội ấy một cách mau chóng.

Ở đây, này Bhaddali, có Tỷ-kheo không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo này không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, chớ có giải tội một cách mau chóng”. Như vậy, này Bhaddali, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, không giải tội ấy một cách mau chóng.

Nhưng ở đây, này Bhaddali, lại có Tỷ-kheo không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bahaddali, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, hãy giải tội này một cách mau chóng”. Như vậy, này Bhaddali, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, giải tội ấy một cách mau chóng.

Ở đây, này Bhaddali, có Tỷ-kheo còn sống (trong Tăng chúng) với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này còn sống (trong Tăng chúng) với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, thời chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy sẽ đi đến đoạn diệt. Vậy chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy đoạn diệt”. Ví như, này Bhaddali, một người chỉ có một mắt, các thân hữu bà con huyết thống bảo vệ con mắt còn lại ấy và suy nghĩ như sau: “Chớ để cho con mắt còn lại này bị đoạn diệt”. Cũng vậy, này Bhaddali, ở đây Tỷ-kheo còn sống (trong Tăng chúng) với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Ở đây, này Bhaddali, các Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này còn sống (trong Tăng chúng) với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, thời chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy sẽ đi đến đoạn diệt. Vậy chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy bị đoạn diệt”.

Này Bhaddali, do nhân này, do duyên này, ở đây (chúng Tăng) luôn luôn kết tội Tỷ-kheo. Do nhân này, do duyên này, ở đây, (chúng Tăng) không luôn luôn kết tội vị Tỷ-kheo.

— Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, lúc xưa các học giới tuy ít hơn, nhưng các Tỷ-kheo đã ngộ nhập chánh trí nhiều hơn. Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, do duyên gì, ngày nay các học giới nhiều hơn, nhưng các Tỷ-kheo ngộ nhập chánh trí ít hơn?

— Này Bhaddali, khi các loài hữu tình bị thối thất, khi diệu pháp bị diệt mất, thời các học giới có nhiều hơn và các vị Tỷ-kheo ngộ nhập chánh trí ít hơn. Này Bhaddali, khi nào một số hữu lậu pháp (Asavatthaniya dhamma) chưa hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Ðạo Sư vẫn không chế định một học giới cho các đệ tử. Và này Bhaddali, ở đây, chỉ khi nào một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, chỉ khi ấy bậc Ðạo Sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy. Này Bhaddali, ở đây, khi nào Tăng chúng chưa lớn mạnh, khi ấy một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng. Và này Bhaddali, chỉ khi nào Tăng chúng đã được lớn mạnh, thời ở đây một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Ðạo Sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy. Này Bhaddali, ở đây, khi nào Tăng chúng chưa đạt được quyền lợi tối thượng… chưa đạt được danh xưng tối thượng… chưa đạt được đa văn… chưa đạt được địa vị kỳ cựu, khi ấy một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng. Và này Bhaddali, ở đây, chỉ khi nào Tăng chúng đã đạt được địa vị kỳ cựu, thời ở đây một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Ðạo Sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy.

Này Bhaddali, các Ông còn số ít, khi Ta giảng cho các Ông pháp môn ví dụ lương chủng mã. Này Bhaddali, Ông có nhớ không?

— Bạch Thế Tôn, không.

— Ở đây, này Bhaddali, do nhân gì, Ông xem sự việc xảy ra như vậy?

— Bạch Thế Tôn, vì con trong một thời gian dài, đã không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Ðạo Sư.

— Này Bhaddali, không phải chỉ có nhân như vậy, chỉ có duyên như vậy. Vì rằng, trong một thời gian khá dài, này Bhaddali, Ta biết tâm Ông với tâm của Ta (Ta biết rằng): Khi Ta thuyết pháp, kẻ ngu si này không có để tâm, không có tác ý, không dùng nhứt thiết tâm để tư niệm, không có nghe pháp với (hai) tai sẵn sàng. Và này Bhaddali, Ta sẽ giảng cho Ông pháp môn ví dụ lương chủng mã. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Bhaddali, vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

— Này Bhaddali, ví như một người điều mã sư thiện xảo, có nhận được một con lương mã hiền thiện, trước hết phải huấn luyện con ngựa ấy cho quen với dây cương. Trong khi huấn luyện nó cho quen với dây cương, nếu nó có vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự, vì chưa quen sự huấn luyện trước kia chưa làm. Con ngựa ấy do sự huấn luyện thường xuyên, do sự huấn luyện tiếp tục, được thuần thục về phương diện ấy.

