Lúc bấy giờ có một con chim Kim sí điểu (chim thần cánh vàng) Garula sống trong cây bông vải trong vùng núi Himavat (Tuyết Sơn) gần đại dương miền Nam, bay lượn trên mặt nước rồi sà xuống vùng núi Himavat chụp lấy đầu của một chúa rồng Nàga. Đây là thời kỳ chim Garula chưa biết cách bắt rồng Nàga (chúng đã biết cách bắt rồng này trong chuyện Tiền thân Pandara, số 518). Vì thế, dù đã chụp được đầu rồng mà không làm bắn nước tung tóe, nó lại mang rồng tòn teng đến đỉnh núi Himavat.
Một Bà-la-môn trước đây là dân xứ Kà-si, sống ẩn dật trên núi này trong một chòi lá, và cuối lối đi có mái che là một cây đa lớn nên ban ngày ông vẫn cư ngụ dưới gốc cây. Chim Garula mang rồng Nàga đến ngọn cây đa, và rồng Nàga cố thoát ra, nên cuộn đuôi quanh một cành.Chim Garula không biết việc này, lấy toàn lực bay vụt lên trời mang theo luôn cây đa bật khỏi gốc. Chim thần mang rồng Nàga đến cây bông vải, dùng mỏ phanh bụng rồng ra, ăn hết mỡ, rồi ném xác xuống biển.