Này Bhaddali, khi con lương mã hiền thiện do huấn luyện thường xuyên, do sự huấn luyện tiếp tục, đã được thuần thục về phương diện ấy, thời người điều mã sư lại huấn luyện thêm con ngựa ấy cho quen với yên ngựa. Trong khi huấn luyện nó cho quen với yên ngựa, nếu nó có vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự vì chưa quen sự huấn luyện trước đây chưa làm. Con ngựa ấy do sự huấn luyện thường xuyên, do sự huấn luyện tiếp tục, được thuần thục về phương diện ấy.

Này Bhaddali, khi con lương mã hiền thiện do huấn luyện thường xuyên, do huấn luyện tiếp tục, đã được thuần thục về phương diện ấy, thời người điều mã sư lại huấn luyện thêm con ngựa ấy cho quen với sự diễn hành, đi vòng quanh, đi đầu móng chân, chạy phi, hí, các trò chơi vương giả, vương lực, tối thượng tốc lực, tối thượng nhanh nhẹn, tối thượng thiện hành. Trong khi huấn luyện cho nó quen với tối thượng tốc lực, tối thượng nhanh nhẹn, tối thượng thiện hành, nếu nó có vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự vì chưa quen sự huấn luyện trước đây chưa làm. Con ngựa ấy do sự huấn luyện thường xuyên, do sự huấn luyện tiếp tục, được thuần thục về phương diện ấy.

Này Bhaddali, khi con lương mã hiền thiện, do huấn luyện thường xuyên, do huấn luyện tiếp tục, đã được thuần phục về phương diện ấy, thời người điều mã sư lại giúp thêm con ngựa ấy về phần sắc đẹp và trang sức. Này Bhaddali, con lương mã, hiền thiện được thành tựu mười đặc tánh này trở thành xứng đáng cho bậc vua chúa, trở thành báu vật của vua, được liệt vào một ấn tướng của vua.

Cũng vậy, này Bhaddali, một Tỷ-kheo thành tựu được mười pháp trở thành đáng được kính trọng, đáng được tôn kính, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là mười? Ở đây, này Bhaddali, Tỷ-kheo thành tựu vô học chánh tri kiến, thành tựu vô học chánh tư duy, thành tựu vô học chánh ngữ, thành tựu vô học chánh nghiệp, thành tựu vô học chánh mạng, thành tựu vô học chánh tinh tấn, thành tựu vô học chánh niệm, thành tựu vô học chánh định, thành tựu vô học chánh trí, thành tựu vô học chánh giải thoát. Này Bhaddali, Tỷ-kheo thành tựu mười pháp này trở thành đáng được kính trọng, đáng được tôn kính, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Bhaddali hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.



Source link

Phần lược giải

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 65
Kinh Bhaddàli
(Bhaddàlisuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

– Thành tựu vô học Chánh tri kiến: Asekhàya sammaditthiyà samannàgato: being endowed with an adept s right view: Chánh tri kiến của một A-la-hán, bậc đã đoạn tận lậu hoặc.

– Thành tựu vô học Chánh tư duy: Asekhena sammàsankappena samannàgato: being endowed with an adept’s right thought: Chánh tư duy của một A-la-hán, bậc đã đoạn tận lậu hoặc.

– Thành tựu vô học Chánh ngữ: Asekhàya sammàvàcàya samannàgato: being endowed with an adept’s right speech: Chánh ngữ của một A-la-hán, bậc đã đoạn tận lậu hoặc.

– Thành tựu vô học Chánh nghiệp: Asekhena sammàkammantena: being endowed with an adept’s right action: Chánh nghiệp của một A-la-hán bậc đã đoạn tận lậu hoặc.

– Thành tựu vô học Chánh mạng: Asekhena sammààjìvera samannàgato: being endowed with an adept’s right livelihood: Chánh mạng của một A-la hán….

– Thành tựu vô học Chánh tinh tấn: Asekhena sammààjìvera samanannàgato: being endowed with an adept’s right livelihood: Chánh mạng của một A-la hán,…

– Thành tựu vô học Chánh niệm: Asekhàya sammàsatiyà samannàgato: being endowed with an adept’s right mindfulness: Chánh niệm của một A-la-hán,…

– Thành tựu vô học Chánh định: Asekhena sammàsamàdhinà samannàgato: being endowed with an adept’s right concentration: Chánh định của một A- la-hán,…

– Thành tựu vô học chánh trí: Asekhena sammànànena samannàgato: being endowed with an adept’s right knowledge: Chánh trí của một A-la-hán,…

– Thành tựu vô học chánh giải thoát: Asekhàya sammàvimuttiyà samannàgato: being endowed with an adept’s right freedom: Chánh giải thoát của một A-la-hán,…

II. NỘI DUNG KINH BHADDÀLI, 65

1. Tỷ kheo Bhaddàli không thể dùng một bửa ngọ mỗi ngày, mà ăn nhiều lần mỗi ngày, không thực hiện nghiêm chỉnh học pháp, thiếu tâm tàm, quý. Một hôm Bhaddàli phát lộ trước Thế Tôn về lỗi lầm của tự thân và hứa phòng hộ trong tương lai.

2. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy Bhaddàli rằng: một người không thực hành trọn vẹn Học giới thì dù sống hạnh viễn ly cũng không đắc được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng của bậc Thánh; với người thực hành trọn vẹn học giới thì đời sống viễn ly sẽ dẫn đến chứng đắc các định và đắc Tam minh.

3. Nhân đây, Bhaddàli hỏi Thế Tôn do nhân duyên gì lúc xưa các học giới ít hơn, các Tỷ kheo lại đã ngộ nhập chánh trí nhiều hơn? do nhân duyên gì ngày nay các học giới nhiều hơn, nhưng các Tỷ kheo ngộ nhập chính trí ít hơn?

Đức Thế Tôn cắt nghĩa: “Khi các hữu tình bị thối thất, khi diệu pháp bị diệt mất, thì các học giới có nhiều hơn và các Tỷ kheo ngộ nhập chánh trí ít hơn. Khi nào một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc đạo sư không chế định một học giới nào cho đệ tử. Khi nào một số hữu lậu hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc đạo sư mới chế định các học giới cho đệ tử”.

4. Đức Thế Tôn dạy thêm: “Một Tỷ kheo đáng được kính trọng, tôn kính, đáng được cúng dường, chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời nếu thành tựu mười pháp: Chánh tri kiến vô lậu, chánh ngữ vô lậu, chánh nghiệp vô lậu, chánh mạng vô lậu, chánh tinh tấn vô lậu, chánh niệm vô lậu, chánh trí vô lậu và chánh giải thoát vô lậu, có nghĩa là phải đắc A-la-hán, thành tựu phạm hạnh”.

III. BÀN THÊM

1. Phàm một tu sĩ làm một hành động thân, khẩu, ý thì liền biết hành động đó đúng pháp hay không đúng pháp, nhất là hành động đó được lập lại hơn một lần. Biết sai mà không dừng lại là tâm không có “tàm”. Hành động sai bị tăng chúng biết, có góp ý hay không góp ý xây dựng, mà tự thân không dừng lại là tâm “vô quý”. Với cái tâm không còn tàm quý, nghĩa là còn nhiều cấu uế, thì nhất định sẽ không vào được Sơ thiền Sắc giới, không vào được “Hiện tại lạc trú, “tịch tịnh trú. Không vào sâu định thì không thể chứng đắc pháp thượng nhân và tri kiến thù thắng. Đây là lý do mà Thế Tôn dạy những người giữ gìn Học pháp còn thiếu sót thì dù sống hạnh viễn ly cũng không thể chứng đắc pháp thượng nhân và tri kiến thù thắng.

2. Bài học đầu tiên của một Tỷ kheo trên đường phát triển giải thoát là đoạn trừ các cấu uế của tâm, trong đó có tâm “vô tàm”, “vô quý”. Học pháp là hỗ trợ cho công phu đoạn trừ các tâm cấu uế, và ngược lại. Nếu học pháp không được thực hành nghiêm túc thì tâm cấu uế còn được dung dưỡng. Do vậy, học pháp cần được giữ gìn trước khi tâm cấu uế có thể bị loại trừ. Không thể rời học pháp mà mong cầu thành tựu định, tuệ.

Đó là nội dung kinh Bhaddàli đề cập đến.

Video giảng giải

.

Toát yếu Kinh Trung Bộ

Ni sư Thích Nữ Trí Hải tóm tắt & chú giải

 

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 65

Bhaddàli

I. TOÁT YẾU

Bhaddàli Sutta - To Bhaddàli.

The Buddha admonishes a recalcitrant monk and explains the disadvantages of refusing to submit to the training.

Giảng cho Bhaddàli.

Phật quở trách một tỳ kheo ươn ngạnh và giải thích những bất lợi của sự không tuân theo học giới.

II. TÓM TẮT

Phật gọi các tỳ kheo và dạy nên ăn ngày một bữa như Ngài, (ăn chỉ ngồi một lần, nhất tọa thựcđứng lên rồi thì không ăn thêm gì nữa) sẽ có sức, ít bệnh, nhẹ nhàng, an vui [1]. Khi nghe vậy tôn giả Bhaddàli phản đối, bạch Phật ông không thể làm như vậy, vì ông sẽ lo lắng, ân hận [2]. Phật đề nghị nếu thế thì khi khất thực được, ông hãy ăn một phần, dành lại một phần để ăn sau. Bhaddàli cũng không chịu làm cách ấy, bảo rằng làm vậy ông cũng vẫn lo lắng ân hận [3]. Như vậy, khi Phật công bố học giới này [4], tôn giả Bhaddàli cũng công bố giữa chúng tăng rằng ông không thi hành giới ấy. Do cãi Phật nên ông tránh gặp Phật suốt ba tháng mùa mưa.

Khi Phật sắp du hành, các tỳ kheo khuyên ông đi sám hối. Sau khi quở trách, Phật nhận sự sám hối của Bhaddàli và nêu lên cho ông thấy những bất lợi như sau:

1. Tất cả bốn chúng nhóm họp trong ba tháng đều biết thượng tọa Bhaddàli không thực hành trọn vẹn các học giới.

2. Trong khi mọi người đều tuân giữ lời Phật dạy, tỳ kheo Bhaddàli đã tuyên bố sự bất lực của mình.

3. Ngay cả một tỳ kheo đã đắc câu phần giải thoát [5], cũng sẽ vâng lời khi Phật bảo lấy thân mình làm ván cho Ngài bước qua vũng bùn [6], huống nữa tỳ kheo Bhaddàli chưa đạt đến địa vị nào trong bảy vị: tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thân chứng, kiến chí, tín thắng giải, tùy pháp hành, tùy tín hành, đã chứng tỏ sự trống rỗng của mình.

Nếu tỳ kheo không thực hành trọn vẹn học giới mà muốn sống độc cư ở trứ xứ hoang vắng để chứng pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc thánh, sẽ không đạt mục đích, vì bị sự quở trách của bậc Ðạo sư, chư thiên, các đồng phạm hạnh có trí, và của tự tâm. Ngược lại nếu tỳ kheo thực hành trọn vẹn học giới, tu tập tại trú xứ hoang vắng thì nếu muốn, có thể chứng bốn thiền ba minh, thành bậc lậu tận la hán vì không bị những sự quở trách như trên.

Bhaddàli hỏi Phật trường hợp nào tỳ kheo được giải tội nhanh chóng, trường hợp nào không được giải tội nhanh chóng. Phật dạy, có tỳ kheo phạm tội, thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, nhưng khi bị cử tội thì tránh né vấn đề, ngang ngược chống đối, tỏ sự phẫn nộ bất mãn, không nghĩ tôi phải làm gì cho chúng tăng hoan hỉ, thì chúng tăng không giải tội nhanh chóng. Có tỳ kheo ít khi phạm giới tội, nhưng khi phạm, bị tăng cử tội không có thái độ như trên, lại nghĩ phải làm gì cho tăng hoan hỉ, thì chúng tăng chóng giải tội người này. Lại nữa, khi biết người nào chỉ còn rất ít lòng tin, lòng thương [7] đối với đại chúng, thì vì không muốn cho chút ít lòng tin và lòng thương ấy bị đoạn diệt, chúng tăng cũng không thường xuyên cử tội người ấy. Ví như người ta sẽ cẩn thận giữ gìn một con mắt còn lại.

Bhaddàli hỏi tiếp: Tại sao ngày xưa ít học giới mà nhiều người ngộ nhập chính trí, bây giờ nhiều học giới mà ít người ngộ nhập. Phật dạy những nguyên nhân là:

1. Hữu tình thối thất, diệu pháp sắp diệt;

2. Khi hữu lậu pháp hiện khởi trong tăng chúng, Phật mới chế ra giới luật [8].

3. Sở dĩ hữu lậu pháp sinh là vì tăng đoàn đã lớn mạnh, đạt đến địa vị kỳ cựu, danh dự, đa văn, lợi lộc.

Rồi Phật hỏi Bhaddàli có nhớ ví dụ lương chủng mã mà Ngài đã dạy lúc tăng chúng còn ít người. Bhaddàli thưa không, bởi vì từ lâu đã không thực hành học giới cho trọn vẹn. Phật lại quở trách ông chẳng những vì không giữ giới, mà còn vì không lóng tai nghe pháp.

Và Ngài nhắc lại sự huấn luyện một tỳ kheo trong giáo pháp Ngài: Như con ngựa tốt của vua được luyện qua nhiều giai đoạn, tập quen với yên cương, tập diễn hành đủ kiểu như đi vòng quanh, đi bằng đầu móng chân, phi nước đại… khi đã thuần, lại cho đeo đồ trang sức để trở thành báu vật của vua. Cũng vậy tỳ kheo thành tựu 10 pháp vô học [9] sẽ thành ruộng phước vô thượng ở đời: chính tri kiến… chính trí, chính giải thoát [10].

III. CHÚ GIẢI

1. Ðiều này ám chỉ pháp ăn của Phật chỉ 1 bữa trong ngày trước ngọ. Theo Giới Biệt Giải thoát, tỳ kheo bị cấm ăn từ buổi trưa cho đến bình minh hôm sau. Nhất tọa thực là pháp hành mà Phật khuyên chứ không bắt buộc.

2. Luận nói: Vị ấy lo lắng mình không thể trọn đời sống phạm hạnh.

3. Sự lo lắng của vị ấy vẫn tiếp diễn vì vị ấy còn phải ăn xong những đồ còn thừa trước ngọ.

4. Ðây là học giới cấm ăn ngoài thời gian ấn định.

5. Bảy danh từ dùng trong đoạn này là cách phân chia 7 hạng thánh, được giải thích trong kinh 70.

6. Phật không bao giờ ra lệnh cho đệ tử như vậy, điều này chỉ nói để tỏ rõ hành vi ươn ngạnh của Bhaddàli.

7. Vị ấy tồn tại nhờ có phần nào tin tưởng và yêu mến đối với bậc thầy theo cách thế gian. Vì các tỳ kheo khác giúp đỡ vị ấy nên vị ấy vẫn ở lại trong đời sống xuất gia và có thể cuối cùng trở thành một đại tăng đắc được thắng trí.

8. Ðoạn này ám chỉ một nguyên tắc cố định là, Phật không chế ra giới luật khi chưa có trường hợp vi phạm.

9. Một bậc vô học có nghĩa là A la Hán. 10 yếu tố này là yếu tố làm nên quả vị A la Hán.

10. Chính trí là tri kiến thuộc về quả vị A la Hán, chính giải thoát là sự giải thoát khỏi tất cả ô nhiễm, nơi một vị A la Hán.

IV. PHÁP SỐ

Bảy bậc hiền thánh, mười thánh đạo.

V. KỆ TỤNG

Phật dạy các tỳ kheo
Nên giữ nhất tọa thực
Chỉ ngồi ăn một lần
Sẽ ít bệnh, an vui.
Bhadd
àli bạch Phật
- Không thể làm vậy đâu
Nếu chỉ ăn một bận
Con ân hận lo rầu.
Phật lại đưa đề nghị:
"Vậy khi khất thực được
Ngươi n
ên ăn phân nửa
Chừa phân nửa ăn sau."
- Bạch Phật l
àm như thế
Con tiếc nuối, lo âu.
Do cãi lời Phật dạy
Nên ông tránh gặp Ngài.
Khi Phật sắp du hành
Tôn giả cầu sám hối
Vì đã không thực hành
Trọn vẹn các học giới.
"Tỳ kheo không giữ giới
Muốn độc cư rừng núi
Mong chứng pháp hơn người
Sẽ không thể chứng được
Không đạt được mục đích
V
ì bị sự quở trách
Của Ðạo sư, chư thiên
Tự mình cũng trách mình.
Người giữ giới trọn vẹn
Tu tập nơi hoang vắng
Có thể chứng ba minh,
Thành lậu tận La hán.
Bhaddàli hỏi Phật
- Khi nào thì chúng tăng
Chóng l
àm pháp giải tội
Khi nào không chóng giải?
"Có tỳ kheo phạm tội,
Thường xuyên hoặc thỉnh thoảng,
Nhưng khi bị cử tội
Lại ngang ngược chống đối,
V
à tránh né vấn đề
Tỏ phẫn nộ bất m
ãn,
Không nghĩ: Phải làm sao
Ðể cho tăng hoan hỉ,
Có kẻ phạm lỗi lầm
Bị chúng tăng cử tội
Không phẫn nộ chống đối
Lại mong tăng hoan hỉ,
Với hạng tỳ kheo trước
Không giải tội nhanh chóng
Với hạng tỳ kheo sau
Tăng giải tội rất nhanh.
Lại có người xuất gia
Nhưng đối với tăng chúng
Chỉ c
òn lại rất ít
Lòng tin và thương tưởng
Tăng không thường cử tội
Một con người như thế
V
ì không muốn đoạn dứt
Chút tin y
êu còn lại
Như kẻ bị thui chột
Sẽ cẩn thận giữ gìn
Con mắt còn sót lại
Tăng để yên kẻ này."
Bhaddàli lại hỏi:
- Do nhân gì duyên gì
Xưa học giới rất ít
Mà nhiều người chứng ngộ
Nay quá nhiều học giới
Người ngộ nhập hiếm hoi?
"Vì hữu tình thối thất
Diệu pháp sắp diệt mất;
Vì nhiễm ô sinh khởi
Trong tăng chúng lớn mạnh
Danh dự, lợi lộc nhiều
Ta chế giới điều phục.
V
à này Bhaddàli
Khi tăng chúng còn ít
Ta giảng lương chủng mã
Ngươi còn nhớ hay không?"
- Thưa không, bạch Thế tôn
Bởi vì đã từ lâu
Con không hành trọn vẹn
Các học giới Phật chế.
"Chẳng những vì như thế
Mà còn do nghe Pháp
Ngươi đã không lóng tai
Này hỡi Bhaddàli."
- Thưa vâng bạch Thế tôn
Ngài nhắc lại cho con
Phật dạy Bhaddàli
Phép luyện lương chủng mã
Như con ngựa giống tốt
Ðược luyện nhiều giai đoạn
Trước tập quen y
ên cương
Sau điều chỉnh tốc độ
Tập diễn h
ành đủ kiểu
Cho đến khi thuần thục,
Lại cho đeo trang sức
Th
ành báu vật của vua.
Tỳ kheo được huấn luyện
Ly dục ly bất thiện
Chứng v
à trú sơ thiền
Cho đến chứng tứ thiền
Th
ành tựu được 10 pháp
Của một bậc vô học
L
à lậu tận La hán
Ruộng phước của nhân thiên.

-ooOoo-

Servers Status

Server Load 1

Server Load 2

Server Load 3

Live Statistics
43
Packages
65
Dropped
18
Invalid

File Transfers

  • TPSReport.docx
  • Latest_photos.zip
  • Annual Revenue.pdf
  • Analytics_GrowthReport.xls

Tasks in Progress

  • Wash the car
    Rejected
    Written by Bob
  • Task with hover dropdown menu
    By Johnny
    NEW
  • Badge on the right task
    This task has show on hover actions!
    Latest Task
  • Go grocery shopping
    A short description ...
  • Development Task
    Finish React ToDo List App
    69

Urgent Notifications

All Hands Meeting

Yet another one, at 15:00 PM

Build the production release
NEW

Something not important
+

This dot has an info state